Kiểm tra, thanh tra: Cần công khai kết quả và nghe dân

Sáng 2-6, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết việc thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát cấp TP năm 2019 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2020.

Xử lý cán bộ sai phạm xong mới đại hội

Tại hội nghị, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân lưu ý trong quá trình chuẩn bị đại hội có hai việc cần phải tính toán và chuẩn bị kỹ. Thứ nhất là tiến độ tổ chức đại hội cấp quận, huyện và cấp trên cơ sở. “Nơi nào có vấn đề liên quan đến kết luận về sai phạm của cán bộ trong Thường vụ hoặc của Thường vụ, cần phải có kết luận xử lý trước mới bước vào đại hội được” - ông Nhân nói. Ông cũng giao Ban Tổ chức Thành ủy tham mưu lộ trình xử lý vấn đề trên.

Việc thứ hai là có sắp xếp, điều động nhân sự hợp lý. “Có những nơi bí thư sắp hết tuổi và không tái cử được. Phương châm bí thư không được là người tại chỗ thì phải có kế hoạch điều chuyển. Các cán bộ dự kiến là bí thư khóa sau phải đưa về ngay từ bây giờ hoặc trong hai tháng tới” - ông Nhân lưu ý. Ông đề nghị cần tính toán kỹ việc này làm trước đại hội.

Người đứng đầu Thành ủy chỉ đạo: Trong việc chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp, Ban Tổ chức Thành ủy cần có kế hoạch đồng bộ, đảm bảo tiến độ, có tính dự báo, không để xảy ra sự cố bất ngờ trong quá trình chuẩn bị đại hội. ông Nhân cũng chỉ đạo cơ quan này giám sát các quy trình bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ thuộc thẩm quyền của UBND TP.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM

Nghe dân để chấn chỉnh, khắc phục yếu kém

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết trong năm qua TP đã làm được nhiều đầu việc giúp nâng cao hệ thống chính trị và năng lực quản lý của các cấp chính quyền. Một trong những việc làm được đó là đã phát huy hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát thông qua ý kiến đóng góp của người dân. “Nghe dân để chấn chỉnh là việc làm cần thiết để mỗi cấp ủy, mỗi cơ quan xem xét lại công việc của mình, khắc phục yếu kém và hoàn thiện bộ máy” - ông Nhân nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng mặc dù có những kết quả khả quan bước đầu nhưng việc công bố kết quả giám sát, thanh tra, kiểm tra còn chưa đồng bộ. “Ai chịu trách nhiệm theo dõi công bố kết quả giám sát, thanh tra, kiểm tra?” - ông Nhân đặt câu hỏi. Ông đề nghị trong thời gian tới Ban Nội chính Thành ủy sẽ giám sát việc công bố kết quả này.

Để kết quả này tốt hơn, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề nghị ngoài các cuộc họp báo thì phải đưa thông tin về công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra lên hai công cụ là trang thông tin điện tử của các cấp ủy và trên báo chí. “Báo chí nên có chuyên mục “Kết quả giám sát, thanh tra, kiểm tra của TP.HCM” đăng mỗi tuần một lần. Người cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí sẽ là Ban Tuyên giáo Thành ủy” - ông Nhân đề nghị.

Ngoài ra, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy hỗ trợ các cơ quan báo chí có thêm chuyên mục “Ý kiến của người dân về kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát”. Từ đó mới tạo được lan tỏa thông tin thường xuyên đến với nhân dân. Hệ thống chính trị muốn hoàn thiện phải nghe dân, đồng thời phải công bố được kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát.

293 tỉ đồng sai phạm về kinh tế đã được 33 đoàn thanh tra phát hiện tại 101 đơn vị trong năm 2019. Theo Phó Chánh Thanh tra TP.HCM Trần Đình Trữ, từ kết quả đó, Thanh tra TP đã kiến nghị xử lý hành chính đối với 30 tổ chức và sáu cá nhân, chuyển cơ quan điều tra bốn vụ và kiến nghị chuyển cơ quan điều tra hai vụ. 

Giám sát việc thực hiện kết luận về Thủ Thiêm

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu Ban Nội chính Thành ủy giúp Ban Thường vụ Thành ủy kiểm tra việc thực hiện các kết luận liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm. Hai ban này phải kiểm tra việc phát hiện, xử lý và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát cho Nhà nước trong các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp. Cùng đó là tiếp tục rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội trên địa bàn TP từ tháng 7-2019 đến tháng 6-2020.

Đối với Ban Dân vận Thành ủy, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cơ quan này giúp giám sát việc thực hiện thi đua 200 ngày chào mừng đại hội đảng các cấp. Ban này phải tiếp tục theo dõi, chỉ đạo các nội dung giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội của TP.

Đối với Thanh tra TP.HCM, ngoài những nội dung đã được đề ra, ông Nhân đề nghị cơ quan này tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra đã công bố. Đồng thời, kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra của các giám đốc sở, chủ tịch UBND các quận, huyện. Cơ quan này phải theo dõi, đôn đốc thực hiện các kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ tại khu đô thị mới Thủ Thiêm ở quận 2 và dự án Thảo Cầm viên mới ở Củ Chi.

Thanh tra TP.HCM nói về bốn dạng sai phạm nổi bật

Phó Chánh Thanh tra TP.HCM Trần Đình Trữ cho hay trong năm 2019, qua thanh tra cho thấy có bốn dạng sai phạm nổi bật.

Thứ nhất, về quản lý đất đai: Sử dụng không đúng mục đích sử dụng đất được giao, thuê, còn nhiều cơ sở nhà, đất chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính...

Thứ hai, về quản lý ngân sách, vốn nhà nước: Chi không đúng nguồn, không đúng đối tượng, chi vượt kế hoạch, quản lý việc thu chi chưa chặt chẽ.

Thứ ba, về đầu tư xây dựng cơ bản: Chậm tiến độ thực hiện dự án và chậm tiến độ thi công, chậm đưa vào khai thác sử dụng, ảnh hưởng đến nguồn vốn, gây lãng phí tài sản nhà nước, lãng phí đất đai...

Thứ tư, về công tác cổ phần hóa doanh nghiệp: Xác định số lượng tài sản của doanh nghiệp chưa đúng, chưa đầy đủ dẫn đến giảm giá trị doanh nghiệp; chưa xây dựng phương án sử dụng đất; chưa xác nhận, đối chiếu công nợ đầy đủ… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm