Kiến nghị triển khai gói hỗ trợ kinh tế lên đến 666.000 tỉ đồng

Tại Diễn đành kinh tế Việt Nam với chủ đề "Phục hồi và phát triển bền vững" sáng 5-12 có nhiều ý kiến về chính sách và các gói hỗ trợ nền kinh tế.

Ông Bùi Quang Tuấn, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VHLKHXH), trình bày nghiên cứu của nhóm chuyên gia thuộc Viện này cho biết COVID-19 gây ra cuộc khủng hoảng toàn cầu và những tổn thất nghiêm trọng về người và của. Kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, trì trệ, đứt gãy chuỗi cung ứng ở nhiều lĩnh vực. Tác động của cuộc khủng hoảng này có thể gây ra những hệ lụy kéo dài trong nhiều năm.

Hiện các quốc gia trên thế giới đều đã và đang có những giải pháp chính sách để phục hồi kinh tế mặc dù dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục hoành hành. Các gói kích thích kinh tế liên tục được đưa ra để phục hồi tăng trưởng và khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh. Quy mô của các gói kinh tế này là lớn chưa từng thấy và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều quốc gia phát triển đã có những gói can thiệp kinh tế chiếm đến 25-30% GDP. Một số quốc gia trong khu vực ASEAN cũng có những gói can thiệp đáng kể, trên 10% GDP. Tuy nhiên, tác động của các gói can thiệp này cần phải có thời gian để xem xét, đánh giá về tác động và tính hiệu quả.

Việt Nam, một quốc gia được đánh giá là nước đang phát triển có tăng trưởng khá trong thời gian qua cũng đã có những chính sách can thiệp vào nền kinh tế. Tuy nhiên bốn làn sóng của COVID-19 đã tác động đến nền kinh tế mạnh hơn rất nhiều so với hình dung ban đầu. Nhiều trung tâm kinh tế của quốc gia đã bị ảnh hưởng nặng nề.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn đại diện nhóm nghiên cứu của VHLKHXH đề xuất gói hỗ trợ nền kinh tế trị giá 666.000 tỉ. Ảnh: QH

Với tình hình trong nước và quốc tế như hiện nay, nhóm nghiên cứu của VHLKHXH đề xuất gói cứu trợ nền kinh tế dựa trên bốn lĩnh vực ưu tiên. Dự kiến khoảng 666.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 8% tổng giá trị GDP nền kinh tế năm 2020.

Cụ thể, dành 76.000 tỉ đồng để ưu tiên nguồn lực củng cố hệ thống y tế trên toàn quốc vì dịch bệnh trên thế giới còn đang diễn biến phức tạp, hệ thống y tế cũng là tuyến phòng thủ đầu tiên và quan trọng nhất của không chỉ nền kinh tế mà còn cả quốc gia. Vì vậy, củng cố hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng, phải là ưu tiên hàng đầu trong các gói hỗ trợ.

Bên cạnh đó, còn phải đảm bảo nguồn cung vaccine rộng rãi cho cả nước, không chỉ mũi 2 mà cả mũi 3, mũi 4. Đồng thời, có kế hoạch mua các loại thuốc chữa COVID-19 để chữa trị cho các F0, ngăn chặn đại dịch lây lan trong cộng đồng.

Nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị dành 58.000 tỉ đồng để thực hiện gói an sinh xã hội. Mục tiêu chính là hỗ trợ những nhóm dân cư, người lao động chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất do dịch bệnh. Các biện pháp cụ thể bao gồm hỗ trợ việc khắc phục đứt gãy lao động (trợ giá cho các tuyến xe khách liên tỉnh, tàu hỏa phải chạy 50% công suất để chống dịch, nhà trọ 0 đồng trong vòng một tháng, hỗ trợ xét nghiệm miễn phí…)

Ở những nơi phải phong tỏa thì đảm bảo những người lao động nhập cư làm việc trong khu vực không chính thức, không có giao kết hợp đồng được hỗ trợ đầy đủ để yên tâm ở nhà; giải ngân nhanh cho những người trong danh sách hộ nghèo cũng như những người tham gia BHXH chính thức để đảm bảo họ nhận được hỗ trợ kịp thời...

Đối với hỗ trợ doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu đề xuất mức 244.000 tỉ đồng. Căn cứ của mức đề xuất này là tính đến tháng 10-2021, Chính phủ đã miễn, giảm, giãn 95.000 tỉ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; miễn, giảm 27.000 tỉ đồng tiền lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Nhóm thứ tư được ông Tuấn đề xuất là tiếp tục cải cách thể chế, giải quyết những điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công.

Theo ông Tuấn, đầu tư công là động lực để thúc đẩy, là vốn mồi để thu hút đầu tư xã hội, nhất là đầu tư cho hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng y tế đang khao khát các dự án. Vì vậy, ông Tuấn cho rằng, gói đầu tư công cần có quy mô khoảng 288.000 tỉ đồng trong giai đoạn hai năm 2022-2023.

Như vậy, lộ trình giải ngân có thể chia đều theo năm, đạt 144.000 tỉ đồng/năm trong giai đoạn hai năm 2022-2023, với tổng gói hỗ trợ là 288.000 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm