Khuyến khích tư nhân tham gia dịch vụ cai nghiện

Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa  tổ chức hội thảo thực hiện chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy và phòng, chống HIV/AIDS.

Đại diện các cơ quan thống nhất sẽ phải sửa luật, thay đổi cách quản lý người nghiện, giảm người sử dụng ma túy…

Quản lý người dùng ma túy

Theo Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an), số vụ, số người bắt giữ liên quan tội phạm ma túy năm sau luôn tăng cao hơn so với năm trước.

Phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy cũng luôn thay đổi và ngày càng nguy hiểm hơn. Xuất hiện nhiều loại chất có tác dụng như ma túy nhưng chưa được quy định trong danh mục của Chính phủ. Hình thái sử dụng, người nghiện tăng theo từng năm, hiệu quả cai nghiện thấp…

Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung luật phòng, chống ma túy để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy là đòi hỏi khách quan.

C04 đề nghị nên bổ sung quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và đây là một nội dung hoàn toàn mới. Bởi thực tiễn trong thời gian qua, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy diễn biến rất phức tạp, nhất là việc sử dụng ma túy tổng hợp. Nhiều đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp “ngáo đá” đã gây ra nhiều vụ thảm án, làm phức tạp tình hình an ninh trật tự.

 “Theo quy định của pháp luật hiện hành thì hành vi sử dụng trái phép chất ma túy chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 500.000 đến 1 triệu đồng nên không đủ sức răn đe. Mà theo quy luật thì sử dụng trái phép chất ma túy là bước khởi đầu dẫn đến nghiện ma túy” - C04 nêu.

Do đó, để quản lý tốt đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính còn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Trong đó nêu rõ trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.

Để ngăn chặn ma túy tuồn vào Việt Nam, C04 cũng đề nghị cần sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy theo hướng tăng thẩm quyền cho lực lượng chuyên trách của biên phòng, hải quan, cảnh sát biển. Đồng thời, bổ sung thêm hành vi tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc vào kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc công an được trao đổi thông tin và phối hợp với cơ quan chức năng chống tội phạm ma túy của các nước và các tổ chức chống tội phạm ma túy quốc tế để tiến hành điều tra các vụ án liên quan đến tội phạm ma túy xuyên quốc gia. Qua đó giúp điều tra, bóc gỡ toàn bộ đường dây tội phạm ma túy mang tính quốc tế.

Trung tá Hoàng Văn Hiều, Phó Trưởng phòng 2, C04, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: LÊ THOA

Thay đổi việc cai nghiện

Về công tác cai nghiện, C04 cũng cho rằng nên bổ sung thẩm quyền cho người đứng đầu cơ sở cai nghiện bắt buộc để ngăn tình trạng thẩm lậu ma túy vào cơ sở cai nghiện. “Phải có quy định cho cán bộ cơ sở cai nghiện được sử dụng công cụ hỗ trợ để ngăn chặn tình trạng gây rối trong cơ sở cai nghiện, truy tìm người nghiện bỏ trốn” - C04 nêu.

Trung tá Hoàng Văn Hiều, Phó Trưởng phòng 2, C04, cho biết thêm hiện nay cả nước có hơn 230.000 người nghiện ma túy. Ông cho rằng nên ưu tiên cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, điều trị bằng thuốc thay thế. Sau đó nếu vẫn vi phạm thì mới đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Bởi hiện nay 97 cơ sở cai nghiện trên cả nước chỉ chứa khoảng 50.000 người nên không thể đưa hơn 230.000 người nghiện vào.

Về vấn đề này, ông Cao Văn Thành, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐ-TB&XH, cho biết hiện nay chỉ có 13/63 tỉnh, TP tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng.

Số người nghiện ma túy và chất ma túy, chất hướng thần tăng mạnh qua từng năm đã gây khó khăn, tạo sức ép rất lớn đối với công tác cai nghiện và quản lý sau cai.

Quy định của pháp luật đang giao cho UBND xã, phường thực hiện là không khả thi, chưa hiệu quả và đã được chứng minh qua gần 20 năm nay. Ông cho hay việc cai nghiện là dịch vụ hỗ trợ về tâm lý, xã hội, y tế mang tính chuyên môn kỹ thuật và ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người, do vậy phải do các cơ quan chuyên môn đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn để thực hiện. Trong khi UBND cấp xã là cơ quan hành chính, không phải đơn vị cung cấp dịch vụ. “Chưa kể hiện nay các dịch vụ hỗ trợ tâm lý, xã hội, y tế ở cộng đồng không thuộc UBND xã quản lý, nguồn lực ở xã, phường cũng không đảm bảo cho tổ chức cai nghiện...” - ông Thành phân tích.

Vì vậy, ông đề nghị việc tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng cần được quy định theo nguyên tắc: Đây là hình thức tự nguyện, việc cai nghiện phải do cơ quan chuyên môn thực hiện (tư vấn cai nghiện, hỗ trợ phục hồi bằng các dịch vụ y tế, xã hội…) với sự tham gia phối hợp của gia đình, các tổ chức xã hội tại cộng đồng dân cư. Do đó, nên cho chủ tịch UBND huyện chịu trách nhiệm tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn do bộ chuyên ngành quy định.

Còn theo ông Huỳnh Thành Lập, nguyên Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng phải đổi mới, khuyến khích tư nhân tham gia.

“Nếu để tư nhân làm thì họ có cách quản lý. ở nước ngoài, họ làm theo dự án, cho người nghiện đi về thử thách, kiểm tra. Mình sẽ rút kinh nghiệm của thế giới. Đừng tách rời người nghiện với xã hội mà để họ lao động, gắn liền với gia đình” - ông Lập phân tích.

UNODC khuyến cáo: Giám sát chặt hơn  các tiền chất ma túy

Theo UNODC (Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc), tội phạm ma túy đang sử dụng Việt Nam làm nơi tiêu thụ và trung chuyển ra các nước. Việc mua bán, sản xuất ma túy ở khu vực Đông Nam Á đang diễn biến rất phức tạp.

Lượng methamphetamine bị thu giữ trong năm 2019 ở Đông Á và Đông Nam Á khoảng 115 tấn. Giá của methamphetamine đang giảm đến mức thấp do nguồn cung tăng, các chất dạng opiod, thuốc lắc, ketamine và cần sa tổng hợp xuất hiện với số lượng lớn.

Đang là đại dịch COVID-19 nhưng các chỉ số liên quan cho thấy việc sản xuất ma túy ở khu vực “tam giác vàng” không có dấu hiệu bị ảnh hưởng, ngược lại còn có dấu hiệu gia tăng, xuất hiện nhiều chất kích thần mới.

Việt Nam cần phát hiện, xác định các chất ma túy mới này, giám sát chặt các loại tiền chất mà tội phạm có thể dùng để sản xuất ma túy tổng hợp.

Song song với việc ngăn chặn, phát hiện, xử lý, UNODC cũng khuyến nghị Việt Nam cần giảm cầu bằng việc điều trị methadone và các chương trình giúp đỡ người nghiện. Việt Nam đã thí điểm điều trị methadone trong các trại giam, được quốc tế đánh giá cao.

UNODC cũng đánh giá cao việc Việt Nam tham gia vào Văn phòng liên lạc qua biên giới (BLO) khu vực Mekong vì đã thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong phòng, chống tội phạm ma túy.

Hiện UNODC đang thực hiện chương trình kiểm soát container để kiểm soát việc buôn lậu, ma túy, xây dựng các chương trình chăm sóc, điều trị cho người sử dụng ma túy và hỗ trợ sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống ma túy.

PV 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm