Làm rõ việc Honda cho hàng ngàn người thôi việc

Thứ trưởng Phạm Minh Huân yêu cầu Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc phải làm rõ được vấn đề cho thôi việc, chấm dứt hợp đồng lao động hàng loạt của Công ty Honda có đúng quy định của pháp luật hay không và việc này sẽ tác động ảnh hưởng đến người lao động, doanh nghiệp thế nào.

“Trường hợp địa phương lúng túng thì Bộ sẽ vào cuộc, tổ chức đoàn kiểm tra làm việc với Công ty Honda để tìm ra câu trả lời cho vấn đề này, vì người dân, báo chí ngày nào cũng xoay tôi” - ông Huân nói.

Đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết việc kiểm tra hiện tượng giải quyết cho lao động nghỉ việc trong thời gian qua của Honda là đúng quy trình. Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng: “Hiện nay các vấn đề đều xảy ra theo đúng quy trình, chỉ có vấn đề là không đúng. Hiện, pháp luật chưa hạn chế được tình trạng doanh nghiệp chỉ sử dụng lao động trong thời gian sức lực dồi dào nhất sau đó đẩy ra ngoài thay thế nhưng thực tiễn sử dụng lao động như vậy là không hợp lý. Doanh nghiệp tốn chi phí đào tạo mới, bản thân người lao động mất việc làm phải đi tìm việc mới gây khó khăn cho họ”.

Công nhân làm việc tại nhà máy Honda Việt Nam.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng pháp luật đã quy định trong quá trình sản xuất kinh doanh nếu có vấn đề về thu hẹp sản xuất, tái cơ cấu lại sản xuất có thể chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động. Tuy nhiên, nếu xảy ra tình trạng doanh nghiệp lợi dụng vấn đề này để đưa người lao động ra thì sẽ phải bổ sung quy định để tránh hiện tượng lợi dụng gây thiệt hại cho người lao động, ảnh hưởng đến thị trường lao động.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc, mặc dù nhu cầu sử dụng lao động của Công ty Honda Việt Nam không có biến động lớn, hằng năm vẫn sử dụng khoảng 7.000-8.000 lao động nhưng số lượng công nhân bị sa thải lại có biến động rất lớn, lên tới hàng ngàn người.

Cụ thể năm 2013, tổng số lao động được đóng bảo hiểm xã hội là 8.014 lao động nhưng số lượng bị dừng đóng là 1.837 lao động. Năm 2014 lại tuyển dụng mới với số lao động tăng lên là 8.568 lao động nhưng sau đó tiếp tục dừng đóng bảo hiểm xã hội với 1.670 lao động. Gần nhất là năm 2015 Honda Việt Nam vẫn sử dụng 7.827 lao động nhưng dừng đóng bảo hiểm xã hội đạt mức kỷ lục 2.968 lao động (gần 40% tổng số lao động).

Nguyên nhân, theo nhiều lao động là do công ty muốn “vắt chanh bỏ vỏ”, chủ trương cho người lớn tuổi nghỉ việc và thay vào đó là người trẻ tuổi.

Tuy nhiên, đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết theo thông tin của Công ty Honda, trong số khoảng 2.000 lao động nghỉ việc hằng năm có khoảng 1.600 lao động tự xin nghỉ việc, bỏ việc vì lý do cá nhân. Số lao động còn lại khoảng 300-400 lao động là do hết hợp đồng lao động xác định thời hạn 1-3 năm mà không được ký tiếp hợp đồng lao động do không đáp ứng được yêu cầu công việc của công ty.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm