Không đưa chỉ tiêu 'trồng 1 tỉ cây' vào Nghị quyết chất vấn

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Trước khi Quốc hội thông qua Nghị quyết, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết này.

Quốc hội quyết định không đưa chỉ tiêu 'trồng 1 tỉ cây' vào Nghị quyết chất vấn.

Theo đó, ngày 13-11, Ủy ban (UB) Thường vụ Quốc hội đã xin ý kiến các ĐBQH về dự thảo nghị quyết. Có 390 văn bản ý kiến của ĐBQH, trong đó 319 văn bản đồng ý hoàn toàn với dự thảo Nghị quyết, 71 văn bản có ý kiến góp ý cụ thể.

Đáng chú ý, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung về trồng 1 tỉ cây đến năm 2025. UB Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Quốc hội đã xem xét và quyết định tỉ lệ che phủ rừng tại các nghị quyết về kinh tế - xã hội hằng năm và năm năm. Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ chủ động xây dựng các chương trình, dự án cụ thể để tổ chức thực hiện, do đó, xin không đưa chỉ tiêu cụ thể này vào trong dự thảo Nghị quyết.

Dự thảo Nghị quyết do Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang nêu 15 yêu cầu đối với Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao. Trong đó đáng chú ý có các yêu cầu sau:

- Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, trình Quốc hội ban hành các luật để tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp, tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

- Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch cấp quốc gia khác, quy hoạch vùng, phê duyệt quy hoạch tỉnh. Công khai, minh bạch thông tin về quy hoạch.

- Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

- Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi.

- Thực hiện hiệu quả các giải pháp điều hành giá điện, bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường.

- Sớm hoàn thành rà soát, sửa đổi Bộ tiêu chí nông thôn mới. Xây dựng các phương án ứng phó với hạn hán, ngập mặn, bão lũ, gây sạt lở đất, bờ sông, bờ biển; nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tổng thể về sắp xếp, di dời, bố trí lại dân cư tại vùng có nguy cơ hoặc chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai.

- Quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên; có giải pháp nâng cao chất lượng rừng trồng, nhất là các khu vực trọng yếu; xử lý nghiêm hành vi khai thác rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép, các sai phạm trong chuyển mục đích sử dụng rừng.

- Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh. Khẩn trương kiểm tra việc chuyển đổi đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; tiến hành thanh tra và báo cáo Quốc hội kết quả việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hoá sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011 - 2017.

- Đẩy mạnh đầu tư, xã hội hóa giáo dục - đào tạo; tăng cường kiểm soát chất lượng, hiệu quả biên soạn, thẩm định sách giáo khoa; bảo đảm điều kiện về đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Thực hiện các giải pháp về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, góp phần khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức xã hội.

- Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về báo chí, hoàn thành sắp xếp các cơ quan báo chí theo quy hoạch. Xử lý triệt để tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, tạp chí điện tử, mạng xã hội.

- Tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 56/2017 của Quốc hội. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở; tiêu chuẩn, điều kiện về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong tuyển dụng, thi, xét nâng ngạch, thăng hạng viên chức, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại. Tăng cường phát hiện, xử lý tham nhũng; tập trung thanh tra những lĩnh vực trọng điểm, nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, được dư luận xã hội quan tâm.

- Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 96/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của VKSND, của TAND và công tác thi hành án.

- Trong năm 2021, giải quyết dứt điểm số tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố quá hạn còn tồn đọng; Khẩn trương giải quyết các vụ, việc yêu cầu bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước...

- Có giải pháp bảo vệ người tố cáo, phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về các hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

- Tăng cường các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự khu vực nông thôn, biên giới, hải đảo.

Với 460 ĐB có mặt tán thành, chiếm 95,44% tổng số ĐBQH, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết này.

Trong phiên giải trình và trả lời chất vấn ngày 10-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu:

“Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tôi đã yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên và chúng ta cần tiếp tục nhất quán với quan điểm đó. Độ che phủ rừng hiện nay của chúng ta đã tăng trở lại, song so với nhiều nước thì vẫn còn thấp.

Do đó, chúng ta phải tiếp tục trồng cây gây rừng, làm cho Tết trồng cây trở thành một hoạt động thực chất hơn nữa theo lời dạy của Bác Hồ. Hướng đến lời dạy đó, tôi đề xuất sáng kiến trồng 1 tỉ cây xanh trong năm năm tới, trong đó có các khu đô thị”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm