Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân:

Không để thất thoát tiền nhà nước do dân đóng góp

Chiều 28-11, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu QH đơn vị TP Cần Thơ đã có buổi tiếp xúc cử tri tại thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) sau kỳ họp thứ 8, QH khóa XIV

Trị nghiêm vi phạm xây dựng

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri nêu ý kiến về các vấn đề xử lý nước thải, các dự án đầu tư công, biến đổi khí hậu... “Thời gian gần đây nhiều công trình giao thông lớn, có giá trị ngàn tỉ, tuy nhiên khi mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp hư hỏng nặng, cụ thể như tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn tránh Chê Sư (Gia Lai)... Cử tri chúng tôi vô cùng lo lắng về vấn nạn này. Vậy cử tri xin hỏi Chủ tịch QH và Chính phủ nguyên nhân do đâu, QH và Chính phủ đã có biện pháp gì để ngăn chặn, xử lý và khắc phục vấn nạn này” - cử tri Võ Văn Chính bày tỏ.

Trả lời cử tri, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết vấn đề chậm tiến độ giải ngân đầu tư công nói chung, trong đó có giao thông, là một trong những tồn tại yếu kém mà trong các kỳ họp QH đều được các đại biểu mổ xẻ. Chủ tịch QH cho biết có nhiều nguyên nhân khiến nhiều công trình bị chậm như giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư chưa thu xếp được nguồn vốn... “Tuy nhiên, các công trình lớn đã được giải ngân vốn rồi mà làm chậm hay chất lượng kém là vi phạm về chính sách pháp luật về xây dựng. Tôi đơn cử như công trình cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng mới bàn giao sử dụng đã bị lún, nứt, hư hỏng thì vừa rồi đã khởi tố, bắt giam ban quản lý dự án này rồi. Sắp tới, những trường hợp chất lượng công trình không đảm bảo sử dụng hay vi phạm bất cứ chính sách pháp luật nào trong việc thực hiện các dự án đầu tư công đều bị xử lý nghiêm. Vấn đề hiện tại là giải quyết giải ngân đầu tư công đúng tiến độ, quản lý đầu tư đúng pháp luật, không để thất thoát tiền nhà nước do nhân dân đóng góp vào và đảm bảo công trình đúng thiết kế được phê duyệt” -  Chủ tịch QH nhấn mạnh. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao đổi với cử tri Cần Thơ  và trả lời các câu hỏi do cử tri nêu ra. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Chuyển chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai về huyện

Cử tri Trần Hoàng Phong có ý kiến cho rằng mô hình văn phòng đăng ký đất đai và tổ chức phát triển quỹ đất hiện nay không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho người dân. “Thực hiện Luật Đất đai năm 2013, sắp xếp tổ chức phát triển quỹ đất ở cấp huyện và chi nhánh văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất từ cấp huyện trực thuộc UBND huyện về Sở TN&MT. Tuy nhiên, qua thực hiện mô hình hoạt động này không có hiệu quả do hiện nay Nhà nước đã chuyển tổ chức phát triển quỹ đất về huyện, còn hoạt động của chi nhánh văn phòng đất đai hiện nay vẫn còn thuộc sở. Do vậy, có nhiều phát sinh bất cập không phù hợp thực tế trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, phải mang đi mang về hồ sơ từ huyện lên sở. Việc này vừa mất thời gian, tính an toàn khi vận chuyển hồ sơ không đảm bảo. mặt khác UBND huyện không quản lý được hoạt động của chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai. Những yếu tố này làm cho việc giải quyết hồ sơ chưa kịp thời cho người dân. Do đó cử tri kiến nghị QH, Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Bộ TN&MT chuyển chi nhánh văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất về lại cấp huyện quản lý để giải quyết kịp thời cho người dân, giúp UBND cấp huyện quản lý tốt hơn về đất đai” - cử tri Phong kiến nghị.

Tiếp nhận ý kiến cử tri Phong, Chủ tịch QH nói: “Phải nghiên cứu xem đặt ở đâu thuận tiện người dân chứ không thể nay đặt ở huyện mai rút lên TP, rút lên hai đưa về một. Hiện TP Cần Thơ đang như thế này, nó xáo trộn không cần thiết. Lắng nghe ý kiến bà con, QH tiếp thu ý kiến của cử tri và sẽ yêu cầu bộ trưởng Bộ TN&MT kiểm tra lại tình hình và giải quyết cụ thể”.

Đã có kịch bản chống sụt lún, không để ĐBSCL bị biến mất

Đối với lo lắng của cử tri trước dự báo ĐBSCL bị nhấn chìm vào 80 năm tới, Chủ tịch QH cho rằng cử tri lo lắng đúng. Theo bà, đó là dự báo của các nhà khoa học nhưng không phải chúng ta ngồi yên chờ nó diễn ra mà QH, Chính phủ đã có nhiều kịch bản mang tầm quốc gia do Bộ TN&MT chủ trì để ứng phó với biến đổi khí hậu, không để ĐBSCL phải biến mất, đảm bảo đời sống của 21 triệu dân nơi đây. 

“Bên cạnh biến đổi khí hậu thì bàn tay của con người cũng khiến ĐBSCL bị sụt lún nhanh như khai thác nước ngầm quá mức, các đập thủy điện ở thượng nguồn... khiến quá trình diễn ra nhanh hơn dự báo và dĩ nhiên tình trạng này được các chuyên gia cập nhật vào các kịch bản để giải quyết. ĐBSCL khai thác nước ngầm quá nhiều nên sụt lún nặng như ở quốc lộ 91. Cần Thơ cũng nằm trong diện sụt lún, dấu hiệu rõ nhất là đợt triều cường vừa qua, chưa bao giờ Cần Thơ ngập nặng như vậy” - Chủ tịch QH nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm