Không được làm trưởng đoàn thanh tra nếu vợ, con có lợi ích

Thanh tra Chính phủ đang lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định về tổ chức và hoạt động của đoàn thanh tra. Dự thảo có nhiều nội dung đáng chú ý liên quan đến tiêu chuẩn cũng như biện pháp xử lý vi phạm của trưởng đoàn, thành viên đoàn thanh tra.

Thanh tra Chính phủ đang lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định về tổ chức và hoạt động của đoàn thanh tra. Ảnh minh họa

Trưởng đoàn phải liêm khiết, trung thực

Theo Thanh tra Chính phủ, trưởng đoàn thanh tra phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan; am hiểu về nghiệp vụ thanh tra; có khả năng phân tích, đánh giá, tổng hợp những vấn đề liên quan đến nội dung, lĩnh vực được thanh tra thuộc phạm vi quản lý của ngành, địa phương.

Đối với đoàn thanh tra do Tổng Thanh tra Chính phủ thành lập thì người được dự kiến làm trưởng đoàn phải là thanh tra viên cao cấp hoặc từ trưởng phòng trở lên.

Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh các trường hợp không được bố trí làm trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra. Điển hình như có cổ phần, góp vốn, tham gia hoạt động kinh doanh tại doanh nghiệp là đối tượng thanh tra hoặc có lợi ích kinh tế liên quan đến cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra.

Không được bố trí làm thành viên đoàn thanh tra khi vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, người phụ trách công tác tổ chức nhân sự, kế toán, thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra.

Người có vợ hoặc chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột là người có quyền, lợi ích trực tiếp liên quan đến cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra… cũng không được bố trí làm thành viên đoàn thanh tra.

Riêng trưởng đoàn thanh tra còn phải loại trừ thêm những trường hợp có nguyên quán hoặc có vợ, chồng có nguyên quán tại nơi có thanh tra trực tiếp.

Cách chức nếu bao che vi phạm

Dự thảo cũng quy định rất cụ thể các mức xử lý đối với trưởng đoàn, thành viên đoàn thanh tra nếu có vi phạm trong quá trình thực hiện thanh tra.

Trong đó, trưởng đoàn, thành viên đoàn thanh tra phải bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách khi không thực hiện đúng, không hoàn thành nhiệm vụ được phân công.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, trưởng đoàn, thành viên đoàn thanh tra phải bị cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có các hành vi sau:

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra; thanh tra vượt quá thẩm quyền, phạm vi, nội dung trong quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra.

Hay như làm sai lệch hồ sơ thanh tra, giả mạo, sửa chữa, tiêu hủy tài liệu, chứng cứ nhằm kết luận, báo cáo sai sự thật; bao che cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật;

Hoặc nhận hối lộ, môi giới hối lộ; cố ý không phát hiện hoặc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật nhưng kết luận, báo cáo người ra quyết định thanh tra với mức độ nhẹ hơn so với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm