‘Làm sao để dân có ý kiến về người ứng cử khóa tới’

Chiều 16-5, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị 8 gồm ĐB Nguyễn Minh Đức, ĐB Nguyễn Thị Yến (ni sư Thích nữ Tín Liên), ĐB Trần Thị Diệu Thúy, tiếp xúc với cử tri quận Gò Vấp.

Cử tri Lý Văn Xuân (phường 10, quận Gò Vấp) nếu bức xúc về tình trạng cán bộ thổi giá khi mua máy xét nghiệm. Ảnh: TÁ LÂM

Chọn cán bộ phải xứng với ‘4 chữ thật’
Tại buổi tiếp xúc, ông Lý Văn Xuân (cử tri phường 10) bày tỏ bức xúc về việc một số cán bộ, cơ quan đã nâng giá khi mua máy xét nghiệm trong phòng, chống dịch COVID-19.
“Trong thời gian chống dịch, toàn Đảng, toàn dân phải ra sức chống dịch. Có cháu bé đập heo đất được mấy trăm ngàn mang đến ủng hộ, có cụ già gần 80 tuổi cũng vét tiền của mình, các ATM gạo mọc lên,... Vậy mà lại có cán bộ lợi dụng chống dịch mua máy giá gấp 2-3 lần để thu lợi”, ông Xuân nói và đề nghị cơ quan chức năng phải điều tra đến nơi đến chốn và xử lý nghiêm khắc vấn đề này.
Nói về công tác bổ nhiệm, chọn lựa cán bộ sắp tới, cử tri Lý Văn Xuân đề nghị Trung ương, Thành ủy phải chọn người trong sạch, xứng đáng với ‘bốn chữ thật’ trong di chúc của Bác Hồ. Đó là: Phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng; phải thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch; phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân.
Với ý kiến cử tri liên quan đến sai phạm trong mua sắm thiết bị y tế, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, cho biết ông và các đại biểu Quốc hội cũng rất bức xúc.
“Trong lúc nước sôi lửa bỏng như vậy mà cán bộ phụ trách trực tiếp công tác chống dịch COVID-19 lại mua sắm có vi phạm như thế là không thể chấp nhận được”, ông Nhân nói và cho biết trong kỳ họp Quốc hội tới đây Chính phủ có báo cáo về phòng, chống COVID-19, qua đó sẽ đề nghị có báo cáo về việc các địa phương mua sắm thiết bị y tế chống dịch.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết sẽ suy nghĩ và báo cáo cấp trên làm thế nào để nhân dân có thể có ý kiến được về danh sách dự kiến những người ứng cử khóa tới. Ảnh: TÁ LÂM

Liên quan đến công tác cán bộ, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết vừa rồi Trung ương họp hội nghị lần thứ 12, trong đó có bàn về tiêu chuẩn, quy hoạch cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt sắp tới.
“Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định lại Đại hội Đảng sắp tới những người được giới thiệu ứng cử vào Ban chấp hành các cấp phải là những người tiêu biểu cho Đảng, phải là những người làm đúng lý tưởng của Đảng, làm đúng việc học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, không thể lọt những người tham vọng quyền lực, chạy chức, xa rời quần chúng” - ông Nhân nói.
Về phía TP.HCM, ông cho biết cũng đang trong quá trình xây dựng cán bộ để đến đại hội Đảng có được một đội ngũ cán bộ quy hoạch đủ lớn về số lượng và phấn đấu đảm bảo về chất lượng để đại hội bầu.
“Cán bộ của Đảng là phục vụ nhân dân”, ông Nhân nói và cho biết sẽ suy nghĩ, báo cáo cấp trên làm thế nào để nhân dân có thể có ý kiến được về danh sách dự kiến những người ứng cử khóa tới.
Nhắc tới Di chúc của Bác, ông Nhân cho rằng chỉ khi chúng ta có chính quyền, có Đảng thì cán bộ, đảng viên trở thành người lãnh đạo. “Đó chỉ mới là một nửa thôi, nửa thứ hai là quyền người dân cho phép mình làm lãnh đạo thì mình phải phục vụ nhân dân, như Bác nói “là đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, tức là phải chịu sự giám sát của nhân dân”, ông Nhân nói và khẳng định đang tiếp tục theo hướng này.
Một trong những hành động cụ thể là Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Quy định 1374 từ cuối năm 2017, trong đó có việc xử lý phản ánh của người dân về cán bộ sai phạm ở các địa phương trên địa bàn TP. Hơn hai năm qua, Thành ủy đã tiếp nhận hàng ngàn ý kiến của người dân, trong đó hơn 90% ý kiến được xử lý. Nhưng cũng rất đáng tiếc khi phải xử lý hàng trăm cán bộ có sai phạm. Theo ông, đây là quy chế riêng của TP mà các tỉnh, thành khác không có, thể hiện muốn lắng nghe dân.
Như vụ xây dựng không phép, trái phép ở quận Thủ Đức được phản ánh qua báo chí, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã cùng nhiều lãnh đạo trực tiếp tới kiểm tra. “Vụ việc đó, Phó Chủ tịch HĐND quận Thủ Đức thấy rằng trong gia đình mình có 7 công trình sai phạm không phép, trái phép nên xin nghỉ không tham gia Thường vụ Quận uỷ nữa. Sai phạm là đáng tiếc, nhưng khi thấy sai phạm không còn đủ uy tín, xin nghỉ là đúng”, ông Nhân khẳng định.
Bằng mọi giá, phải giữ chủ quyền biển, đảo
Cử tri Trương Thanh Triều (phường 7) nêu về vấn đề biển Đông. Theo cử tri Triều, tình hình Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp. Phía Trung Quốc, lấn chiếm trái phép trên vùng biển, tuyên bố chủ quyền vô pháp, cấm đánh bắt trên Biển Đông, xua đuổi ngư dân, đụng tàu cá, … là những vấn đề nhức nhối.

Cử tri Lâm Sơn Hoa (phường 6) đề nghị bỏ HĐND quận, phường. Ảnh: TÁ LÂM

Ông đề nghị QH xem xét ban hành Nghị quyết về Biển Đông, thể hiện tiếng nói của toàn dân. Đồng thời chuẩn bị hồ sơ, pháp lý khởi kiện lên tòa án quốc tế.
“Mong QH hết sức quan tâm, vì vấn đề biển đảo, lãnh thổ, chủ quyền rất thiêng liêng, bằng mọi giá, máu xương phải giữ gìn” - cử tri Triều nói.
Cử tri Triều cũng góp ý không nên thực hiện HĐND cấp quận/huyện, phường/xã vì thực tế hoạt động của HĐND các cấp này không cao, làm sao cho bộ máy gọn nhẹ và hoạt động hiệu quả.
Cử tri Lâm Sơn Hoa (phường 6) cũng đặt vấn đề: “Có nên chăng cần tiếp tục thí điểm không tổ chức HĐND quận/huyện, phường/ xã như giai đoạn 2009-2016. Thời điểm đó chúng ta vẫn đạt được kết quả thiết thực trong công tác quản lý, điều hành địa phương mà cũng phù hợp với mô hình ‘chính quyền đô thị’ tại TP”.
Liên quan đến việc thí điểm không tổ chức HĐND quận và phường, ông Nhân cho biết TP đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đồng ý chủ trương không có HĐND phường. Dự kiến trước tháng 10 sẽ trình để Quốc hội thông qua.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với cử tri bên lề buổi tiếp xúc. Ảnh: LÊ THOA

Đối với vấn đề biển, đảo, ông Nhân khẳng định đây không chỉ là vấn đề luôn được người dân quan tâm, mà toàn Đảng, Chính phủ, Quốc hội cũng luôn quan tâm. Ông khẳng định chúng ta phải quyết liệt giữ vững chủ quyền, bảo vệ biển đảo.
Theo ông Nhân, cần phải làm thế nào vừa giữ vững chủ quyền khẳng định chủ quyền nhưng phải tạo được không khí nhà đầu tư nước ngoài mạnh dạn đầu tư ở Việt Nam và chúng ta đang đi đúng hướng.

Nhận hỗ trợ 1 triệu mà về quê làm hồ sơ hết 2,5 triệu

Cử tri Nguyễn Đức Sáu (phường 13) góp ý về việc thực hiện Nghị quyết 42/2020 về hỗ trợ người dân khó khăn trong dịch COVID-19.

“Ban đầu, những lao động tự do rất háo hức vì từ nhỏ đến giờ, nay mới đươc nhà nước cho tiền. Thế nhưng bây giờ đã ngán rồi vì thủ tục rất rườm rà mà thời gian làm rất chậm” - cử tri Sáu nói.

Ông dẫn chứng có trường hợp quê Vĩnh Phúc vào TP.HCM làm xe ôm, muốn nhận tiền hỗ trợ 1 triệu đồng phải về quê xin xác nhận, thường thì mất bốn ngày, tiết kiệm lắm thì chi phí hết 2,5 triệu đồng. Cử tri Sáu đề nghị TP xem xét lại vấn đề này.

Nên bỏ quản lý dân cư bằng hộ khẩu

Cử tri Trương Thanh Triều (phường 7) nhìn nhận trong thời gian dài, cơ quan chức năng quản lý nơi cư trú của người dân bằng sổ hộ khẩu đã gây không ít phiền toái cho các giao dịch hành chính, dân sự của người dân.

“Một số cán bộ thực hiện hồ sơ hành chính đã lợi dụng việc quản lý hộ khẩu mà nhũng nhiều người dân như: thủ tục nhà đất, nhập học, nhập khẩu, chuyển khẩu, đăng ký kinh doanh,…. phải nói mọi thứ đều cần sổ hộ khẩu. Từ thực tế đó đã cho thấy những bất cập trong việc quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu giấy, vừa không tiết kiệm kinh phí và thời gian, vừa gây khó khăn phức tạp cho người dân” - cử tri Triều nói.

Cử tri Triều đề nghị nên bỏ hộ khẩu giấy và sử dụng công nghệ điện tử bằng thẻ công dân tích hợp toàn bộ yêu cầu quản lý nhà nước đối với nhân dân.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy