Lao động tự do nào được nhận hỗ trợ trong gói 62.000 tỉ đồng

Sau khi tiếp thu và bổ sung góp ý của các bộ, ngành, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung vừa trình Chính phủ dự thảo quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Quy định này nhằm triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng.

Đáng chú ý trong dự thảo này là chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm.

Theo đó, người lao động tự do được hưởng trợ cấp gồm: Người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; tài xế xe máy hai bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên, để được nhận tiền, đối tượng này phải đáp ứng điều kiện sau: Mất việc và không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo quy định. Cạnh đó, người lao động phải cư trú hợp pháp tại địa phương và thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp…

Ngoài các đối tượng nêu trên, dự thảo cũng quy định các tỉnh căn cứ vào điều kiện và tình hình thực tế để quyết định các đối tượng được hỗ trợ khác từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Mức hỗ trợ đối với lao động tự do là 1 triệu đồng/người/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa nba tháng, tính từ 1-4.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, đối với lao động tự do khó định lượng về các tiêu chí nên sau khi có quyết định của Thủ tướng, đơn vị sẽ có thông tư hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện.

Đối với các chính sách hỗ trợ khác, ông Dung cho biết sẽ được triển khai trong tháng 4. “Tôi đã trao đổi với Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội, khi Thủ tướng ký quyết định trên, tổ chức, cá nhân nào đủ thủ tục chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội có thể trả lời ngay. Như vậy, về cơ bản, chính sách này sẽ được triển khai trong tháng 4, nhất là gói hỗ trợ thực hiện một lần và chi trọn gói…” - ông Đào Ngọc Dung cho hay.

Cũng theo ông Dung, đối với đối tượng có quan hệ lao động sẽ được triển khai thông qua hệ thống doanh nghiệp và xác nhận của hệ thống chính quyền địa phương. Thời điểm nào có hồ sơ thì sau năm ngày, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải giải quyết.

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay Sở LĐ-TB&XH đều đã lên kế hoạch chi trả hỗ trợ cho người dân, đặc biệt là các đối tượng thuộc hộ nghèo, người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội… Sau khi Thủ tướng ký quyết định trên, các Sở LĐ-TB&XH sẽ thực hiện ngay việc chi trả.

Bảy nhóm đối tượng được hỗ trợ theo nghị quyết Chính phủ

Ngày 9-4, Thủ tướng Chính phủ ký nghị quyết về các biện pháp và gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Gói hỗ trợ với hơn 62.000 tỉ đồng, khoảng 20 triệu đối tượng thuộc bảy nhóm đối tượng thụ hưởng bao gồm:

- Người có công với cách mạng đang hưởng chính sách ưu đãi hằng tháng

- Đối tượng bảo trợ xã hội

- Hộ nghèo, hộ cận nghèo

- Người lao động theo chế độ hợp đồng phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương

- Người lao động bị chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động tự do, không có giao kết hợp đồng

- Người sử dụng lao động khó khăn về tài chính được vay 50% tiền lương tối thiểu vùng để trả lương cho người lao động

- Hộ kinh doanh cá thể thu nhập dưới 100 triệu đồng bị ngừng kinh doanh theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm