Không thể “đòi” thu phí xe máy qua cầu Phú Mỹ

Công ty Cổ phần BOT cầu Phú Mỹ (PMC) vừa có văn bản gửi Thường trực UBND TP.HCM đòi được thu phí đối với xe hai bánh đi qua cầu Phú Mỹ, dẹp trạm thu phí trên đại lộ Nguyễn Văn Linh của nhà đầu tư BOT khác…

Không thể đòi là được

Tại văn bản trên, PMC cho rằng người sử dụng xe hai bánh qua cầu Phú Mỹ được lợi về thời gian do quãng đường ngắn hơn 10 km so với đi qua các tuyến đường khác, lợi về tiền (đỡ tốn 10.000 đồng/lần theo cách tính bình quân 1.000 đồng nhiên liệu/km), đỡ hao mòn xe máy, được lợi về sức khỏe, an toàn về tính mạng và tài sản… Do đó, PMC tha thiết xin TP cho phép thu phí với đối tượng này.

Theo ông Lê Toàn - Phó Giám đốc Sở GTVT, đòi hỏi trên của PMC là không thể chấp nhận được. Vì lẽ hợp đồng BOT giữa UBND TP với PMC không có điều khoản về thu phí đối với xe máy. Mặt khác, làn đường dành cho xe máy lưu thông qua lại cầu Phú Mỹ quá hẹp, lượng xe máy lưu thông cùng lúc trên mặt cầu cũng như tổng lượng xe máy qua lại mỗi ngày không lớn để có thể gây ảnh hưởng đến công trình. Một điều khác mà PMC chưa nghĩ tới là nếu thu phí đối với xe máy thì sẽ tạo ra ùn tắc ở hai đầu cầu. Khi đó, các loại xe tải, nguồn thu chính ở cầu Phú Mỹ sẽ tìm đường khác để thoát đi nhanh hơn.

Không thể “đòi” thu phí xe máy qua cầu Phú Mỹ ảnh 1

Người đi xe máy qua cầu Phú Mỹ đang bị PMC đòi thu phí. Ảnh: L.ĐỨC

“Dựa trên cơ sở hợp đồng BOT, yếu tố kỹ thuật và tổ chức giao thông, ngành giao thông và UBND TP không thể chấp nhận những đòi hỏi nêu trên dù đã được PMC đưa ra nhiều lần!” - ông Toàn khẳng định.

Không thể “đòi” xe đi lộn ngược

Cũng tại văn bản trên, PMC viện dẫn trong hợp đồng BOT ký năm 2005, TP cam kết hạn chế tối đa các xe tải lưu thông từ xa lộ Hà Nội vào trung tâm TP qua cầu Sài Gòn, cầu Tân Thuận, hầm Thủ Thiêm… Tất cả xe tải từ các cảng Bến Nghé, Sài Gòn đi ra miền Đông, miền Tây Nam Bộ phải lưu thông theo hướng qua cầu Phú Mỹ.

Theo ông Lê Toàn, cách hiểu và viện dẫn hợp đồng của PMC là không đúng, thậm chí là một đòi hỏi quá đáng. Trong hợp đồng, UBND TP có nêu: Sẽ hạn chế tối đa xe tải đi vào nội đô trên cơ sở thực hiện quy hoạch, giải tỏa các cảng biển ra khỏi nội đô và phát triển mạng lưới đường vành đai ngoài. Tinh thần của cam kết trên đã và đang được TP triển khai từng bước sau khi quy hoạch tổng thể phát triển giao thông TP đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt năm 2007. Như vậy, đây là cam kết, điều kiện mở để TP và PMC cùng nhau thực hiện mong muốn giảm dần xe tải vào nội đô, phát triển mạng lưới cầu, đường chung chứ không phải là điều kiện riêng (hẹp) bắt buộc TP phải dồn xe tải về cầu Phú Mỹ.

Ông Lê Toàn phân tích thêm, xe từ cảng Sài Gòn hoặc Bến Nghé ra đi thẳng trên đường Nguyễn Tất Thành hoặc Huỳnh Tấn Phát để ra đại lộ Nguyễn Văn Linh đi về miền Tây là thuận nhất. Vì vậy, không thể bắt buộc họ phải đi qua cầu Phú Mỹ rồi lộn ngược trở lại chính cầu này, ra đại lộ Nguyễn Văn Linh để về miền Tây.

Không thể “đòi” thu phí xe máy qua cầu Phú Mỹ ảnh 2

Sơ đồ vị trí cầu Phú Mỹ trong mạng lưới cảng, cầu, đường trong khu vực.

Sinh sau không thể ngồi trước

Cũng tại văn bản trên, từ chỗ hiểu, viện dẫn không đúng hợp đồng BOT ký năm 2005 và cho rằng do việc không dồn xe về cầu Phú Mỹ đã tạo điều kiện cho các đơn vị khác tăng nguồn thu, PMC tiếp tục đòi UBND TP bãi bỏ trạm thu phí trên đường Nguyễn Văn Linh nhằm thu hút xe qua cầu Phú Mỹ.

Đại lộ Nguyễn Văn Linh được thông xe giai đoạn một với hai làn xe và thu phí từ năm 1998; giai đoạn hai thông xe 4-6 làn vào năm 2003 và giai đoạn ba thông xe đủ 10 làn theo đúng thiết kế vào tháng 12-2007. Trong khi đó, cầu Phú Mỹ được thông xe, thu phí từ ngày 1-4-2010 và đến nay nút giao khu A nối với đại lộ Nguyễn Văn Linh vẫn chưa hoàn thành.

Như vậy, theo ông Lê Toàn, đại lộ Nguyễn Văn Linh có trước (và thu phí trước) và là cơ sở để cầu Phú Mỹ và các hạng mục khác của PMC kết nối vào, khai thác có hiệu quả. Do vậy, không thể vì những lý lẽ mơ hồ của PMC mà TP bãi bỏ trạm thu phí trên đại lộ này (hợp đồng BOT đại lộ Nguyễn Văn Linh vẫn còn giá trị khai thác trong nhiều năm nữa).

Theo một chuyên viên Sở GTVT, nếu làm như ý của PMC sẽ tạo ra một tiền lệ xấu là TP hất cẳng những đơn vị đi trước, đã từng khai mở tuyến đường trục của khu đô thị phía nam TP để cho đơn vị đến sau… xơi. Đạo đức kinh doanh và quản lý nhà nước không cho phép làm điều này.

Cầu Sài Gòn 2 không đầu tư theo BOT

Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Phượng vừa ký văn bản báo cáo UBND TP quá trình đàm phán với các nhà đầu tư dự án xây cầu Sài Gòn 2. Theo báo cáo, việc đầu tư xây dựng cầu Sài Gòn 2 theo hình thức BOT là rất khó vì không xác định được vị trí đặt trạm thu phí; việc thu phí chung tại Trạm xa lộ Hà Nội (hiện do CII khai thác) là không thể vì sẽ ảnh hưởng tới doanh thu của CII, dẫn đến kéo dài hợp đồng thu phí cho các bên (PMC và CII), làm tăng mức độ rủi ro trong việc hoàn vốn đầu tư. Nếu đầu tư BT theo cách trả bằng đất cũng gặp khó vì vướng quỹ đất, còn theo cách trả chậm bằng tiền từ ngân sách sẽ làm tăng giá trị đầu tư cầu Sài Gòn 2 lên rất nhiều lần….

Tuy nhiên, theo văn bản trên, việc xây dựng cầu Sài Gòn 2 là cấp bách. Vì vậy, Sở GTVT kiến nghị UBND TP xem xét và có văn bản báo cáo Thủ tướng cho phép TP được giữ lại toàn bộ phần thu vượt dự toán thu ngân sách hằng năm (giai đoạn 2010-2015, dự kiến phần thu vượt trên 5.000 tỉ đồng/năm) để thực hiện hàng loạt công trình, trong đó có cầu Sài Gòn 2 và đường vành đai 2. Theo các chuyên gia cầu, đường và tài chính, nếu cầu Sài Gòn 2 được đầu tư từ nguồn thu vượt trên và thông qua đấu thầu thì tổng giá trị sẽ dưới 1.800 tỉ đồng, thay vì hơn 2.430 tỉ đồng nếu đầu tư theo hình thức BOT mà PMC đưa ra.

LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm