Kinh thành Huế ngập sâu, tối om trong đêm lũ

Mưa lớn kéo dài cộng với việc xả khiến nhiều nơi ở Thừa Thiên-Huế bị ngập sâu, trong đó có kinh thành Huế. Tại đây các cửa ra vào thành gần như bị chia cắt, cô lập, người dân phải gửi xe lại các nhà dân ở bên ngoài rồi di chuyển bằng thuyền hoặc lội bì bõm với nước sâu hơn 1 m để vào bên trong.

Bì bõm trong đêm

Đến cửa Hữu trên đường Yết Kiêu với mong muốn được vào bên trong kinh thành Huế, chúng tôi gửi xe bên ngoài và theo chân anh Lê Đắc Sinh. Bên trong trời tối mịt và nước khá sâu, có nơi lên đến ngực, để tránh những hố ga nguy hiểm chúng tôi phải sử dụng gậy để dò đường.

Anh Sinh cho biết nước dâng đột ngột lên vào trưa cùng ngày, chỉ khoảng hai tiếng sau, mọi việc giao thông đi lại đều gặp khó khăn, xe chết máy nằm la liệt. Đến chiều thì coi như bị chia cắt, chỉ có thể đi lại bằng thuyền.

Lối vào kinh thành Huế ngập nước, bên trong trời tối như mực. Ảnh: NGUYỄN DO

Anh Lê Đắc Sinh cùng con trai lội bì bõm trong nước vào thăm ông bà nội. Ảnh: NGUYỄN DO

Nhiều xe máy nằm ngập trong nước lũ. Ảnh: NGUYỄN DO

Do nước dâng cao phải cúp điện, bên trong kinh thành Huế trời tối như mực, nhà ai cũng đều đóng chặt cửa, nước vào nhà cả mét. Giữa đường lâu lâu xuất hiện vài người lội nước ra vào để phụ dọn nhà cho cha mẹ hay đưa thức ăn vào cho người thân ở bên trong.

Đang cầm trên tay ba ổ bánh mì với chục gói mì tôm, anh Sinh nói: "Tôi lấy vợ nên ra bên ngoài sinh sống, hôm nay nước lên cao tôi đến phụ dọn các đồ đạc trong nhà ba mẹ lên cao cho an toàn và mang thêm ít thức ăn phòng nước lũ tiếp tục dâng cao và kéo dài".

Đến 11 giờ đêm, lâu lâu vẫn còn nhiều người bì bõm lội nước tiếp tế lương thực cho người nhà. Ở bên trong người dân vẫn khẩn trương dọn dẹp đồ đạc lên càng cao càng tốt vì sợ cơn lũ lịch sử sẽ lại tái diễn.

Trắng đêm canh nước lũ

Vào nhà ông Lê Đắc Xiêm (phường Tây Lộc, TP Huế), trong nhà thắp ngọn đèn dầu, nước lũ lên hơn đầu gối. Đang ngồi trên chiếc giường được kê cao lên bởi những viên gạch do lũ, ông Xiêm cho biết nước lũ năm nay lên nhanh và mức nước chỉ thua so với đợt lũ lịch sử năm 1999.

Nhiều căn nhà, trụ sở ngập sâu trong nước. Ảnh: NGUYỄN DO

Bà Nguyễn Thị Hồng chuẩn bị bữa ăn tối muộn khi đã qua 11 giờ đêm. Ảnh: NGUYỄN DO

Vật dụng trong nhà được đặt lên chỗ cao tránh nước lũ. Ảnh: NGUYỄN DO

"Lúc trưa nước lên rất nhanh, từ chiều tối đến giờ thì nằm ổn định ở mức này và vẫn chưa có dấu hiệu giảm xuống. Nghe đài báo mưa đến mùng 7, mùng 8 nên sợ nước lũ vẫn tiếp tục dâng lên như trận lũ lịch sử năm 1999" - ông Xiêm nói.

Bà Nguyễn Thị Hồng (vợ ông Xiêm) đứng trên nền nhà loay hoay nấu nước bằng bếp gas để pha mì tôm cho cả nhà, bà Hồng nói: "Vì báo, đài cũng cảnh báo nên tôi cũng biết nhưng chỉ chuẩn bị được một ít mì tôm thôi. Nên cơ bản trong nhà có gì thì ăn nấy đã".

Dù đã đến gần 12 giờ đêm nhưng ông Xiêm không tài nào chợp mắt, lâu lâu ông lại kiểm tra nước lũ có tiếp tục dâng không. Rồi ông lại xem lại bao gạo, cái tivi cũ... tránh bị nước mưa, nước lũ làm hư hỏng.

Nước ở các sông đang xuống chậm

Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế, hiện nay mực nước trên các sông đang xuống chậm và dao động ở mức cao. Mực nước lúc 4 giờ ngày 6-11 trên sông Hương tại Kim Long 3,64 m, trên báo động 3 là 0,14 m; sông Bồ tại Phú Ốc 4,41 m, dưới báo động 3 là 0,09 m; sông Tả Trạch tại Thượng Nhật 59,46 m; sông Ô Lâu tại Phong Bình 2,5 m; sông Truồi tại cầu Truồi 2,83 m.

Nguy cơ xảy ra sạt lở đất ở vùng núi của các huyện Nam Đông, A Lưới, Phong Điền, Phú Lộc và ngập lụt sâu, thời gian kéo dài nhiều ngày ở các vùng thấp trũng của huyện Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc, TP Huế.

Nguy cơ rất cao xảy ra ngập lụt đặc biệt nghiêm trọng, kéo dài ở các vùng thấp của huyện Quảng Điền, Phong Điền và thị xã Hương Trà. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm