Lá thư xúc động gửi bạn bè thế giới về vụ giàn khoan của Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình

Nhìn các tàu TQ đông đảo, to lớn lao vào các tàu chấp pháp của VN nhỏ hơn để tấn công gây thương tích, tôi thấy nhói trong tim. Cái gì sẽ diễn ra tiếp? - nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình vừa biên thư gửi bạn bè của bà trên khắp thế giới để nói về việc TQ xâm phạm chủ quyền VN.

Xin trân trọng giới thiệu bức thư này:


Các bạn thân mến,

Nhiều bạn hỏi tôi: Cái gì đang xảy ra ở VN? Nhân dân VN đã chiến đấu bao nhiêu năm, chịu bao nhiêu hy sinh gian khổ, chẳng nhẽ phải tiếp tục đấu tranh? Tại sao TQ có thể xâm phạm chủ quyền của VN?

Chính trước đây TQ đã tích cực ủng hộ VN chống sự xâm lược của Mỹ? TQ là nước “xã hội chủ nghĩa” do một Đảng Cộng sản lãnh đạo, có lẽ nào như vậy? Đó cũng chính là những câu hỏi mà tôi và nhân dân VN tự hỏi.

TQ, Nguyễn Thị Bình, giàn khoan, chủ quyền, Hoàng Sa

 Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Ảnh: Dân Trí

Các bạn đã từng ủng hộ chúng tôi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, 30 năm ròng rã. Chắc các bạn hiểu cái giá to lớn mà nhân dân chúng tôi phải trả để có hòa bình độc lập và thống nhất đất nước. Hơn ba triệu người đã hy sinh, một đất nước tan nát và hậu quả chiến tranh hết sức nặng nề, đặc biệt với hàng trăm nghìn nạn nhân chất độc da cam mà không cách nào chạy chữa.

Năm 1974, khi còn chiến tranh, TQ đã xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của VN. Sau chiến tranh, Mỹ cấm vận VN 20 năm. Chiến tranh với Mỹ vừa chấm dứt, sau nhiều năm gây hấn ở biên giới phía Bắc, TQ đã kéo hơn 20 vạn quân sang để “dạy cho VN một bài học”. Không biết đó là bài học gì? Mà sao cắt nghĩa được khi một nước “xã hội chủ nghĩa” lớn lại đánh một nước “xã hội chủ nghĩa” nhỏ, vừa ra khỏi chiến tranh? Vậy mà đó là sự thật! Năm 1988, TQ lại đánh chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của VN.

Ngày nay, nhân dân VN đang cố gắng xây dựng lại đất nước, từng bước phát triển, gặp vô vàn khó khăn và thử thách. Và tuy hết sức nỗ lực, VN còn rất nghèo, nên VN làm hết sức mình để tạo môi trường hòa bình, ổn định, sẵn sàng hợp tác với các nước để phát triển.

Ngay với Mỹ, nước đã gây ra cho chúng tôi bao nhiêu đau khổ, VN chủ trương nhìn về tương lai, gác lại quá khứ. Đối với TQ, nước láng giềng lớn, mặc dầu có những thăng trầm trong lịch sử hai nước và giữa VN và TQ còn những tranh chấp cần được giải quyết, song chúng tôi nghĩ nhiều về việc hai dân tộc đã sát cánh với nhau trong đấu tranh giải phóng, nên VN luôn luôn mong có quan hệ tốt với TQ, chủ trương mọi tranh chấp phải được giải quyết bằng phương pháp hòa bình, trên cơ sở tin cậy lẫn nhau. Trên thực tế chúng tôi đã xử sự như thế, khiêm nhường và kiềm chế.

Cái gì sẽ diễn ra tiếp?

Nhưng như các bạn đã biết, ngày 2/5 vừa qua, TQ đã cho đặt một giàn khoan khổng lồ để khai thác dầu khí vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN với sự hỗ trợ của trên 100 tàu, trong đó có tàu quân sự và máy bay.

Đây là hành động hết sức nghiêm trọng, xâm phạm chủ quyền của VN, vi phạm Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982. Về phía VN, một mặt chúng tôi đã dùng con đường ngoại giao và các kênh quan hệ khác, đồng thời cử một số tàu chấp pháp ra yêu cầu TQ tôn trọng chủ quyền của VN, rút giàn khoan đi. Đến nay, TQ không những không đáp lại thiện chí của VN, mà càng hành động hung hãn.

Nhìn thấy hình ảnh các tàu TQ đông đảo, to lớn lao vào các tàu chấp pháp của VN nhỏ hơn để tấn công gây thương tích, tôi thấy nhói trong tim. Cái gì sẽ diễn ra tiếp?

Dư luận thế giới rất lo ngại hành động của TQ ảnh hưởng đến cả an toàn và tự do hàng hải quốc tế, đe dọa hòa bình, an ninh của cả khu vực. Phía TQ lại đổ lỗi việc đang xảy ra là do VN khiêu khích. Ai có thể tin một nước VN dân số bằng 1/15 của TQ, thu nhập GDP nhỏ hơn TQ 50 – 60 lần, đang cố gắng vượt qua tình trạng một nước nghèo, chậm phát triển lại có thể khiêu khích TQ?

Những nhà lãnh đạo TQ nói chính sách của TQ là “trỗi dậy hòa bình”, rằng trong dòng máu TQ không có“gien xâm lược, gien xưng bá”. Vậy TQ giải thích thế nào với tuyên bố chủ quyền trong “đường lưỡi bò 9 đoạn” nhằm độc chiếm cả biển Đông, bất chấp cả luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước luật biển 1982 của Liên hiệp quốc, bất chấp sự phản đối của cả thế giới?

Độc lập, tự do, chủ quyền là điều thiêng liêng đối với mỗi dân tộc. Nhân dân VN đấu tranh đến cùng để bảo vệ những mục tiêu đó. Đồng thời, nhân dân chúng tôi rất cần hòa bình và hữu nghị để phát triển, để người dân VN, phụ nữ và trẻ em có cuộc sống khá hơn.

Chúng tôi tha thiết có hòa bình, một nền hòa bình công bằng, chân chính, lâu bền cho VN và tất cả các dân tộc trong khu vực và thế giới. Chúng tôi tha thiết có tình hữu nghị với TQ và với các nước khác, nhưng phải là một tình hữu nghị chân thành đích thực, biết tôn trọng lẫn nhau. Tôi tin rằng ở cương vị các bạn, các bạn cũng sẽ nghĩ như vậy.

Vì vậy, chúng tôi mong muốn các bạn ủng hộ chúng tôi như trước đây đã ủng hộ. Trước mắt, yêu cầu TQ rút giàn khoan ra khỏi thềm lục địa của VN, tôn trọng chủ quyền của VN theo đúng luật pháp quốc tế.

Chúng tôi tin nếu chúng ta đoàn kết, hành động mạnh mẽ, công lý và luật pháp sẽ được thực hiện.

Thân ái gửi lời chào đến các bạn và cảm ơn những gì các bạn đã làm cho VN và sẽ làm cho VN.

Nguyễn Thị Bình 

(Theo Vietnamnet)

Bà Nguyễn Thị Bình, sinh năm 1927 tại Đồng Tháp, là một trong những nhân vật có vai trò quan trọng của lịch sử Việt Nam hiện đại. Bà là đại diện của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam tại hội đàm Paris, Bộ trưởng Giáo dục và Phó Chủ tịch nước của nước Việt Nam thống nhất sau này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm