Lá cờ Tổ quốc đặc biệt ở nhà trưng bày Hoàng Sa

Chiều nay, ông Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng; ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cùng các đơn vị liên quan đã đến thị sát, kiểm tra, đốc thúc công trình nhà trưng bày Hoàng Sa đang được xây dựng tại quận Sơn Trà.

Vướng khi thi công lá cờ Tổ quốc

Theo các nhà thầu, đơn vị thi công và tư vấn giám sát thì dự án nhà trưng bày Hoàng Sa gồm ba gói thầu và hiện nay công trình đã hoàn thành 80% phần thô. Hiện phần hoàn thiện và trưng bày bên trong vẫn đang chờ TP Đà Nẵng phê duyệt để tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, với tiến độ hiện nay thì công trình sẽ khó hoàn thành như dự kiến vào cuối năm 2016. Công trình này có tổng mức đầu tư là 43 tỉ đồng.

Ông Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, kiểm tra công trình nhà trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: LÊ PHI

Các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công cũng cho hay riêng phần thiết kế trưng bày trong nhà trưng bày Hoàng Sa có tổng mức đầu tư là khoảng 13,5 tỉ đồng, tuy nhiên hiện vẫn đang chờ TP phê duyệt. Chậm nhất là phải 30-6-2016 phải xong mọi thủ tục thì công trình mới đảm bảo tiến độ.

Đặc biệt, vấn đề vướng mắc nhất được cho là phần thi công xây dựng hình ảnh lá cờ Tổ quốc ở mặt ngoài của nhà trưng bày Hoàng Sa. Theo đó, đây là lá cờ đặc biệt với dự toán ban đầu hạng mục này khoảng 400 triệu đồng, tuy nhiên hiện phát sinh thêm khoảng 2,1 tỉ đồng vì vật liệu trong nước không có mà phải nhập khẩu.

Nhà trưng bày Hoàng Sa sẽ có một biểu tượng lá cờ bằng chất liệu đặc biệt. Ảnh: LÊ PHI

“Theo đơn vị thiết kế thì lá cờ này khi nhìn vào nó như đang tung bay và rất sinh động. Tuy nhiên, trong nước không có vật liệu để làm lá cờ này mà phải nhập từ Nhật. Chuyên gia và công nhân trong nước không thể làm được lá cờ này nên cần phải đưa chuyên gia, nhân công từ Nhật sang. Còn nếu muốn tiết kiệm thì chúng ta có thể chỉ mời chuyên gia Nhật sang còn nhân công sẽ làm theo sự chỉ dẫn của chuyên gia nước ngoài” - đơn vị thi công cho hay. 

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho hay hiện tại đã chuẩn bị được 500 hiện vật, bản đồ, tư liệu để trưng bày tại nhà trưng bày Hoàng Sa. Trong đó, Bảo tàng Đà Nẵng đã số hóa được 100 hiện vật để phục vụ trong nhà trưng bày.

Cũng theo ông Thiện, trong thời gian tới khi nhà nghiên cứu Trần Thắng (người đã hiến tặng khá nhiều bản đồ quý cho huyện Hoàng Sa) sẽ tiếp tục số hóa các bản đồ khác để phục vụ trưng bày và phục vụ cho công tác đấu tranh khẳng định chủ quyền sau này.

Quan ngại về tòa nhà 22 tầng sát bên

Ông Bùi Văn Tiếng (Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Đà Nẵng) thông tin, trong tháng 6 tới đây sẽ tổ chức kêu gọi và phát động việc hiến tặng hiện vật cho nhà trưng bày Hoàng Sa để thêm phong phú. Trong đó, chú ý đến các hiện vật có sự xác nhận về quản lý hành chính của các cấp chính quyền qua các thời kỳ. Vì đây là yếu tố pháp lý quan trọng trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền.

Tuy nhiên, cần phải xem xét một công trình khách sạn cao 22 tầng nằm sát bên Nhà trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: LÊ PHI

Ông Tiếng cũng cho biết riêng tàu cá bị của ngư dân bị Trung Quốc đâm chìm vào thời gian Trung Quốc kéo giàn khoan HD 981 hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam được các nhà nghiên cứu đề xuất là đặt trong một hồ nước để thêm sinh động như chính con tàu này vẫn đang vươn khơi.

Ngoài ra, ông Bùi Văn Tiếng tỏ ra quan ngại khi công trình nhà trưng bày Hoàng Sa hiện nay đang nằm sát với một tòa nhà khách sạn cao 22 tầng ngay cạnh. Công trình tòa nhà khách sạn này sẽ làm cản tầm nhìn của công trình nhà trưng bày.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng lắng nghe phần thuyết trình về công trình đặc biệt này. Ảnh: LÊ PHI

“Không biết ai cấp giấy phép xây dựng một công trình cao 22 tầng nằm án ngữ ngay khu vực này, khống chế cả toàn khu vực. Công trình này mới đóng cọc, đáng lẽ những việc này nên báo cáo ủy ban để có thể chuyển đổi vị trí khác cho họ. Giờ thì họ thi công rồi, không biết ai là chủ đây. Đề nghị TP kiểm tra ngay” -ông Tiếng góp ý.

Trung Quốc muốn độc chiếm biển Đông

Kết luận buổi làm việc này, ông Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực TP Đà Nẵng, cho biết công trình nhà trưng bày Hoàng Sa có ý nghĩa văn hóa và chính trị đặc biệt quan trọng.  Đây là công trình mà quốc tế và nhân dân cả nước đang mong đợi. Vì vậy đề nghị nhà thầu huy động nhân lực, máy móc để hoàn thành đúng thời gian.

Về vướng mắc trong việc thi công lá cờ Tổ quốc, ông Trí cho biết đây là điểm nhấn quan trọng của công trình vì vậy cứ đề xuất để TP phê duyệt kinh phí sớm triển khai dù có đội vốn so với trước.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí cho biết hiện tình hình biển Đông đang hết sức phức tạp. Trung Quốc đang thực hiện mưu đồ độc chiếm biển Đông với các hành động ngày càng hung hăng như xây dựng, cải tạo, bồi đắp trái phép các đảo đã cưỡng chiếm của Việt Nam. Gần đây nhất là việc Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá phi lý.

“Tàu ngư dân ta đang ngày càng bị o ép, bị cướp phá và bị tấn công tạo ra sự bức xúc trong nhân dân và dư luận quốc tế” - ông Trí nói.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí cho rằng Trung Quốc đang muốn độc chiếm biển Đông và leo thang căng thẳng bằng việc xây dựng trái phép cùng việc ban hành lệnh cấm đánh bắt phi lý. Ảnh: LÊ PHI

Theo ông Trí việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền là việc lâu dài nhưng công trình Nhà trưng bày Hoàng Sa thì phải thế hiện cho được sự đấu tranh thường xuyên nên đây là trách nhiệm hết sức nặng nề.

Phó Bí thư Thường trực Võ Công Trí cho rằng chính nghĩa thuộc về nhân dân Việt Nam và nhà trưng bày Hoàng Sa sẽ là điểm đến trưng bày các bằng chứng pháp lý thể hiện sự chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đối với Hoàng Sa - Trường Sa. Bất kỳ hành vi cưỡng chiếm nào cũng là phi pháp.

Kết thúc cuộc làm việc, ông Trí đề nghị ông Võ Ngọc Đồng (Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa) khẩn trương hoàn thiện bộ máy, quản lý và sử dụng nhà trưng bày Hoàng Sa khi công trình hoàn thành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm