‘Không thể ngứa ở đầu mà gãi ở chân’

“Thủ tướng vẫn luôn nhắc chúng tôi người ngứa đầu lại chỉ được gãi… chân sẽ cho điểm rất xấu với cơ quan nhà nước” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh như thế tại hội thảo lấy ý kiến đóng góp đối với dự thảo nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) diễn ra ngày 29-8.

Một cửa nhưng vẫn chờ dài dài

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chính phủ kiến tạo cần tập trung xây dựng thể chế, cải cách TTHC, thay dần tư duy quản lý sang một nhà nước lấy người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu phục vụ, nỗ lực tháo gỡ mọi rào cản, khó khăn.

Ông cũng lưu ý năm tồn tại lớn cần khắc phục nhằm triển khai tốt hơn cơ chế một cửa, một cửa liên thông để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Một là việc triển khai cơ chế này ở nhiều địa phương còn lúng túng, trong tổ chức thực hiện còn thủ công, mang nặng tính hình thức. Dù là cơ chế một cửa nhưng thời gian chờ đợi, trả kết quả hồ sơ còn dài.

Hai là vấn đề con người, bởi việc lựa chọn cán bộ ở bộ phận một cửa lại chưa tương xứng. Ba là chất lượng giải quyết TTHC ở địa phương còn thấp khiến dân phải đi lại nhiều lần, thậm chí có tình trạng cứ nay nói bổ sung cái này, hôm sau lại yêu cầu bổ sung cái khác. Bốn là việc ứng dụng công nghệ thông tin còn rất thấp. Và cuối cùng là cần nâng cơ sở pháp lý thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông lên thành nghị định.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng dẫn lời Thủ tướng nhiều lần đã nói không thể “ngứa ở đầu mà gãi ở chân” vì như thế dân sẽ đánh giá điểm rất xấu. “Mà điểm xấu liên tục thì các cơ quan công quyền, người dân trong và ngoài nước sẽ biết được chất lượng làm việc của bộ này tốt hay không tốt” - ông Dũng nói.

Người dân có thể góp ý trực tiếp thái độ phục vụ của công chức và quy trình thủ tục hành chính  khi làm thủ tục. (Ảnh chụp tại UBND quận 1, TP.HCM.) Ảnh: HTD

Làm hài lòng chứ không áp đặt quyền lực

Bà Nguyễn Thu Hương, quản lý cao cấp chương trình quản trị của Oxfam tại Việt Nam, cho rằng việc người dân được phản hồi về chất lượng dịch vụ hành chính công sẽ trở thành động lực mạnh mẽ giúp thay đổi thái độ, hành vi của cán bộ hành chính và chất lượng dịch vụ. Điều này cũng tạo ra thay đổi theo hướng là đơn vị cung cấp dịch vụ thì phải làm hài lòng khách hàng thay vì là đơn vị áp đặt quyền lực như trước đây.

“Cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm trong cải cách hành chính công là tư duy hiện đại, phù hợp với vai trò và chức năng của một “chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động”, chuyển từ nền hành chính mang nặng tư duy quản lý kiểu cũ sang tư duy phục vụ” - bà Hương nói và nhấn mạnh việc này cũng sẽ loại bỏ mọi chi phí không chính thức.

Góp ý cho dự thảo nghị định, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, với tư cách đại diện nhóm nghiên cứu của tổ chức Oxfam, khuyến nghị nghị định cần có cơ chế phù hợp tạo điều kiện cho người dân tham gia vào giám sát và đánh giá quá trình thực hiện và giải quyết các TTHC. Bên cạnh đó, nghị định cũng cần quy định về lộ trình xây dựng, vận hành hệ thống một cửa điện tử phục vụ giải quyết các TTHC. Đây là cơ chế ngăn ngừa tham nhũng khá tốt bởi tham nhũng vặt dẫn đến tham nhũng lớn đều bắt nguồn từ TTHC.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Văn phòng Chính phủ mỗi tháng xử lý hơn 14.000 văn bản của các bộ, ngành, địa phương gửi đến nên cơ quan này rất ưu tiên việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc sàng lọc, xử lý, lập hồ sơ. Các văn bản sẽ được nhập dữ liệu rồi chuyển đến các địa chỉ cụ thể với quy định rõ giải quyết trong bao nhiêu ngày. Hồ sơ chậm trả lời các đơn vị cũng được lưu, thể hiện hết trên hệ thống.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm