Không hình sự hóa kinh tế, không thanh tra chồng chéo

Ngày 12-1, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng bằng khen cho tập thể Thanh tra Chính phủ. Ảnh: VGP

Số vụ việc chuyển công an điều tra tăng

Báo cáo tại hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho hay: Giai đoạn 2016-2020, trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN), Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo công tác thanh tra rất sát sao. Thông qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, ngành thanh tra đã có những đóng góp nhất định vào kết quả chung của cả nước.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu từ điểm cầu TP.HCM cho hay: UBND TP.HCM thường xuyên quán triệt nguyên tắc mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói rằng: “Chống tham nhũng ngay chính trong cơ quan PCTN”.

Từ thực tiễn triển khai công tác thanh tra của TP.HCM, ông Ngô Minh Châu đặt vấn đề về công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCTN lên đầu. Việc công khai kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, chủ động cung cấp thông tin về những vấn đề nhạy cảm giúp định hướng tốt dư luận và thể hiện sự công khai, minh bạch của Đảng, Nhà nước trong xử lý tham nhũng.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam cho hay: Thời gian qua Đà Nẵng tiến hành giải tỏa, thu hồi đất trên 100.000 hộ dân để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế. Việc này phát sinh nhiều khiếu nại, khiếu kiện và tố cáo. Lãnh đạo Đà Nẵng đã đối thoại, tiếp dân và kịp thời giải quyết đơn thư của dân, tạo sự đồng thuận rất lớn. Chỉ có một trường hợp vẫn khiếu nại đông người và Đà Nẵng sau khi xin ý kiến trung ương đã giải quyết tốt.

Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an Trần Văn Thư cho biết cơ quan này đã tham mưu, đề xuất Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai nhiều biện pháp để phòng ngừa tham nhũng.

Về tổng thể công tác thanh tra trong ngành công an, ông Thư nói: Chất lượng, hiệu quả một số cuộc thanh tra, kiểm tra, nhất là ở cơ sở còn chưa cao. Việc chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, xác minh, giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo của công an đơn vị, địa phương chưa đảm bảo đúng thời hạn.

Tuy vậy, công tác thanh tra trong Bộ Công an đã giúp cấp ủy, thủ trưởng công an các đơn vị, địa phương nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chủ động phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn, kiến nghị xử lý nghiêm minh các hành vi sai phạm, tiêu cực của cán bộ, chiến sĩ công an. Điều này theo ông Thư là đúng với chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong việc xử lý cán bộ công an sai phạm rằng: “Việc xử lý nghiêm cán bộ có sai phạm không làm giảm vị thế, uy tín của lực lượng công an nhân dân mà ngược lại càng khẳng định sức mạnh kỷ luật, kỷ cương, nâng cao uy tín của lực lượng công an nhân dân”…

56% số vụ việc chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý tăng so với nhiệm kỳ trước; số tiền phát hiện vi phạm tăng 134%, số tiền kiến nghị thu hồi tăng trên 83%, tỉ lệ thu hồi về tiền tăng trên 5,7 lần. 

Làm tốt sẽ giữ kỷ cương phép nước

Phát biểu với ngành thanh tra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác của ngành trong năm 2020 và cả nhiệm kỳ. Thủ tướng tính toán: “Thanh tra có trên 40.000 người, có đến 27.000 người là “có sao có vạch”, thuộc công chức ngành. Nếu làm tốt thì rất tốt cho kỷ cương phép nước, bảo vệ quyền lợi của nhân dân và như anh Trạc (ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương - PV) nói với tôi, đây là nguồn quan trọng để chúng ta tiến hành PCTN, xử lý các vấn đề tham nhũng”.

Theo Thủ tướng, tình trạng chồng chéo thanh tra, kiểm tra làm người dân và doanh nghiệp rất khổ. Chỉ thị 20/2017 là một đóng góp quan trọng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, đồng thời đất nước cũng phát triển. “Làm thể chế khó lắm. Lãnh đạo từ trung ương đến địa phương phải tập trung xây dựng thể chế chứ không chỉ lo cho chuyện cháy nhà, chết người, các dự án…”.

Sau khi biểu dương ngành thanh tra và Thanh tra Chính phủ vì đã góp phần PCTN tốt, nhất là ở các vụ việc lớn như AVG, cổ phần hóa cảng Quy Nhơn, Đạm Hà Bắc, dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, dự án Nhiệt điện Thái Bình 2…, Thủ tướng lưu ý đến tình trạng tham nhũng vặt.

“Tham nhũng vặt gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn còn, chưa ngăn chặn được, phải thanh tra đột xuất. Thực ra người dân, doanh nghiệp không phải tiếc quá mấy đồng bạc đâu nhưng mỗi lần vậy họ rất bực mình. Phải làm sao cho minh bạch hơn, không chỉ là lắp camera khắp nơi mà phải xử lý nghiêm. Văn bản hướng dẫn phải nhanh hơn, tính kỷ cương, kỷ luật phải được tăng cường. Các đồng chí ở đây, có sao có vạch… có đồng chí nào soi chân người mà chân mình còn lấm lem không?” - Thủ tướng nói.

Đối với năm 2021, Thủ tướng nhận định: Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu người dân, thất thoát còn… “Của cải, vật chất, vốn, các chương trình, dự án… đều nằm ở địa phương hết, lớn lắm. Chúng ta phải “soi” hơn nữa các vấn đề này để công việc tiến nhanh. Không hình sự hóa kinh tế, không thanh tra chồng chéo để tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt…” - Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra tiếp tục cụ thể hóa Luật PCTN. Đồng thời có biện pháp ngăn chặn tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thanh tra với công dân như cách làm của Văn phòng Chính phủ khi sử dụng cổng dịch vụ công. “Bớt gặp nhau đi được không?” - Thủ tướng gợi ý.

Thủ tướng yêu cầu ngành thanh tra tập trung làm tốt những nhiệm vụ đã đề ra, những nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm