Kiến nghị điều tra 2 công ty có dấu hiệu mua bán hóa đơn

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) mới đây đã gửi công văn cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước đề nghị điều tra hành vi vi phạm trong việc quản lý và sử dụng hóa đơn của hai công ty.

Cụ thể, khi kiểm toán ngân sách địa phương năm 2019 của Bình Phước, tại Chi cục Thuế huyện Chơn Thành, KTNN đã phát hiện dấu hiệu mua bán hóa đơn của Công ty TNHH MTV Cao su Bảo Long và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thành Phước.

KTNN cho rằng Công ty Bảo Long có vốn điều lệ và vay nợ thấp nhưng doanh thu lớn và tăng mạnh trong các năm 2018, 2019, trong khi đó lợi nhuận lại rất thấp hoặc lỗ. Theo đó, doanh thu của công ty này năm 2017 là 182 tỉ đồng nhưng năm 2018 lên 1.668 tỉ đồng, đến năm 2019 là 2.447 tỉ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận năm 2018 là hơn 5,8 tỉ đồng, còn năm 2019 chỉ là 156 triệu đồng. KTNN chỉ ra: “Khi mua bán mủ cao su, Công ty Bảo Long thanh toán chuyển khoản qua ngân hàng nhưng đa số được rút ngay bằng tiền mặt trong ngày”.

Kiểm toán Nhà nước vừa đề nghị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước điều tra hai công ty có dấu hiệu mua bán hóa đơn bất hợp pháp. Ảnh: KTNN

Mặt khác, trong hai năm 2018 và 2019, Công ty Bảo Long mua bán khoảng 70.000 tấn mủ cao su nhưng công ty không có kho hàng, phương tiện vận chuyển. Hàng hóa công ty này chủ yếu được ký gửi và thuê kho nhưng chi phí ký gửi, thuê kho hằng tháng khoảng 6 triệu đồng. Hay năm 2019, Công ty Bảo Long thuê hai xe để vận chuyển nhưng lượng xăng dầu phát sinh lớn hơn nhiều mức tiêu thụ hợp lý cho hai xe; tồn kho cuối năm thấp không phù hợp với quy mô kinh doanh.

Đặc biệt, Công ty Bảo Long không phát sinh chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh mua bán cao su như chi phí thuê container hoặc chi phí bao bì, đóng gói, chi phí thuê cần cẩu, xe nâng hàng để bốc xếp hàng hóa khi nhận hàng hoặc xuất bán...

“Ngoài một số hợp đồng mua bán cao su có thật thì phần lớn hoạt động mua bán cao su có khả năng là không có thật, tức có dấu hiệu của hoạt động mua bán hóa đơn bất hợp pháp” - KTNN nhận định.

KTNN cũng đã tra cứu hệ thống quản lý thuế của ngành thuế và thấy Công ty Bảo Long đã kê khai hóa đơn đầu vào của bốn công ty đã tạm dừng kinh doanh. Ba công ty không kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký và một công ty đã bị thu hồi giấy phép hoạt động.

“Đây là dấu hiệu cho thấy Công ty Bảo Long đã sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng và hợp thức hóa chi phí đầu vào, làm giảm thu nhập chịu thuế và thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước” - KTNN nhận định.

Ngoài ra, xem xét và đối chiếu các hợp đồng mua bán mủ cao su của Công ty Bảo Long và một số công ty khác trị giá hàng ngàn tỉ đồng, KTNN nhận định có nhiều dấu hiệu cho thấy việc mua bán cao su là không có thật. Cục Thuế tỉnh Bình Phước cũng xác minh hóa đơn mua hàng của Công ty Bảo Long nhưng chưa thu được kết quả.

Công ty Thành Phước, theo KTNN, cũng có những dấu hiệu tương tự. Công ty này có vốn điều lệ nhỏ (khoảng 10 tỉ đồng) nhưng doanh thu năm 2018 là 359 tỉ đồng, năm 2019 vọt lên 2.015 tỉ đồng. Tuy vậy, năm 2018 Công ty Thành Phước lỗ trên 2,7 tỉ đồng và năm 2019 chỉ lãi 219 triệu đồng. Các dấu hiệu mà KTNN nêu ra đối với Công ty Thành Phước cũng tương tự Công ty Bảo Long nói trên.

Có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự

Theo KTNN, hai công ty nói trên có dấu hiệu sử dụng hóa đơn bất hợp pháp theo quy định tại Điều 23 Thông tư số 39/2014 của Bộ Tài chính.

Cụ thể, việc “sử dụng bất hợp pháp hóa đơn là việc lập khống hóa đơn;... cho hoặc bán hóa đơn đã lập để tổ chức, cá nhân khác hạch toán, khai thuế hoặc thanh toán vốn ngân sách...”. Hai công ty cũng có dấu hiệu vi phạm quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 200 BLHS 2015 là “sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn”. Cuối cùng là dấu hiệu vi phạm quy định tại Điều 203 BLHS 2015 về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm