Không minh bạch, khó chống được tham nhũng!

Ngày 13-6, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) được Quốc hội mang ra thảo luận. Đây là dự luật có thời gian thảo luận dài nhất tại kỳ họp thứ 5 và dự tính đến kỳ họp thứ 6 mới xem xét thông qua.

Nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm được các đại biểu (ĐB) mổ xẻ nhằm mục đích kiểm soát, phòng chống được tham nhũng cũng như bản chất của tham nhũng…

Đề nghị có danh hiệu “dũng sĩ diệt tham nhũng”

Thảo luận về Luật PCTN sửa đổi sáng nay, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Bắc Việt cho hay cử tri và nhân dân rất mừng vì quyết tâm của Đảng trong công tác PCTN, đặc biệt là những chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN và Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Góp ý về tên gọi của luật, ông Việt cho hay cử tri và nhân dân có ý kiến sửa tên luật thành Luật Phòng trừ tham nhũng.

“Tham nhũng cũng như sâu, cỏ đối với cây trồng, đối với sự phát triển. Đối với sâu, cỏ thì phải nói là diệt chứ không nói là chống” - ông Việt lý giải.

Vị ĐB cũng góp ý luật nên quy định rõ vai trò của nhân dân trong công tác PCTN bởi đây là sự nghiệp của toàn dân. Đồng thời quan tâm đến công tác khen thưởng với người có đóng góp trong PCTN.

“Trong chống Mỹ chúng ta có dũng sĩ diệt Mỹ thì trong công tác này phải có danh hiệu dũng sĩ diệt tham nhũng” - ông Việt đề nghị.

Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Nguyễn Lân Hiếu phát biểu. Ảnh: TTXVN

Tham nhũng là một khuyết tật bẩm sinh của quyền lực

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng tham nhũng là một khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, quyền luôn gắn với trách nhiệm. Quy định về trách nhiệm là giải pháp hạn chế khuyết tật nảy sinh từ quyền.

Theo bà, với cách thức tổ chức hệ thống công vụ như hiện nay thì việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng là vấn đề nan giải, dễ dẫn đến chỗ không quy được trách nhiệm cho ai.

Bà đưa ra lý do, đầu tiên là sự thiếu tương ứng giữa trách nhiệm và quyền hạn, không thể đòi hỏi một người đứng đầu phải chịu trách nhiệm những việc mà người đó không có quyền quyết định.

“Thực tế cho thấy không phải người đứng đầu nào cũng có quyền lựa chọn cấp phó của mình và có thể một số nhân sự quan trọng khác cũng vậy” - bà Thúy nói và đặt vấn đề, giả sử người đứng đầu có quyền đề cử cấp phó của mình, chịu trách nhiệm về việc đề cử đó thì trong hai hành vi đề cử và trách nhiệm quyết định đề bạt, hành vi nào chịu trách nhiệm cao hơn?

Theo ĐB, hành vi đề bạt thì người phải chịu trách nhiệm là quan chức cấp trên. “Không hiếm trường hợp nhân sự đề bạt là do ý muốn của cấp trên, quy trình xét duyệt chỉ là hợp thức hóa ý đồ của cấp trên và đây có thể là mảnh đất màu mỡ cho tệ nạn chạy chức, chạy quyền. Nhưng trong nhiều trường hợp áp đặt chế độ trách nhiệm cho người có hành vi đề bạt là hết sức rủi ro” - bà Thúy phân tích.

ĐB Thúy cho rằng trong nhiều trường hợp, có cả một dây trách nhiệm vì thế rất khó chỉ ra người có trách nhiệm thực sự.

Một lý do nữa được ĐB nêu ra là cơ chế tập trung quan liêu chậm được khắc phục. Khi tham nhũng xảy ra, trách nhiệm có thể dính đến các cấp rất cao, mà việc áp đặt trách nhiệm pháp lý cho các quan chức cao cấp là rất khó khăn.

“Khi Quốc hội chất vấn về những bê bối xảy ra ở một bộ phận nào đó thì vị bộ trưởng có liên quan thường trả lời là xin chịu trách nhiệm và các vị ĐBQH có vẻ như hài lòng với câu trả lời này. Nhưng rồi hết năm này qua năm khác vẫn chưa thấy vị bộ trưởng ấy phải chịu trách nhiệm gì cả” - bà Thúy chỉ ra.

Từ những khó khăn trên, theo bà Thúy, việc xác lập chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan để xảy ra tham nhũng cần được giải quyết trong tổng thể của các nỗ lực nhằm cải cách hệ thống hành chính nhà nước nói chung.

Đóng thuế 1-2 triệu đồng lại mua được nhà, xe

Đề cập quy định mới về xử lý tài sản, thu nhập không được giải trình hợp lý về nguồn gốc, ĐB Bế Minh Đức (Cao Bằng) phân tích, công chức có nhiều nguồn thu nhập chứ không chỉ đơn thuần nhận lương, trong đó có những nguồn tuy không bất hợp pháp nhưng họ chưa muốn công khai.

Luật PCTN có nghiêm khắc đến đâu cũng khó xử lý triệt để. Nhiều quốc gia phát triển dù hệ thống pháp luật đồng bộ, hoàn thiện nhưng tham nhũng vẫn tồn tại và xếp hạng thấp, trong khi có những quốc gia không ban hành Luật PCTN nhưng đạt hiệu quả và được xếp hạng cao trên thế giới.

Nguyên nhân chủ yếu của sự thành công là sự công khai, minh bạch trong chính sách đầu tư, chi tiêu công, công tác cán bộ, sự giám sát của nhân dân và công tác giáo dục về PCTN khi còn đang trên ghế nhà trường.

Con người mới là yếu tố quyết định sự thành công.

ĐB MÙA A VẢNG  (Điện Biên) 

Do vậy, việc kê khai không trung thực có thể xếp vào diện trốn thuế và áp thuế suất 45% là phù hợp.

Tuy nhiên, theo ĐB Trịnh Ngọc Thúy (TP.HCM), tài sản của một người có thể phải thực hiện các nghĩa vụ dân sự liên quan, không dễ để buộc chủ sở hữu phải giải trình nguồn gốc.

Bà Thúy lấy ví dụ, người mẹ đơn thân được cho tài sản để nuôi con nhưng phải cam kết không được khai người cho, trường hợp này không thể bắt người mẹ phải giải trình nguồn gốc tài sản được cho.

“Quy định mọi đối tượng sở hữu nếu không giải trình được nguồn gốc tài sản sẽ bị xử phạt hành chính hoặc thu thuế là không hợp lý. Nếu áp đặt sẽ không khả thi, dễ chủ quan, tùy tiện và làm cản trở sự phát triển” - bà Thúy nói.

Giơ biển xin tranh luận, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng hầu hết thu nhập cá nhân của cán bộ, công chức hiện đều từ lương, thưởng, trúng vé số, thừa kế tài sản lớn... Theo quy định thì các khoản thu nhập đó đều phải kê khai thuế thu nhập cá nhân và sắc thuế này được quản lý chặt chẽ, chính xác. “Tại sao chúng ta không yêu cầu thêm điều kiện buộc là những cán bộ, công chức ở vị trí lãnh đạo, thuộc diện liên quan đến quy định của luật phải kê khai và công khai thuế thu nhập cá nhân? Nếu biết con số cụ thể này, các cơ quan chức năng và người dân dễ dàng giám sát, theo dõi. Không lý gì thuế thu nhập cá nhân mỗi năm chỉ đóng một đến 2 triệu đồng nhưng lại mua được nhà, mua được xe” - ông Hiếu nói.

“Nhiều cô gái 19 tuổi nhưng đã có biệt phủ…”

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng thực tế có nhiều cô gái mới chỉ 19 tuổi nhưng đã có những biệt phủ trên khuôn viên vài ngàn mét vuông mà người dân ai cũng biết tài sản đó từ đâu mà có nhưng không làm gì được. Đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi để khắc phục được bất cập này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm