Kiểm soát chặt tài sản của quan chức

Như Pháp Luật TP.HCM ngày 7-4 đã thông tin, việc thu hồi tài sản tham nhũng đang là bài toán làm đau đầu các cơ quan thực thi cũng như cơ quan quản lý nhà nước. Góp ý hướng ra cho vấn đề này, theo nhiều chuyên gia, một trong những giải pháp quan trọng là cần triển khai một cách thực chất và có hiệu quả công tác kê khai tài sản, thu nhập và kiểm soát việc kê khai, thu nhập của cán bộ, công chức.

Lập cơ quan chuyên trách

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhà nghiên cứu độc lập về tội phạm tham nhũng Hoàng Mạnh Chiến cho rằng khi yêu cầu phải kê khai, minh bạch về tài sản và thu nhập thì đối tượng không chỉ là quan chức mà gồm cả những người thân và những người có quan hệ đặc biệt về tài sản. “Nhưng việc thực hiện yêu cầu này cần được giới hạn với ba loại đối tượng: quan chức có dấu hiệu phạm tội tham nhũng; quan chức có biểu hiện làm giàu bất chính; quan chức giấu giếm không kê khai hoặc có biểu hiện gian dối trong kê khai tài sản, thu nhập. Tức là phải tập trung việc mở rộng diện kê khai trong phạm vi liên quan mật thiết đến đối tượng “tình nghi” (có nghi vấn), có dấu hiệu của hành vi phạm tội tham nhũng” - ông Chiến đề xuất.

Theo ông Chiến, Nghị định 78/2013 về minh bạch tài sản, thu nhập yêu cầu phần lớn cán bộ, công chức đều phải kê khai, minh bạch tài sản và thu nhập thì diện đối tượng đã rất rộng. Và với đối tượng rộng thế này thì việc thu thập thông tin, tổng hợp, phân tích, theo dõi cho đến việc đánh giá, xác minh tính xác thực của bản kê khai là cả một vấn đề tốn rất nhiều thời gian, công sức. “Đó là chưa nói vấn đề xác minh nguồn gốc tài sản cũng rất phức tạp; rồi còn khâu xử lý…” - ông Chiến nói và cho rằng vấn đề đặt ra ở đây là tính hiệu quả. Và kinh nghiệm một số nước trong trường hợp này là lập ra cơ quan chuyên trách theo dõi, giám sát việc kê khai tài sản. “Ở ta thì giao cho thanh tra nhưng hệ thống thanh tra từ trên xuống dưới rất nhiều việc. Mặt khác, trong cơ quan ví dụ ông thủ trưởng nếu đã có dấu hiệu tham nhũng, thử hỏi có mấy người lại kê khai thật với đơn vị thanh tra dưới quyền mình là mình có hàng đống tài sản có nguồn gốc không hợp pháp? Và liệu cán bộ thanh tra trong nội bộ cơ quan đó có thể dễ dàng giám sát, thẩm định, xác minh, xử lý?” - ông Chiến đặt vấn đề.

Về đối tượng kê khai, ông Chiến thông tin một số quốc gia cho rằng chống tham nhũng triệt để là làm từ trên xuống. “Chẳng hạn ở Hàn Quốc, Argentina… quy định diện phải kê khai, minh bạch tài sản và thu nhập chỉ gồm bộ trưởng trong nội các và tương đương trở lên” - ông Chiến cho hay.

 
Theo dõi, giám sát chặt việc kê khai tài sản sẽ giảm được tham nhũng. Ảnh minh họa: TP-HTD

Cấm cán bộ gửi tài sản ở nước ngoài

Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Ban Nội chính Trung ương, để thu hồi được tài sản tham nhũng, nhất là đối với tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài cần học hỏi kinh nghiệm kiểm soát tài khoản của quan chức ở một số nước. Điển hình như Nga, ngày 7-5-2013, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh sửa đổi về việc cấm thành viên chính phủ và người thân trong gia đình mở tài khoản tiền gửi và tài khoản chứng khoán ở các ngân hàng nước ngoài. Theo đó, đối tượng thực hiện là quan chức chính phủ, nghị sĩ, quan chức ngành tư pháp, thành viên hội đồng giám đốc ngân hàng trung ương, quân nhân, lãnh đạo các tập đoàn nhà nước, các quỹ hoặc tổ chức do tổng thống hoặc chính phủ bổ nhiệm cùng người thân trong gia đình những đối tượng này. Những người vi phạm sẽ bị đình chỉ chức vụ trước thời hạn, bãi chức hoặc sa thải.

Ngoài ra, Ủy ban Về luật dân sự, hình sự, luật tố tụng của Duma Quốc gia Nga đề nghị quy định tước tài sản người thân của quan chức bị kết án tham nhũng. Chính biện pháp này sẽ làm cho các đối tượng tham nhũng cân nhắc nhiều hơn về hậu quả hành vi của mình và có thể bù thiệt hại cho nhà nước do hành vi tham nhũng gây ra.

Từ kinh nghiệm quốc tế, ông Trường kiến nghị Chính phủ cần có quy định cấm cán bộ đảng viên có chức vụ từ lãnh đạo cấp vụ, cục trở lên gửi tiền, tài sản hoặc sở hữu tài sản ở nước ngoài nhằm ngăn ngừa, phát hiện tội phạm về tham nhũng có yếu tố nước ngoài. Đồng thời, ngăn ngừa khả năng đối tượng tham nhũng tạo cơ sở kinh tế-xã hội để trốn ra nước ngoài sau khi đã thực hiện hành vi tham nhũng.

Tăng mức phạt

Ở một khía cạnh khác, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao Đinh Văn Quế cho rằng cần áp dụng bắt buộc hình thức phạt tiền và tăng mức phạt tiền đối với hành vi tham nhũng.

Ông Quế phân tích: Theo quy định của Bộ luật Hình sự, đối với người phạm tội tham nhũng, ngoài hình phạt chính còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. “Đây cũng là biện pháp gián tiếp thu hồi tài sản tham nhũng mà trong quá trình điều tra, truy tố không chứng minh được người phạm tội đã sử dụng tài sản tham nhũng vào mục đích gì” - ông Quế cho hay.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, Bộ luật Hình sự quy định về hình phạt tiền đối với hành vi tham nhũng rất thấp, cao nhất cũng chỉ đến 50 triệu đồng hoặc phạt đến năm lần giá trị của tiền hối lộ hoặc thu lợi bất chính. Riêng hình phạt tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản chỉ áp dụng đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ.

“Quy định mức phạt tiền cũng như phạm vi áp dụng hình phạt tịch thu tài sản trong Bộ luật Hình sự không còn phù hợp với tình hình tham nhũng và tài sản tham nhũng trong thời gian vừa qua. Mặt khác, thực tiễn xét xử đối với các tội phạm về tham nhũng hầu như không áp dụng hình phạt tịch thu tài sản hoặc phạt tiền” - ông Quế nói và đề nghị cần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự theo hướng không quy định “có thể” bị phạt tiền mà quy định “thì” bị phạt tiền; không quy định mức tiền cụ thể mà quy định phạt mấy lần giá trị tài sản tham nhũng.

HẰNG NGUYỆT

 

Cần luật hóa tội danh làm giàu bất chính

Chúng tôi đề nghị Quốc hội nghiên cứu luật hóa hành vi làm giàu bất chính theo một trong các hướng: Quy định tội danh làm giàu bất chính trong Bộ luật Hình sự; quy định tội danh làm giàu bất chính thông qua việc hình sự hóa hành vi vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập tăng thêm và nghĩa vụ giải trình hoặc quy định về xử lý tài sản bất chính theo trình tự tố tụng dân sự.

Ông NGUYỄN XUÂN TRƯỜNG, Ban Nội chính Trung ương

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm