Kiểm soát phòng dịch: Tránh cực đoan, ảnh hưởng sản xuất

TS Phạm Công Hiệp (ĐH RMIT Việt Nam) nhìn nhận: Với việc nhiều địa phương chống dịch một cách cực đoan bằng việc cách ly tập trung, ngăn chặn không phân biệt đối tượng người về từ  các tỉnh, thành có dịch sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, gây nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn.

Vội vã, cực đoan có thể gây đình trệ sản xuất

. Phóng viên: Ông đánh giá thế nào khi nhiều địa phương dựng hàng rào chống dịch để đảm bảo an toàn cho tỉnh mình nhưng lại không tính được tác động tiêu cực cho kinh tế vùng, cũng như tác động dây chuyền đến các tỉnh, thành khác?

+ TS Phạm Công Hiệp (ảnh): Nếu địa phương chống dịch bằng biện pháp gần như “ngăn sông cấm chợ” có thể thấy tác động không nhỏ lên chuỗi cung ứng của các địa phương liên quan, vì “huyết mạch” trong một vùng kinh tế có liên quan hết sức chặt chẽ với nhau.

Như chúng ta thấy, với ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ thiết yếu và nông nghiệp với khả năng làm việc ở nhà là rất thấp, vì vậy khi áp dụng biện pháp cực đoan, ngành này sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, gây đình trệ sản xuất, trễ đơn hàng. Chưa kể có thể làm hư hỏng nguyên vật liệu nếu không được sử dụng kịp thời.

Các dịch vụ khám chữa bệnh có thể sẽ tăng hoặc giảm đột biến trong thời gian ngắn khi người lao động phải chuyển đổi nơi làm việc. Chẳng hạn, mới đây Đồng Nai áp dụng biện pháp cách ly 21 ngày đối với người từ TP.HCM đến tỉnh này thì có thể thấy bệnh viện ở Đồng Nai có thể sẽ phải điều trị lượng bệnh nhân tăng cao, vì họ hạn chế đến TP.HCM để điều trị. Lượng nhà thuê ngắn ngày của hàng ngàn công nhân và chuyên gia sẽ khó được đáp ứng kịp thời.

Với ngành hàng tươi sống thì việc sản xuất và tiêu thụ loại mặt hàng này cũng sẽ bị ảnh hưởng, vì chất lượng bảo quản và tính chuyên môn hóa khi mỗi vùng sẽ tập trung sản xuất một số sản phẩm và nhu cầu thay đổi trong thời gian ngắn.

Mặt hàng gia dụng sẽ có biến động khi người tiêu dùng lo ngại tác động tiêu cực của việc đình trệ sản xuất gây nên nhu cầu tăng cao, làm khan hiếm một số mặt hàng, dẫn đến hiện tượng bullwhip effect (hiện tượng gợn sóng), gây méo mó dự đoán nhu cầu thực của thị trường.

Công nhân, người lao động đi/về giữa Đồng Nai và TP.HCM phải thực hiện các yêu cầu y tế để phòng dịch. Ảnh: Vũ Hội

. Thưa ông, chủ trương của Chính phủ là quyết liệt trong công tác phòng chống dịch để ngăn chặn tối đa sự lây lan của nó nhưng đồng thời phải đảm bảo các hoạt động không làm đứt gãy chuỗi sản xuất nhằm thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Vậy phải làm sao để xử lý cân đối vấn đề này?

+ Theo các nghiên cứu gần đây, có nhiều quan điểm khác nhau về tác động chủ yếu của dịch COVID-19 đến nền kinh tế các nước.

Một số nghiên cứu cho rằng chính việc ngăn cách xã hội là nguyên nhân chính tác động tiêu cực đến nền kinh tế, chứ dịch COVID-19 không tác động nhiều.

Một quan điểm khác cho thấy nếu để dịch bệnh lây lan không kiểm soát thì việc giảm hiệu suất nền kinh tế do người lao động trực tiếp bị dịch bệnh lên tới 30% hằng tháng. Đây là chưa tính đến các tác động xã hội khác như bệnh tật, tử vong.

Do đó, việc cân đối giữa chống dịch và phát triển kinh tế cần có sự hài hòa dựa trên phân tích kỹ lưỡng các yếu tố. Theo đó, cần xác định ngành kinh tế trọng yếu trong xã hội và mức độ giảm hoạt động tối đa mà những ngành này có thể chấp nhận do giãn cách xã hội trước khi gây tác động tiêu cực đến cả nền kinh tế. Trong đó, chúng ta phải đặc biệt lưu ý đến ngành sản xuất mặt hàng thiết yếu, cung cấp năng lượng, vận chuyển hàng hóa và hành khách, khám chữa bệnh và vấn đề trật tự, an ninh xã hội.

Ba vấn đề phải tính kỹ trước khi ra quyết định

. Với tình trạng đã xảy ra như vừa qua ở một số tỉnh, thành, ông có lời khuyên nào để các tỉnh, thành xử lý hài hòa giữa việc chống dịch và phát triển kinh tế?

+ Trước hết phải xác định các ngành kinh tế ở địa phương có khả năng hoạt động hiệu quả ngay cả khi giảm thiểu tương tác thì áp dụng chính sách làm việc ở nhà để giảm khả năng lây nhiễm cho người lao động ở các ngành thiết yếu ở trên. Chẳng hạn, ngành giáo dục, công nghệ, mua bán hàng hóa có thể xử lý trực tuyến nên khuyến khích thực hiện giãn cách. Nghiên cứu chỉ ra rằng việc giảm hoạt động xã hội của một số ngành cũng sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm cho lao động của những ngành thiết yếu.

Cùng với đó, chúng ta nên thiết lập hướng dẫn, quy trình và quy định đánh giá rủi ro, củng cố hành vi của mọi thành viên trong cả chuỗi cung ứng để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh chung. Điều này tránh việc một số doanh nghiệp phải đầu tư lớn cho các biện pháp an toàn của công ty nhưng lại kém hiệu quả khi các khâu chuỗi khác không tuân thủ quy định.

Quan trọng hơn cả là thiết lập biện pháp y tế tránh gây đổ vỡ chuỗi cung ứng: Chấp nhận mức độ lây nhiễm trong cộng đồng ở mức độ kiểm soát được và giảm thiểu rủi ro, chi phí cho cả nền kinh tế. Việc mở lại hoạt động xã hội bình thường phụ thuộc vào khả năng truy tìm nguồn gốc lây bệnh, kiểm tra dịch quy mô lớn và cách ly người bị lây nhiễm hiệu quả.

Tóm lại, việc đánh giá rủi ro từ dịch COVID-19 và biện pháp phản ứng cần được tiến hành ở mức độ vi mô của từng đơn vị, ngành, địa phương để phân loại hoạt động kinh tế, mức độ tác động, vừa phải điều phối ở cả chuỗi cung ứng vừa thông tin đến cá nhân. Chúng ta cần phải cân đối hài hòa giữa ổn định hoạt động kinh tế và chấp nhận mức độ rủi ro lây nhiễm trong cộng đồng trong khi có khả năng kiểm soát tốt việc xác định nguồn gây bệnh, cách ly và điều trị có hiệu quả.•

 

PGS-TS ĐINH TRỌNG THỊNH, chuyên gia kinh tế:

Cách ly tất cả những người đến từ TP.HCM là không hợp lý

Việc phòng chống dịch COVID-19 phải đi đôi với đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội, cũng như đảm bảo sản xuất, kinh doanh trong điều kiện thị trường mới.

Nếu các tỉnh, thành áp dụng biện pháp cách ly 21 ngày đối với tất cả những người đến từ TP.HCM là không cần thiết và không hợp lý. Theo tôi, chỉ nên cách ly những người đến từ vùng có dịch. Cho nên việc Đồng Nai điều chỉnh biện pháp phòng dịch là phù hợp, chỉ nên áp dụng biện pháp phòng dịch như khai báo y tế, khẩu trang… thực hiện nghiêm đối với người đến, về từ TP.HCM.

Các tỉnh, thành, đặc biệt là các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung nhiều công ty với hàng vạn lao động cần phải chuẩn bị sẵn phương án để phòng chống dịch. Vì nếu để dịch lây lan vào các khu vực này thì ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp, thậm chí cả khu công nghiệp.

Thậm chí, các doanh nghiệp, khu công nghiệp cần chuẩn bị phương án ăn ở tại chỗ cho công nhân, nhân viên ngoài tỉnh trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát.

Quyết định gấp gáp sẽ gây ra hậu quả lớn

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng việc một số tỉnh như Đồng Nai áp dụng chính sách cách ly (sau đó đã có điều chỉnh) với những người đến và về từ TP.HCM có thể hiểu đây là những biện pháp đưa ra với mong muốn ngăn chặn dịch bệnh.

Tuy nhiên, việc đưa ra những biện pháp có phần gấp gáp đã tác động rất lớn tới hoạt động kinh tế và đời sống người dân của các địa phương liên quan. Điều này có thể dẫn đến những hậu quả bất cập.

Đặc biệt, nếu yêu cầu người từ TP.HCM trở về phải cách ly 21 ngày sẽ gây ra sự xáo trộn rất lớn, vì lượng người qua lại giữa hai địa phương rất lớn; lượng người của địa phương này làm việc tại địa phương kia cũng rất đông. Trong đó có cả những người làm việc trong lĩnh vực logistics như lái xe, giao nhận... Nếu như phải chịu quy định cách ly thì sẽ gây ra cản trở, ách tắc, ứ đọng hàng hóa lưu thông giữa hai TP.

Theo ông Hải, qua hơn một năm rưỡi dịch COVID-19, chúng ta thấy kinh nghiệm chống dịch ở các địa phương cũng khác nhau. Thực tế thì hoạt động chống dịch ở trong những bối cảnh cụ thể, các địa phương thường đặt ưu tiên đảm bảo an toàn cho người dân.

Nhưng điều cần thiết hơn là việc chống dịch phải đi vào đúng trọng tâm, trọng điểm, khoanh vùng; hạn chế áp dụng những biện pháp cứng nhắc có thể gây tác động xấu cho hoạt động của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội.

“Ở đây, chúng ta có thể áp dụng việc kiểm tra y tế bằng những
công cụ đã cho phép như test nhanh… Các tỉnh có vẻ chưa nghiên cứu để áp dụng đúng hướng dẫn mà Bộ Y tế đã đưa ra, như vậy sẽ
vô tình tạo ra tình trạng “ngăn sông cấm chợ” mà chúng ta đang
thấy ở một số địa phương” - ông Hải nhấn mạnh.

Trước tình trạng nhiều tỉnh, thành đang tăng cường kiểm soát (như cách ly người trên diện rộng và phương tiện đến từ TP.HCM), ông Trần Thanh Hải cho hay hiện nay Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 đã có thông báo mới nhất và
nhắc lại yêu cầu các tỉnh phải quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là chống dịch một cách “bình tĩnh, tỉnh táo”. Tinh thần là áp dụng một cách sáng tạo các biện pháp phòng chống dịch để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội cũng như sinh kế của người dân.

“Bài học rút ra từ những biện pháp đã áp dụng tại Hải Phòng, Đồng Nai… là các tỉnh cần có điều chỉnh phù hợp với thực tế của địa phương cũng như cấp độ dịch tại địa phương để chúng ta làm sao vừa đưa ra biện pháp phòng chống dịch kịp thời nhưng phải luôn luôn đặt yếu tố tác động đến kinh tế - xã hội để xem xét cho thấu đáo” - ông Hải nói.

AN HIỀN

Đừng mạnh ai nấy làm!

Cuối tuần rồi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện khẩn gửi chủ tịch UBND các tỉnh, TP và các bộ, ngành trung ương nhằm chấn chỉnh việc áp dụng biện pháp phòng dịch quá mức cần thiết, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Công điện của Thủ tướng lưu ý việc phòng dịch, một số nơi đã áp dụng những biện pháp cứng nhắc, có mức cực đoan, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, gây nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn.

Chính vì thế, Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, TP trên cả nước được giao trao đổi, thống nhất với các địa phương có liên quan để thống nhất áp dụng các biện pháp trong quản lý hoạt động vận tải, kể cả vận chuyển hành khách, công nhân, hàng hóa, nguyên liệu sản xuất...

Lãnh đạo các địa phương cần bảo đảm kiểm soát nguồn lây bệnh nhưng không “ngăn sông cấm chợ”, không gây ách tắc hay ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; thực hiện việc cách ly y tế đúng đối tượng quy định đối với người đến từ vùng dịch.

Trước khi có công điện của Thủ tướng, đã có 32 tỉnh, thành thông báo về tạm dừng hoạt động vận tải hành khách đường bộ đi và đến TP.HCM. Cùng với đó, nhiều tỉnh, thành như Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Bình Thuận… thông báo cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà đối với người về hoặc đến từ TP.HCM và những nơi khác đang có dịch.

Đáng chú ý, trưa 4-6, UBND tỉnh này có văn bản hỏa tốc về việc cách ly y tế tại nhà hoặc tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh (người cách ly tự trả phí) 21 ngày đối với tất cả những người từ TP.HCM về/đến Đồng Nai.

Quyết định đó của tỉnh Đồng Nai có thể dẫn đến nguy cơ làm ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 6.000 người lao động đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao của TP.HCM nhưng sinh sống và cư trú trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Điều này còn ảnh hưởng đến chuỗi hoạt động cung ứng nguyên liệu và vận chuyển hàng hóa ra các cảng.

UBND TP.HCM sau đó đã cấp tốc có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị xem xét, có phương án kiểm soát hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận chuyển hàng hóa, cũng như việc di chuyển của công nhân, nhân viên, người lao động và chuyên gia từ tỉnh Đồng Nai đến TP.HCM và ngược lại để làm việc.

Tiếp thu đề nghị trên, UBND tỉnh Đồng Nai không còn áp dụng quy định cách ly 21 ngày. Tuy nhiên, Đồng Nai vẫn giữ nguyên yêu cầu các doanh nghiệp, cá nhân, người lao động đang ở TP.HCM nhưng làm việc tại Đồng Nai hoặc người Đồng Nai đang làm việc tại TP.HCM sắp xếp ở lại địa phương nơi làm việc nhằm hạn chế việc đi lại hằng ngày dẫn đến nguy cơ lây lan bùng phát dịch bệnh.

Qua sự việc trên cho thấy các tỉnh, TP có liên quan mật thiết trong hoạt động kinh tế cần phải trao đổi, thống nhất áp dụng các biện pháp phòng dịch làm sao vừa bảo đảm kiểm soát nguồn lây bệnh nhưng không “ngăn sông cấm chợ” dẫn đến các nguy cơ lớn về kinh tế - xã hội, như Thủ tướng chỉ đạo là rất cấp thiết. TÁ LÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm