Không để nhà tạm giữ ở quận, huyện “phình” to

Theo ông Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP), thời gian qua, ủy ban đã tổ chức các đoàn giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương và địa phương, tổ chức các phiên giải trình, giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, giám sát văn bản quy phạm pháp luật... Qua đó, đã kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế của các cơ quan chịu sự giám sát để kịp thời kiến nghị, yêu cầu khắc phục.

Trong đó nổi bật lên là hoạt động giám sát của Quốc hội về: "Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”. “Qua giám sát, UBTP đã giúp Quốc hội làm rõ trách nhiệm của các cơ quan tư pháp trong việc chấp hành pháp luật khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình để tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động. Kịp thời kiến nghị các cơ quan điều tra, VKSND, TAND các cấp khẩn trương giải quyết các trường hợp có dấu hiệu oan và bồi thường cho người bị oan, nghiêm túc chấp hành pháp luật trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, bảo đảm đúng người, đúng tội. Không làm oan người vô tội do hình sự hóa các quan hệ hành chính, dân sự, kinh tế hoặc bỏ lọt người phạm tội. Giảm thiểu các trường hợp bắt, tạm giữ hình sự sau đó chuyển sang xử lý hành chính. Chấn chỉnh việc lạm dụng Điều 125 BLHS và Điều 107 BLHS để đình chỉ điều tra, dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội” - ông Quyền nói.

“Tại phiên giải trình về: “Việc chấp hành pháp luật trong công tác thu thập, đánh giá chứng cứ, chống bức cung, nhục hình”, UBTP đã làm rõ được những hạn chế, thiếu sót trong công tác thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, chống bức cung, nhục hình và việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm. Kiến nghị các cơ quan tư pháp khắc phục tình trạng làm oan người vô tội, ngăn chặn kịp thời các hiện tượng tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ” - ông Quyền thông tin thêm.

Ủy ban Tư pháp Quốc hội tổng kết nhiệm kỳ XIII.

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng trong cơ cấu thành viên UBTP hiện rất khó để “tuyển” thành viên do đây là mảng khó. Do đó, phần lớn các đại biểu Quốc hội chọn vào các ủy ban như tài chính ngân sách, đối ngoại, văn hóa - giáo dục - thanh thiếu niên... Còn lại ít người chọn vào UBTP vì đây là ban thường xuyên đụng chạm, mất lòng nhiều người.

“Các thành viên UBTP thì đòi hỏi phải có trình độ, kinh nghiệm trong hoạt động tư pháp như điều tra, truy tố, xét xử... Tuy nhiên, cũng cần một số ít đại biểu ở ngoài ngành để có cái nhìn toàn diện hơn và cân đối hơn” - một đại biểu cho biết. Cũng theo vị này, đối với thành viên kiêm nhiệm của ủy ban, do đại biểu đang ở trong tình trạng là “người của ngành” nên cũng gây nên nhiều khó khăn cho bản thân họ và ủy ban. Việc lựa chọn đại biểu Quốc hội không phải để lên phát biểu theo kiểu “cả nhà cùng vui được”. Nếu vui hết thì dân không hài lòng được.

Bà Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên Ủy ban KHCN&MT Quốc hội, cho rằng lần đầu tiên những hoạt động giám sát của UBTP được người dân hài lòng như vấn đề oan, sai và chống bức cung, nhục hình. Những cuộc giám sát như thế sẽ góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền, đưa lại lòng tin cho nhân dân. Tuy nhiên, bà Khánh cũng nêu lên tình trạng văn bản chồng chéo, mâu thuẫn nhau gây khó cho người dân, doanh nghiệp và kể cả cơ quan quản lý. Theo bà thì “có cả một biển trời quy định, văn bản chồng chéo, mâu thuẫn nhau”. Cụ thể như vụ xây dựng resort trái phép ở Ba Vì. Ban đầu cứ tưởng chỉ có doanh nghiệp mắc lỗi nhưng sau đó mới biết có cả cơ quan quản lý. Họ đã tám năm đề xuất nhưng gửi đến các cơ quan chức năng không ai trả lời rồi quyết định làm liều mới sai. “Do cái tính cứ nhận đề xuất, bôi trơn rồi để đó. Không thể cứ để xảy ra tình trạng nói không đi đôi với làm” - bà Khánh nói.

Ông Chung kiến nghị không nên cho nhà tạm giữ quận/huyện "phình" to. Ảnh: TT

Ông Nguyễn Đức Chung (Chủ tịch UBND TP Hà Nội) cho hay hiện hệ thống chính quyền có một điểm rất yếu đó là giải quyết các đơn thư khiếu nại, khiếu kiện của người dân. Trong đó, khó nhất là khiếu nại về đất đai và các quyết định hành chính của UBND quận/huyện. Vấn đề này đang rất nhức nhối nên nhiệm kỳ tới UBTP xem xét giám sát vấn đề này để giúp chính quyền quản lý tốt hơn. Về chế độ tạm giam, tạm giữ, ông Chung cho biết đang có xu hướng các quận/huyện muốn xây dựng nhà tạm giữ to hơn, nhiều phòng ốc để giữ nhiều đối tượng. Tuy nhiên, vấn đề này liên quan đến chế độ của người bị tạm giam, tạm giữ như ăn uống, an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý... rồi đội ngũ hỗ trợ bảo vệ tư pháp, rất phức tạp. Nên chăng chỉ cho xây nhà tạm giữ ở các vùng sâu, vùng xa vì đi lại khó khăn, còn tại các quận, huyện trung tâm thì không nên cho "phình" to.

Phát biểu thảo luận, ông Huỳnh Nghĩa - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng cho hay vừa rồi đi tiếp xúc cử tri, nhiều người phân vân việc chống tham nhũng và lãng phí chưa quyết liệt. Theo đó, nhiều vụ tham nhũng gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng nhưng thu hồi lại rất ít. Điều này khiến người dân mất lòng tin. UBTP nên giám sát nhiều hơn, truy vấn đề mạnh hơn để chống lãng phí chứ vấn đề này dân kêu dữ lắm. Về vấn đề giải quyết đơn thư khiếu nại, người dân bên dưới kêu không được nên phải gửi lên nhờ UBTP xem xét nhưng ủy ban lại chuyển đơn cho viện, cho chánh án. Rồi sự việc lại đi xuống dưới, không ai trả lời cho dân cả. Do đó, ông Nghĩa cho rằng có những vụ việc UBTP nên đứng ra giải quyết, làm “trọng tài” chứ không nên chuyển trả.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm