‘Không thể cái gì cũng đổ cho bộ’

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thốt lên như thế tại phiên họp giải trình về vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Y tế trong việc cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức sáng 13-4.

Cấp nào sai thì cấp đó chịu trách nhiệm

Theo Bộ trưởng Tiến, một trong những trở ngại lớn trong hoạt động y tế hiện nay là cơ sở khám, chữa bệnh không chấp hành nghiêm luật, cố ý làm sai quy định. “Nhiều phòng khám chui, cố tình không làm theo quy trình khám, chữa bệnh… Những việc đó không thể cứ đổ lỗi cho Bộ Y tế được. Đương nhiên chúng tôi có trách nhiệm chung về mặt quản lý nhà nước nhưng cũng không thể nào cứ đổ lên đầu mỗi bộ trưởng Y tế được” - bà Tiến nói.

 Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) hỏi: Bộ trưởng đánh giá như thế nào về tình trạng thầy thuốc khám, chữa bệnh bất hợp pháp như thẩm mỹ viện Cát Tường không có giấy phép hành nghề, một số vụ thuê bằng để mở phòng khám tư nhân, một số vụ thầy thuốc người nước ngoài khám chui và một số thầy lang hành nghề không giấy phép. Để xảy ra hạn chế và yếu kém như trên, bộ trưởng Y tế, Bộ Y tế có trách nhiệm gì và giải pháp ra sao để khắc phục?

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời đại biểu tại phiên giải trình. Ảnh: TÁ LÂM

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng Bộ Y tế làm gì, Sở Y tế làm gì, Phòng Y tế làm gì và vấn đề quản lý hành nghề y dược tư nhân, quản lý trên địa bàn đã có luật quy định: “Để xảy ra sai phạm tại địa phương thì chủ tịch UBND, Sở Y tế, Phòng Y tế và Trung tâm Y tế nơi đó phải chịu trách nhiệm. Bộ Y tế là cơ quan quản lý nhà nước ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các quy chế kiểm tra, thanh tra...” - Bộ trưởng Tiến lý giải.

Theo Bộ trưởng Tiến, ba năm thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế đều có lập đoàn đi thanh kiểm tra. Bản thân bộ trưởng cũng đi từng ngóc ngách, từng phòng khám tư lẫn phòng khám công lập để kiểm tra. Các phòng khám vi phạm pháp luật đã được xử lý, nhiều trường hợp phải đóng cửa.

Khuyến khích các hội nghề nghiệp cấp giấy phép

Một vấn đề được khá nhiều đại biểu quan tâm trong phiên giải trình là có nên cho các hội nghề nghiệp được cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động hay không. Đại biểu Phan Vân Điền Phương (An Giang) đề nghị Bộ Y tế giao cho các hội nghề nghiệp được phép cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động, còn Bộ Y tế chỉ tăng cường khâu hậu kiểm. Chủ tịch hội hành nghề y tế tư nhân Việt Nam Phạm Thành Vận cũng xin được cấp chứng chỉ hành nghề.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tỏ thái độ ủng hộ và rất muốn các hội nghề nghiệp tham gia. Tuy nhiên, bà cũng cho biết khi hỏi ý kiến về vấn đề này có nhiều người nói trong giai đoạn này các hội nghề nghiệp không thể nào có đủ nguồn lực để tham gia. “Nếu trong tương lai mà các hội nghề nghiệp phát triển mạnh thì chúng tôi rất khuyến khích và sẽ có những văn bản quy phạm pháp luật sau này về vấn đề này” - Bộ trưởng Tiến nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị Bộ Y tế phải tăng cường công tác quản lý nhà nước, tăng cường thanh tra, kiểm tra. “Nếu không đảm bảo phải thu hồi giấy phép hành nghề. Điều này sẽ tạo hành lang nghiêm túc trong quản lý” - bà Mai nói.

Xây dựng quy trình xử lý tai biến

Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng chia sẻ về vấn đề tai biến y khoa. Bộ trưởng Tiến cho biết hiện nay Bộ Y tế đang ban hành quy trình xử lý tai biến, trong đó khi có kiện cáo về tai biến phải bảo vệ bệnh nhân trước mắt và bảo vệ cán bộ y tế. Một ngày bình thường cũng phải có 20-30 trẻ dưới năm tuổi chết do mọi nguyên nhân. “Cho nên mỗi một trường hợp tai biến mà chúng ta đổ dồn ngay trách nhiệm cho cán bộ y tế cũng phải xem xét lại. Nhưng nếu để cho bệnh nhân bị thiệt thòi vì tắc trách không được phép thì phải bảo vệ quyền lợi người dân. Vấn đề này hành lang pháp lý chưa có được, đang trong quá trình xây dựng” - Bộ trưởng Tiến nói.

Cần giữ chương trình quốc gia về y tế - dân số

Bộ Y tế cũng đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép ngành y tế tiếp tục duy trì một chương trình mục tiêu quốc gia gồm tám dự án với hai chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020 với tổng kinh phí là 22.500 tỉ đồng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phân tích, thời gian qua, chương trình mục tiêu quốc gia đã hỗ trợ tích cực cho phòng, chống các loại dịch bệnh và dịch bệnh mới nổi; các mục tiêu thiên niên kỷ; đạt tỉ lệ dân số, suy dinh dưỡng, lao… Nếu không có tăng cường đầu tư cho các tuyến thường xuyên thì chắc chắn không đạt các tiêu chí y tế của Quốc hội và Chính phủ đề ra, đặc biệt là công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu gắn với y tế cơ sở. Nếu cắt đi thì các mục tiêu sẽ không đạt được, sẽ đi xuống và dịch bệnh sẽ không khống chế được. Nếu không cắt mà gắn chương trình mục tiêu y tế vào hai chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới và giảm nghèo bền vững thì rất khó. Bởi hai chương trình này tập trung vào đối tượng nghèo, nông thôn, còn sức khỏe, bệnh tật thì ai cũng bệnh... nên không thể gắn vào được. Mặt khác, nếu không có chương trình mục tiêu quốc gia thì cũng sẽ mất luôn hỗ trợ của nước ngoài. Các tổ chức nước ngoài nói, nếu không có cam kết chính trị mạnh mẽ từ Chính phủ thì họ cũng sẽ cắt giảm viện trợ.

Về vấn đề này bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, yêu cầu Bộ Y tế trình bày rõ hơn những điểm mới của tám dự án mục tiêu y tế giai đoạn 2016-2020, nếu nêu lại tám dự án như cũ thì khó thuyết phục để các đại biểu đồng ý.

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm