Kiên quyết phản đối thủy điện 6, 6A

. PV: Ngày 8-11, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (chủ đầu tư) tổ chức họp báo công bố thông tin về hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Quan điểm của tỉnh Đồng Nai về hai dự án này như thế nào?

Kiên quyết phản đối thủy điện 6, 6A ảnh 1
+ Ông Nguyễn Thành Trí (ảnh): Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai trước sau vẫn kiên quyết phản đối thực hiện hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Đoàn Đại biểu QH Đồng Nai đang họp ở Hà Nội cũng chung quan điểm này và đã có những kiến nghị cụ thể với các cơ quan liên quan.

. Nếu chủ đầu tư đưa ra được các lý lẽ thuyết phục thì sao, thưa ông?

+ Đó là việc của chủ đầu tư và các bộ, ngành phải có trách nhiệm thẩm định những gì chủ đầu tư đưa ra. Xin nói rõ, Thường vụ Tỉnh ủy đã có văn bản gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề nghị dừng triển khai hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. UBND tỉnh Đồng Nai cũng chính thức có văn bản kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành không quyết định đầu tư hai dự án. Chúng tôi đánh giá công tác khảo sát, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập dự án, trình phê duyệt không tuân thủ các quy định, không đảm bảo cơ sở pháp lý.

. Vì sao Đồng Nai lại có những động thái kiên quyết như thế?

+ Lý do chính là hai dự án trên sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực tới khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, bao gồm Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai và khu thủy điện Trị An. Ngoài ra, các giá trị lịch sử, văn hóa và đời sống của người dân trong khu vực cũng sẽ bị ảnh hưởng mạnh.

Kiên quyết phản đối thủy điện 6, 6A ảnh 2

Sau khi đi khảo sát thực tế, đã có nhiều nhà khoa học lên tiếng phản đối hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC

Cần lưu ý là khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Các vùng chịu tác động của thủy điện Đồng Nai 6, 6A (khoảng 137 ha) đều nằm trong vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới nên phải chịu sự điều chỉnh của Công ước năm 1972 về Di sản thiên nhiên thế giới. Chính vì vậy, dự án muốn triển khai trước hết phải được UNESCO cho phép.

* * *

Tại hội thảo các khuyến nghị quá trình ra quyết định của Ủy ban Thế giới về đập (WCD) diễn ra ngày 8-11, TS Lê Anh Tuấn, ĐH Cần Thơ, sẽ đại diện Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) trình bày nhận xét của tổ chức này về dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A. Theo VRN, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của hai dự án trên có nhiều lỗ hổng, điển hình như các giải pháp bảo tồn tài nguyên rừng và đa dạng sinh học là không tưởng, thiếu cơ sở… Việc phê duyệt chúng sẽ gây ra những tác động, tổn thất lớn cho môi trường, hậu quả lớn cho xã hội mà không có biện pháp nào cứu chữa được.

Ngày 7-11, Nhóm Yêu quý và bảo vệ rừng Cát Tiên tiếp tục chỉ ra 10 điểm bất ổn trong ĐTM của dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A. Theo đó, ĐTM chưa đề cập đến việc khai quang số lâm sản thu hoạch từ việc triển khai hai dự án. Đập nằm ở vùng có độ dốc cao, địa hình chia cắt mạnh, có những đứt gãy, sụt lún sâu trong lòng đất nhưng ĐTM không có sơ đồ thiết kế đập, chưa đưa ra các kịch bản khi có động đất làm vỡ đập. Hai dự án nằm sát và ngay trên Vườn quốc gia Cát Tiên nhưng không có nghiên cứu tác động ngoài vùng khai thác thủy điện… Theo nhóm, tính đến cuối ngày 7-11 đã có gần 4.400 chữ ký ủng hộ kiến nghị dừng triển khai hai dự án thủy điện 6, 6A.

___________________________________________

Cũng trong ngày 7-11, VRN kêu gọi chính phủ Lào rút lại quyết định đơn phương tiếp tục xây đập thủy điện Xayaburi. Bởi việc động thổ, đơn phương xây đập thủy điện này sẽ phá vỡ tinh thần hợp tác của các nước trên lưu vực sông Mekong, gồm Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan. Đập thủy điện Xayaburi nằm trên lãnh thổ nước Lào nhưng sẽ gây ra những tác động xuyên biên giới đối với Campuchia, Thái Lan và Việt Nam về đa dạng sinh học, sinh kế, môi trường…

M.PHONG

VÕ TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm