GÓP Ý VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII

'Làm sao để bà bán rau, ông bán nước là… công dân số'

Ngày 26-10, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến các tổ chức thành viên đối với các Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Đây là hội nghị lấy ý kiến đầu tiên trong chuỗi hội nghị sẽ diễn ra đến ngày 5-11.

Bí thư Trung ương Đảng Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nói việc góp ý cho các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng sẽ làm cho "ý Đảng hợp với lòng Dân". Ảnh: CHÂN LUẬN

Phát biểu khai mạc, Bí thư Trung ương Đảng Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nói: “Việc tham gia ý kiến của các cụ, các vị, các đồng chí chính là tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của toàn dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và năm 2045”.

Ông Trần Thanh Mẫn nói các ý kiến góp ý sẽ làm cho ý Đảng hợp với lòng dân; tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động và ý chí quyết tâm trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Trích lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, ông Trần Thanh Mẫn nói rằng: Văn kiện Đại hội là một văn kiện rất quan trọng, vừa mang tính lý luận cao, tính thực tiễn sâu sắc và tính chính trị chỉ đạo cho lâu dài, tồn tại mãi mãi trong lịch sử của Đảng, của đất nước.

“Do vậy văn kiện Đại hội phải có tầm nhìn chiến lược; phải làm cho chặt chẽ, chắc chắn, diễn đạt cho rõ ràng, không được sơ hở gây hiểu lầm. Văn kiện phải có tính quần chúng, giản dị, ai đọc cũng hiểu… viết sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, dễ kiểm tra” -  ông Trần Thanh Mẫn trích lời Tổng Bí thư.

Ngoài ra, có nhiều ý kiến đã phát biểu, nhấn mạnh vào tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong kỷ nguyên số và trong bối cảnh kinh tế số đang được đẩy mạnh tại Việt Nam.

GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, nói ông nhận được dự thảo văn kiện mới mấy ngày nhưng cũng kịp viết đến mấy chục trang góp ý. Tuy nhiên, giới hạn thời gian tại hội nghị, ông chỉ tập trung vào một số điểm về giáo dục.

GS Dong cho rằng các văn kiện cần làm rõ việc giáo dục đã tiến bộ, sâu sắc hơn trước cụ thể thế nào và còn những vấn đề gì.

Chẳng hạn, dự thảo nói “Chương trình SGK phổ thông đang được triển khai đúng lộ trình”. GS Dong nhận định điều này “đúng mà không đúng”. Bởi hiện nay cả xã hội đang xôn xao và chúng ta cần đi sâu vào bản chất xem “quần chúng mong muốn gì ở SGK”.

GS Phạm Tất Dong cho rằng, nếu định hướng đã là đẩy mạnh kinh tế số, xã hội số, chính phủ số thì cần phải đẩy mạnh công dân số. Ảnh: CHÂN LUẬN

GS Dong cũng cho rằng dự thảo văn kiện cần làm rõ xem các định hướng vừa được ban hành tới đây sẽ triển khai như thế nào. Chẳng hạn Chỉ thị 16 của Thủ tướng, Nghị quyết 52 của Trung ương hay Quyết định 749 của Thủ tướng.

Đặc biệt, GS Dong nhận định: “Trong phát triển kinh tế - xã hội vẫn vắng bóng con người. Dự thảo nói nhiều đến chất lượng nguồn nhân lực nhưng không thấy tiêu chí cho từng con người thế nào thì phát triển thế nào”.

Theo GS Dong, nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số… đang đặt ra yêu cầu mới. Công dân số, theo GS Dong, có nghĩa là từ bà bán rau, ông bán nước cũng sử dụng được các tiện ích số.

Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam kể: “Có những bà bán nước nuôi năm con ăn học, rồi mày mò dạy cho trẻ em sửa được máy tính. Rất nhiều gia đình nông dân, dòng họ người Mông họ đã có một nửa số gia đình mua ô tô, nhà nào cũng có ô tô, xe máy, xây lại nhà… Họ có thể sử dụng được các phương tiện số”.

Trong khi đó, PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT lại cho rằng: Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cần phải thêm tiêu chí “đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế”. Bởi nguồn nhân lực phải tiến đến tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

PGS Nhĩ góp ý: Quản lý nhà nước đối với giáo dục hiện nay cần phải tập trung, không nên phân tán. Do đó, dự thảo cần ghi thêm rằng: “Quản lý nhà nước, nhất là quản lý hệ thống các trường đại học, cao đẳng còn phân tán”.

"Đại học, cao đẳng là một hệ thống nhưng quản lý chưa tập trung khiến cho quá trình liên thông gặp khó khăn. Mặt khác, hệ thống trường Cao đẳng ở nước ta là rất lớn nhưng văn kiện chưa đề cập đến" - PGS Trần Xuân Nhĩ giải thích.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm