Không nên can thiệp quá sâu hay ôm đồm quá nhiều

Hoàn thành các mục tiêu cải cách hành chính là nhiệm vụ đột phá trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị.
Trong công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cải cách hành chính nhà nước được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong những nội dung quan trọng của một trong ba đột phá chiến lược của Đảng là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, được Đảng, Nhà nước và Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo nhằm củng cố, phát triển nền hành chính nước nhà liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ tốt nhất quyền lợi của nhân dân, thúc đẩy sự phát triển bền vững, thịnh vượng của đất nước.
Cải cách hành chính hiệu quả, là thực hiện học tập và làm theo Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân, về xây dựng, phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân...; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về: Hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân, tận trung với nước, tận hiếu với dân; hết lòng yêu thương đồng bào, đồng chí, yêu thương con người; học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh ứng xử văn hóa, tinh tế, đầy tính nhân văn, thấm đậm tinh thần yêu dân, trọng dân, vì dân; phong cách nói đi đôi với làm, đi vào lòng người…theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII.
Mục đích của hoạt động công vụ được Đảng ta xác định rất rõ là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Trong nhà nước dân chủ nhân dân, hoạt động công vụ là phục vụ nhân dân và những người thi hành công vụ là công bộc - đầy tớ của nhân dân - như Bác Hồ đã dạy, Nhà nước là cơ quan được ủy quyền để thực thi quyền lực nhân dân, để thực hiện và đảm bảo quyền, lợi ích và nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Nhận thức rõ tầm quan trọng đó của công tác cải cách hành chính, trong suốt chặng đường đổi mới vừa qua, nhiều thế hệ lãnh đạo của TP.HCM đã luôn bám sát, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sát sao những định hướng, quan điểm, chủ trương, đường lối, của Trung ương để chủ động triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính; nỗ lực trong điều hành, cải tiến phương pháp làm việc sâu sát lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp và người dân, xóa bỏ dần những rào cản về thủ tục và thái độ gây cản trở, nhũng nhiễu, phiền hà; gắn kết chính quyền với nhân dân, cùng chung tay xây dựng, phát triển TP.
Những nỗ lực không ngừng cải thiện chất lượng, hiệu quả của công tác cải cách hành chính tại TP.HCM đã bước đầu mang lại nhiều kết quả tích cực, khả quan, đột phá thẳng vào những vấn đề cụ thể, thiết thực; không hô hào khẩu hiệu chung chung, nói đi đôi với làm, xây dựng chính quyền vì dân hành động và có sức lan tỏa sâu rộng, tác động mạnh mẽ, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, ổn định chính trị, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ của TP đối với vùng và cả nước.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế khi thực hiện chương trình cải cách hành chính trong thời gian qua, Thành ủy TP.HCM đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X về chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 với năm mục tiêu cụ thể, trên cơ sở đồng bộ với thực hiện các nghị quyết và nguyên tắc của Đảng, hướng tới xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, năng động, chính quyền điện tử phù hợp với đô thị đặc biệt; tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, tận tụy phục vụ nhân dân; phấn đấu Chỉ số Cải cách hành chính (PAR index) của thành phố nằm trong nhóm năm địa phương dẫn đầu của cả nước, xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Cải cách hành chính là một quá trình đầy gian nan, thử thách, phải vượt qua nhiều khó khăn, phức tạp. Trong đó cần có sự kiểm tra, đánh giá thường xuyên; xác định trọng tâm, trọng điểm qua từng thời đoạn; sử dụng các công cụ hữu hiệu để tạo đòn bẩy thúc đẩy; gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; thu hút sự tham gia của các cơ quan truyền thông.

Để đạt được năm mục tiêu đã đề ra, hơn lúc nào hết, cả hệ thống chính trị của TP phải vào cuộc thật quyết liệt hơn nữa. Trong đó cần tập trung tổ chức thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, cấp ủy các cấp, thủ trưởng các sở, ban - ngành, chủ tịch UBND quận - huyện, phường - xã, thị trấn tăng cường năng lực chỉ đạo, quản lý điều hành gắn kết chặt chẽ với tập trung triển khai đồng bồ các nội dung của chương trình cải cách hành chính giai đoạn 206-2020, trước mắt tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện trong năm 2017, đặc biệt quan tâm thực hiện các hoạt động xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, chính quyền điện tử, chính quyền vì dân phục vụ, bảo đảm bộ máy công vụ hoạt động thông suốt, hiệu quả đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân.
Bí thư cấp ủy các cấp, thủ trưởng các sở, ban - ngành, chủ tịch UBND quận, huyện phải là người chịu trách nhiệm chính trong chỉ đạo thống nhất triển khai thực hiện chương trình này trong phạm vi quản lý của mình; đưa nội dung cải cách hành chính là một nội dung quan trọng đánh giá cán bộ công chức, viên chức hằng năm.
Thứ hai, tổ chức thực hiện đồng bộ, hệ thống, hiệu quả các hạng mục nội dung cải cách hành chính, có giải pháp đồng bộ nâng cao các chỉ số về nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và chỉ số cải cách hành chính (PAR index) để nâng cao năng lực quản lý của bộ máy chính quyền.
Về xây dựng chính quyền điện tử, TP tăng cường phối hợp, kết nối với các đơn vị công nghệ thông tin để xây dựng chính quyền điện tử TP một cách hệ thống, chuyên nghiệp và hiệu quả; đảm bảo tất cả thủ tục hành chính được công khai đúng quy định và 100% sở - ngành, quận - huyện, phường - xã, thị trấn phải có hệ thống lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp.
Về xây dựng chính quyền vì dân phục vụ, cần đề cao và có cơ chế kiểm tra, giám sát, đảm bảo tính trách nhiệm, cầu thị của các đơn vị sở ngành, UBND quận, huyện, phường, xã - thị trấn trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp và tăng cường vai trò giám sát của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của hệ thống cơ quan hành chính TP. Tiếp tục tăng cường vai trò giám sát của UBMT Tổ quốc các cấp để ngăn ngừa tiêu cực, nhũng nhiễu, kịp thời biểu dương tính tích cực của cán bộ công chức trong thực thi công vụ.
Thứ ba, cải cách hành chính phải gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại từng cơ quan, địa phương, đơn vị; phát huy sức mạnh tập thể, tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện, giám sát, kiểm tra, đấu tranh với các biểu hiện và hành vi quan liêu, tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hơn nữa sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Trong đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, đẩy mạnh đối thoại và công khai, minh bạch kế hoạch, chương trình, nội dung hoạt động cải cách hành chính nhà nước ở địa phương là việc làm rất cần thiết để thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở. Chỉ khi công khai, minh bạch cho “dân biết” thì mới tạo cơ sở cho việc “dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Chú trọng nghiên cứu, xây dựng cơ chế hợp lý để nhân dân tham gia ý kiến, nhất là các đối tượng chịu sự điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ tư, chủ động và phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho quận - huyện, phường - xã, thị trấn. Phần việc nào của thành phố thì thành phố làm. Phần nào cơ sở có thể quyết thì để cơ sở làm. Không nên can thiệp quá sâu hay ôm đồm quá nhiều rồi làm không xuể khiến trễ nải việc của người dân, doanh nghiệp mà phải tăng cường phân cấp, ủy quyền để tạo ra sự sáng tạo, linh hoạt cho cơ sở. Khuyến khích, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia cung ứng các dịch vụ tốt nhất cho người dân thành phố theo tinh thần Nghị quyết số 05 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Chính quyền TP thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát và động viên, khen thưởng kịp thời những tổ chức, đơn vị làm tốt.
Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của đường dây nóng, chất lượng tiếp xúc và giải quyết bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người dân. Bên cạnh đó, đa dạng các kênh thông tin tiếp nhận ý kiến góp ý phản ánh của người dân, doanh nghiệp; khuyến khích mở rộng kênh lắng nghe, tiếp nhận các thông tin về cải cách hành chính. Khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp TP tham gia vào các hoạt động sáng tạo, đóng góp xây dựng, phát triển TP.
Từ những kinh nghiệm và đúc kết được rút ra từ “Tọa đàm Nâng cao trách nhiệm thực hiện chuẩn mực đạo đức công vụ của cán bộ, công chức viên chức tại TP.HCM” sẽ được tổ chức để quán triệt sâu sắc hơn nữa quyết tâm thực hiện Chỉ thị 05, phải xác định rõ bảo đảm cho công tác cải cách hành chính thật sự là một khâu đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội là trách nhiệm của đồng chí bí thư cấp ủy và người đứng đầu các cơ quan hành chính các cấp; là một nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của các cấp ủy trong lãnh đạo chỉ đạo, của các cơ quan nhà nước, cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng ủng hộ của người dân. Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu cải cách hành chính là hành động thiết thực, là nhiệm vụ đột phá trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng chính quyền thực sự của dân, do dân và vì dân, đáp ứng niềm tin của nhân dân TP và xu thế phát triển của đất nước.
ĐINH LA THĂNG
Ủy viên Bộ Chính trị
Bí thư Thành ủy TPHCM

(*) Tựa do tòa soạn đặt.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy