Làm gì để vạch phân làn không còn bẫy dân?

Thiếu tá Huỳnh Văn Cường, Trạm trưởng Trạm CSGT Tân Túc:

Cần thống nhất biển báo

Hiện nay Sở GTVT cắm hai loại biển báo tích hợp (biển báo ghép) làn đường dành cho xe hỗn hợp. Loại 1 vẽ biển báo giới hạn tốc độ ở phía trên hình vẽ các loại xe được phép lưu thông và mũi tên chỉ hướng đi. Loại 2 đưa biển báo hạn chế tốc độ xuống dưới. Loại 1 không đúng với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (QCVN 41:2012/BGTVT) nên không đủ cơ sở pháp lý để người đi đường tuân thủ và CSGT xử lý người vi phạm.

Điều đáng nói là cả hai loại biển báo này được cắm trên cùng một trục đường nên đã xảy ra tình trạng khi thấy CSGT, người lái xe cố tăng tốc để chạy được vào đoạn có biển báo loại 1 nhằm không bị xử phạt. Hành vi này rất nguy hiểm trên các làn đường dành cho xe hỗn hợp. Vậy Sở GTVT nên sớm cắm đồng bộ, thống nhất loại biển báo 2 trên suốt tuyến, trục đường.

 
Biển báo không hợp chuẩn (ảnh trên) đặt trên quốc lộ 1 gần vòng xoay An Lạc đang gây khó cho người đi đường và biển báo tích hợp hợp chuẩn đặt trên đường Kinh Dương Vương (ảnh dưới, đặt gần đó trên cùng một trục đường). Ảnh: L.ĐỨC

Trung tá Trần Văn Thương, Đội trưởng Đội CSGT Hàng Xanh:

Nên kẻ vạch phân làn đúng thực tế

Cầu Bình Triệu 2 có ba làn xe nhưng làn xe máy được kẻ rất hẹp. Do bị khống chế trong mặt đường chưa tới 3 m nên vào giờ cao điểm luôn có người đi xe máy lấn sang làn đường dành cho ô tô. Vì vậy, Sở GTVT nên kẻ lại vạch phân làn hoặc đặt cọc tiêu mềm chia đôi mặt cầu và đường dưới chân cầu, đồng thời đặt nhiều gờ giảm tốc. Như vậy làn xe máy sẽ lưu thông thoáng hơn và làn xe ô tô hỗn hợp cũng đi chậm lại để đảm bảo an toàn, nhất là ở đoạn cong dưới cầu.

Về việc người dân phản ánh CSGT Hàng Xanh thường đứng ở dưới đoạn cong dưới cầu để “đón” người đi xe máy lấn làn, tôi đã chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ không được dừng xe xử phạt vì dễ gây ách tắc ngay cuối cầu.

Ông Lê Quyết Thắng, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1:

Khó đồng bộ biển báo, vạch kẻ

Hiện có tình trạng một tuyến, một trục đường được phân cấp cho từng khu quản lý hoặc thuộc từng dự án sửa chữa, duy tu khác nhau. Vậy nên mới có chuyện cùng là một trục, tuyến đường nhưng ở đoạn này có biển báo, vạch kẻ khác với các đoạn khác. Tuy nhiên, việc đồng bộ biển báo, vạch kẻ là rất khó thực hiện trong thời gian ngắn vì phụ thuộc vào từng dự án và kinh phí.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm