Kiến tạo một chính phủ hiệu quả, liêm chính

Chiều 27-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình Quốc hội (QH) phê chuẩn việc bổ nhiệm các phó thủ tướng, các bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.

Sẽ có tân bộ trưởng Bộ NN&PTNT

Theo đó, cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ mới 2016-2021 do ông Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu có năm phó thủ tướng và 18 bộ trưởng và bốn thành viên khác gồm: Bộ trưởng - chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, bộ trưởng - chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, thống đốc Ngân hàng Nhà nước và tổng Thanh tra Chính phủ.

Trong cơ cấu này, năm phó thủ tướng nhiệm kỳ trước (có một số vị vừa được kiện toàn tại kỳ họp thứ 11, QH khóa XIII) tiếp tục được giới thiệu vào chức danh này, gồm các ông: Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam, Vương Đình Huệ và Phạm Bình Minh (kiêm bộ trưởng Ngoại giao).

Ông Nguyễn Xuân Cường được giới thiệu thay ông Cao Đức Phát giữ vị trí bộ trưởng NN&PTNT(trái)và bà Nguyễn Thị Kim Tiến được giới thiệu tiếp tục giữ “tư lệnh” ngành y tế. Ảnh: H.LONG

Trong số 18 bộ trưởng được trình cho QH phê chuẩn lần này (trừ bộ trưởng Ngoại giao được một phó thủ tướng kiêm nhiệm) không có tên ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT (ông Phát vẫn đang là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII - PV). Thay vào vị trí này là Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Ông Cường sinh ngày 14-10-1959 (Hà Nội), hiện là ủy viên Trung ương Đảng khóa XII.

Các bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ còn lại đều là người đang giữ các vị trí này của nhiệm kỳ 2011-2016 (một số được kiện toàn tại kỳ họp thứ 11 của QH khóa XIII). Trong số này đáng chú ý là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, thành viên duy nhất không phải là ủy viên Trung ương Đảng khóa XII (và là nữ duy nhất trong Chính phủ) tiếp tục được giới thiệu giữ chức vụ này.

Sẽ đổi mới

Trước đó, trình bày tổng hợp ý kiến của các đoàn đại biểu QH về cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ QH 2016-2021, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho hay: Một số ý kiến cho rằng nên có một phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực NN&PTNT, vì đây là lĩnh vực rất quan trọng nhưng cũng có ý kiến nói không cần thiết. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị Chính phủ phân công một phó thủ tướng phụ trách vấn đề biển đảo, một phó thủ tướng phụ trách nội chính; phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Ngoại giao nên được giao phụ trách thêm một số lĩnh vực về hội nhập. Đặc biệt có ý kiến cho rằng cần phải có tỉ lệ nữ nhất định trong cơ cấu Chính phủ.

Giải trình và tiếp thu ý kiến các đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Thực tiễn nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua, việc phân công cơ bản là phù hợp, đã bao quát các lĩnh vực công tác. Thủ tướng cũng cho hay: Sẽ tiếp thu và nghiên cứu ý kiến cần có phó thủ tướng phụ trách NN&PTNT nhưng vẫn để một phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Ngoại giao để đảm bảo tính ổn định.

“Chính phủ sẽ đổi mới lề lối, phương thức làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin, kiến tạo một chính phủ hiệu quả, liêm chính, khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản… Chính phủ cũng sẽ sớm ban hành quy chế làm việc, quy định về chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành sau khi được QH phê chuẩn” - Thủ tướng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm