Kinh nghiệm xử lý rác thải điện tử ở các nước

Tại Mỹ, chính quyền TP New York hay Washington đều ra bộ luật yêu cầu các nhà sản xuất phải thu hồi sản phẩm do chính công ty mình làm ra thông qua các điểm thu gom rồi tái chế lại hoặc chuyển giao cho các công ty tái chế của bên thứ ba, đơn cử như Vintage Tech Recyclers hay ERI. Các công ty này sẽ có điểm thu gom hoặc dùng xe tải để chủ động thu gom trong TP, sau đó tập kết về kho và tiến hành phân loại. Nếu không thể tái sử dụng, họ sẽ đốt hoặc tháo rời linh kiện bằng tay để lấy lại các kim loại quý trong thiết bị như vàng, bạc, bạch kim, thép…

Đặc biệt là Apple, ngoài thế mạnh về kinh doanh các sản phẩm công nghệ thì lại là một trong những công ty đi đầu trong việc xử lý rác thải điện tử khá chuẩn mực. Theo đó, người dùng có thể bán lại những chiếc iPhone cũ cho công ty, nhân viên sẽ kiểm tra kỹ càng trước khi mua lại. Quy trình xử lý của Apple cũng khá nghiêm ngặt, đảm bảo 100% hóa chất và khí thải trong quá trình phân rã được giữ lại. Công ty sẽ trả phí dịch vụ và nhận lại linh kiện sau khi bóc tách, những con chip cũ sẽ được phá hủy hoàn toàn chứ không dùng để tái chế, bởi công ty cho rằng việc này sẽ dẫn đến sự xuất hiện của iPhone giả.

Nhật Bản, vấn đề rác thải được phân chia rất rõ ràng. Rác thải từ hộ gia đình sẽ do nhà nước quản lý, còn chất thải điện tử, thiết bị cũ sẽ do các hãng sản xuất chịu trách nhiệm xử lý. Theo đó, khi mua sản phẩm mới, nếu có đồ cũ, người tiêu dùng sẽ nhận được tiền cho các khoản rác thải điện tử mà họ có. Chính quyền tại các TP lớn như Tokyo, Kobe, Osaka đều xây dựng nhà máy tái chế riêng, trên đường phố cũng được đặt thêm các thùng rác nhiều màu sắc để người dùng tự phân loại rác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm