Kỳ vọng vào những bước đi tới đây của Đảng

Tôi kỳ vọng các đề án mà Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII sẽ thảo luận, chủ yếu ở ba năm đầu nhiệm kỳ, sẽ làm rõ nội hàm của thể chế phát triển kinh tế thị trường là gì và phải nhận biết những điểm nghẽn đang tồn tại để hoàn thiện.

Thể chế phát triển kinh tế thị trường được cấu thành từ: (1) Quyền tài sản; (2) Thị trường tự do; (3) Cạnh tranh; (4) Phân công lao động; (5) Hợp tác. Có thể thấy các cấu thành này đã được hình thành, vận hành khá trôi chảy. Tuy nhiên, điểm nghẽn thì vẫn còn không ít.

Ví dụ, chủ nghĩa thân hữu đang tác động không nhỏ đến cạnh tranh lành mạnh. Thay vì đầu tư để cải tiến quản trị, đổi mới công nghệ, người ta đang đầu tư nhiều hơn vào quan hệ. Mà như vậy thì làm sao kinh tế có thể phát triển đột phá?! Đây phải chăng là một gợi ý về cách tiếp cận mới, của Hội nghị Trung ương 4, theo nghị trình sẽ là sự tiếp tục của các Trung ương 4 hai khóa trước - về xây dựng, chỉnh đốn Đảng?

Với quyền tài sản đối với đất đai, điểm nghẽn thường xuất hiện ở quyền định giá đất, quyền thu hồi đất, quyền cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Hệ quả là tranh chấp, khiếu nại xảy ra thường xuyên; giao dịch dễ bị ách tắc; công bằng xã hội khó được bảo đảm. Nếu những điểm nghẽn này đến năm 2023, Hội nghị Trung ương 7 nhận diện, tháo gỡ được thì thật tuyệt.

Rồi liên quan đến phân công lao động, đến hợp tác cũng đang còn rất nhiều vấn đề đáng phải quan tâm. Ví dụ, tâm lý “con gà tức nhau tiếng gáy” là nét tâm lý phổ biến của người Việt. Nét tâm lý này cản trở rất lớn khả năng hợp tác của người Việt với nhau. Nhưng nếu chúng ta không hợp tác được, làm sao chúng ta có thể kết hợp được kiến thức, kết hợp được kỹ năng và các nguồn lực để thúc đẩy kinh tế phát triển?!

Đây đó vẫn còn hay tranh luận thế nào là định hướng XHCN. Nên chăng đơn giản hóa là định hướng về sự công bằng. Như thế vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm được công bằng xã hội chính là định hướng XHCN. 

Để làm được điều này, Nhà nước phải có đủ năng lực vừa tái phân phối thu nhập nhưng vừa không làm triệt tiêu động lực làm việc, động lực kinh doanh. Và Nhà nước nhận hết về mình trách nhiệm bảo đảm quyền tiếp cận y tế, giáo dục và các dịch vụ công thiết yếu khác cho mọi người dân.

Giải quyết được những bài toán nêu trên, chắc hẳn Đảng sẽ để lại dấu ấn tích cực, tác động lan tỏa cho nhiều nhiệm kỳ tiếp theo, như khát vọng 2030, 2045 mà Đại hội XIII đã khơi dậy.

TS NGUYỄN SĨ DŨNG, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm