KSV: Nạn nhân đã tạo điều kiện cho Huyền Như

Ngày 22-1, phiên xử vụ Huyền Như bước vào ngày tranh luận cuối cùng. Trọng điểm của các ý kiến tranh luận giữa luật sư với đại diện VKS vẫn tiếp tục xoay quanh việc VietinBank có phải chịu trách nhiệm về thiệt hại trong vụ án hay không.

VKS hai lần nhầm lẫn (?)

Đại diện VKS bảo lưu quan điểm rằng lỗi trong vụ án là của các khách hàng, từ việc mở tài khoản chưa hợp lệ, hợp đồng giả rồi giao thẳng quyền định đoạt cho Như, tạo điều kiện để Như ký tên giả, khắc con dấu giả, thực hiện hành vi gian dối.

Sau khi bị kiểm sát viên nói hợp đồng ủy thác tiền gửi mà bà Giã Thị Mai Hiên (bị chiếm đoạt 274 tỉ đồng) ký với VietinBank là giả, dẫn đến việc bị Như chiếm đoạt tiền, luật sư của bà Hiên đã yêu cầu được giám định 14 hợp đồng ủy thác đó là thật hay giả. Theo luật sư, VKS nói hợp đồng giả chỉ theo lời khai của Huyền Như mà không hề giám định.

Huyền Như có vẻ suy sụp sau nhiều ngày xét xử. Ảnh: H.YẾN

Luật sư Công ty Saigonbank - Bejaya (SBBS) cho rằng nguyên đơn dân sự phải là VietinBank chứ không phải SBBS. Phản bác, đại diện VKS nói SBBS thay vì trực tiếp giao dịch với VietinBank thì lại giao hồ sơ để Như tự mở tài khoản. Việc làm này là không đúng, dẫn đến việc Như đánh tráo hồ sơ, làm giả để nộp. Kiểm sát viên nhấn mạnh: “Một sự thực hiển nhiên là không ai đi giao một khối tài sản lớn của mình cho người không quen biết. SBBS tự mở khóa két sắt mình, mặc cho Như làm gì thì làm. Không thể trách rằng VietinBank không quản lý. Không thể đổ cho VietinBank được. Dù tin tưởng Như thế nào, nếu SBBS cẩn trọng thì sẽ không xảy ra thiệt hại”.

Tuy nhiên, sau giờ giải lao, đại diện VKS đã thừa nhận mình có sự nhầm lẫn và đính chính: “SBBS không giao hồ sơ mở tài khoản cho Như”.

Trước đó, đại diện VKS đề cập đến Công ty Chứng khoán Phương Đông, cho rằng nếu đơn vị này biết kiểm tra trực tiếp hay qua điện thoại với VietinBank Nhà Bè thì hậu quả đã không xảy ra. Ở đây, Phương Đông chỉ giao dịch qua Như, không liên hệ với người có trách nhiệm của VietinBank Nhà Bè trong khi Như không làm việc tại đây.

Tuy nhiên, sau khi lập luận xong, VKS lại đính chính là Phương Đông giao dịch với VietinBank Chi nhánh TP.HCM và Như là cán bộ tại đây.

Hầu hết các luật sư đều cho rằng VKS sử dụng lời khai của Huyền Như làm chứng cứ là không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 72 BLTTHS vì lời khai này không phù hợp với lời khai của các bị cáo khác và các chứng cứ khác.

Theo luật sư của ACB, quan điểm “khách hàng không giao dịch với VietinBank mà chỉ giao dịch với Như” của VKS chỉ dựa vào lời khai của Như nhưng nhiều bằng chứng lại cho thấy tất cả hợp đồng đều là thật. VKS chỉ dựa vào lời khai của Như là không chính xác. Mặt khác, VKS vi phạm khoản 1 Điều 84 BLTTHS bởi những chứng cứ đưa vào vụ án phải được thẩm vấn tại tòa để làm căn cứ xác định hành vi vi phạm.

Về vấn đề bồi thường thiệt hại, VKS nói pháp luật dân sự chỉ bảo vệ các trường hợp giao dịch lành mạnh, đúng pháp luật. Đây là các giao dịch trái pháp luật, thỏa thuận lãi suất vượt trần không đúng quy định.

Luật sư của ACB đáp lại: Theo Điều 28 BLTTHS, việc giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự phải áp dụng quy phạm phân biệt pháp luật dân sự chứ không phải phân biệt như VKS nói.

“Các khách hàng đã tin nhầm Huyền Như”

Tại lần đối đáp sau cùng, đại diện VKS lập luận: Nếu không có khoản lãi suất vượt trần ngoài hợp đồng, nhận tiền ngay thì các tổ chức, cá nhân có giao tiền cho Như hay không? Thiệt hại là hiển nhiên, không thể đổ trách nhiệm cho VietinBank bởi khách hàng  đã giao cho VietinBank cái không có thật thì VietinBank không thể quản lý được, trong khi các khách hàng này chưa thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình. Từ đó, đại diện VKS giữ nguyên quan điểm đã truy tố.

Đi vào trường hợp của ACB mà luật sư cho rằng VKS đánh tráo khái niệm “hợp đồng chỉ thật với ACB nhưng giả với VietinBank”, kiểm sát viên trả lời: “VietinBank không đưa lãi suất cao vượt trần, không có quy định nào về việc chấp nhận nhân viên ACB đến gửi tiền mà không có mặt. Chính từ sự hợp tác nhiệt tình của ACB mà Huyền Như mới có khả năng làm giả hồ sơ...”.

Với phần tranh luận của SBBS, đại diện VKS khẳng định SBBS là nguyên đơn dân sự chứ không phải VietinBank. Với phần tranh luận của ba công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên, đại diện VKS cũng khẳng định từ việc các công ty mở tài khoản chưa hợp lệ, giao thẳng, chuyển phát nhanh cho Huyền Như đã tạo điều kiện để bị cáo này khắc dấu giả thực hiện hành vi gian dối. Mỗi khi Huyền Như yêu cầu là chuyển tiền, đến khi thất thoát hơn 1.500 tỉ đồng mới dừng lại. Đại diện các công ty đã không hoàn thành trách nhiệm của mình rồi đổ lỗi cho VietinBank. “Nếu không có khoản lãi suất vượt trần ngoài hợp đồng, nhận tiền ngay thì ba công ty có giao tiền cho Huyền Như không? Điều này cho thấy ba công ty này đã tin nhầm Huyền Như”.

Kết thúc phần tranh luận, các bị cáo đã nói lời cuối cùng đầy nước mắt trước khi tòa vào nghị án. Huyền Như thì gửi lời xin lỗi đến tất cả người liên quan... Dự kiến sáng 27-1, tòa sẽ tuyên án.

HOÀNG YẾN

 

“Tình tiết ACB cung cấp tại tòa không mới”

Theo VKS, tình tiết “thông báo số dư tài khoản của VietinBank không phải là tình tiết mới” bởi đã được nêu ra trong kết luận điều tra. Ngoài Phạm Công Hoàng được VietinBank thông báo về số dư tài khoản thì tài khoản của 16 nhân viên khác của ACB cũng vẫn còn tiền, tổng cộng là 21 tỉ đồng do Huyền Như mới lấy được 718 tỉ đồng thì bị phát hiện nên chưa chiếm đoạt được hết.

“VKS bảo vệ VietinBank quá mức”

Bức xúc sau khi tranh luận, luật sư của SBBS chỉ trích: “Xu hướng của VKS là bảo vệ quyền lợi của VietinBank”. Các luật sư khác cũng đồng quan điểm. Theo họ, việc VKS cứ khăng khăng bảo vệ VietinBank đã làm vụ án “có những mâu thuẫn không thể giải đáp được”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm