Không để “chìm xuồng” vụ 60 quyết định bổ nhiệm

Bổ nhiệm thêm dù không thiếu cán bộ

Theo một vài lời giải thích xung quanh vụ việc ông Trần Văn Truyền đã ký bổ nhiệm “dồn dập” đến gần 60 cán bộ vào các vị trí qua trọng  thì lý do là để “chuẩn bị nguồn nhân lực cho việc thành lập các cục mới”. Tuy nhiên, thực tế ở thời điểm bổ nhiệm, đội ngũ cán bộ không những không thiếu mà còn có nơi…dư.

Theo điều 15, NĐ 178/2007, số lượng cấp phó của các tổ chức thuộc bộ không quá ba người. Tuy nhiên, khi ông Truyền bổ nhiệm hàng loạt hàm vụ trưởng, vụ phó và tương đương, hầu hết các cục, vụ của TTCP đều có số lãnh đạo ở vị trí này nhiều hơn quy định.

Cụ thể, riêng Văn phòng TTCP có 6 cấp phó, Vụ TT khối kinh tế ngành có 5 phó vụ trưởng và một cán bộ hàm phó vụ trưởng, Vụ TT khối văn hóa xã hội có 5 phó vụ trưởng, Vụ TT khối nội chính và kinh tế tổng hợp có đến 4 phó vụ trưởng, Cục Giải quyết khiếu nại tố cáo và thanh tra khu vực I có 7 phó cục trưởng, Cục Giải quyết khiếu nại tố cáo và thanh tra khu vực II và III, Cục Chống tham nhũng mỗi cục có đến 6 phó cục trưởng...

Ông Vũ Phạm Quyết Thắng, nguyên phó tổng Thanh tra Chính phủ - TTCP, cho rằng việc bổ nhiệm “ồ ạt” vào phút thứ 89 như vậy không thể nói là trách nhiệm với thế hệ sau.

Nếu “vin” vào quan điểm đặc cách cho một số trường hợp đặc biệt vì có uy tín cao và có nhu cầu sử dụng thì việc xác minh uy tín của người đó đã thực sự xác đáng hay chưa? “Chúng ta chỉ có thể kiểm chứng được người hiền tài qua thực tiễn, qua sự đánh giá khách quan của xã hội. Cho nên phải có dân chủ thật sự từ cơ sở”, ông Thắng nhận định.

Dân chủ từ cơ sở có thể được hiểu là những hình thức đánh giá cán bộ như bỏ phiếu tín nhiệm phải thực sự minh bạch, công khai, không thể chỉ là một hành động hình thức.

Phải quyết liệt khi sự việc còn nóng

Đó là ý kiến của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Tư lệnh Quân khu IV, ông nói: “Để giải quyết minh bạch vấn đề này, lúc tình hình còn nóng, các cơ quan này cần phải làm nhanh, nếu có sai phạm phải thông tin rõ cho nhân dân; nếu không các cá nhân liên quan cũng cần sớm được thanh minh”. Việc vào cuộc xác minh phải do cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương, Bộ Nội vụ và đặc biệt là TTCP.

Đồng quan điểm, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra trung ương, cũng cho rằng trước các luồng dư luận mạnh mẽ hiện nay của báo chí, TTCP cần xem xét kỹ lưỡng những phản ánh này; đồng thời Bộ Nội vụ cũng không thể đứng ngoài cuộc. “Chúng ta đã nói nhiều đến tính công khai, minh bạch là điều không thể thiếu trong đời sống xã hội, cùng với đó là trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý nhà nước”, ông Hùng nói.

Ông Hùng cho rằng trong tình hình dư luận đang đòi hỏi đánh giá lại chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức thì Đảng và Nhà nước cũng đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức. Một trong những công cụ để hạn chế tiêu cực trong công tác cán bộ chính là việc thi tuyển công chức và việc thi tuyển này phải thực sự công tâm, khách quan.

Qua những thông tin nghi vấn, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan trung ương gần đây, bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên phát biểu: “Câu chuyện này không dừng lại ở đây, mà qua đó, các cán bộ soi vào để thấy người dân luôn đặt niềm tin vào cán bộ dù còn công tác hay đã nghỉ hưu để ứng xử cho phù hợp”.

PV tổng hợp (Theo Tuổi Trẻ, VTC)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm