'Không có vũ khí thì chỉ thanh tra giấy thôi'

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM bên hành lang Quốc hội chiều 5-6, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã nói về mô hình mới trong quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) tại TP.HCM.

“Mô hình này mới bắt đầu từ tháng 3-2017. Dù là mô hình mới, thí điểm thì vẫn phải tuân thủ những thủ tục pháp luật quy định trong việc thành lập một cơ quan mới và những thủ tục này vẫn đang hoàn thiện”, bà Lan chia sẻ.

“Không làm gì là chết”

.Phóng viên: Thưa bà, vậy Ban vẫn đang hoạt động tốt chứ?

+ Bà Phạm Khánh Phong Lan: Không phải vì còn đang tiến hành những công việc cuối cùng mà Ban không làm gì cả. Nếu thế thì chết. Bởi tình hình an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố vẫn rất phức tạp.

Bà Phạm Khánh Phong Lan: "Thực phẩm đắt tiền chưa chắc đã an toàn. Nhưng thực phẩm rẻ tiền thì chắc chắn không an toàn. Ảnh: QH

Khi Ban Quản lý ATTP ra đời, các ban ngành liên quan khác rất vui vì có người đã nhận công việc khó khăn này. UBND thành phố rất quan tâm về vấn đề này và đã giao những nhiệm vụ cụ thể cho Ban Quản lý  ATTP. Nhân sự của Ban cũng đang hừng hực khí thế.

.Vậy theo bà, mô hình Ban Quản lý  ATTP của TP.HCM sẽ có những “tác dụng” gì?

+ Trước hết là tiết kiệm thời gian, thủ tục cho DN. Theo mô hình này, thay vì doanh nghiệp phải mất tới 7 ngày làm thủ tục, thì giờ chỉ còn ba ngày.

Khi Ban được thành lập, thì công tác thanh tra ATTP sẽ thu về một đầu mối. Trước đây, mỗi quận huyện chỉ vài chục thanh tra thì không đủ. Nhưng với 468 biên chế của Ban Quản lý  ATTP, có tới ¾ nhân sự chỉ tập trung cho công tác thanh tra, kiểm tra phụ trách và chịu trách nhiệm từng địa bàn, nhất là với những địa bàn nóng như ba chợ đầu mối.

Chúng ta có một lực lượng thường trực thanh tra, kiểm tra, phối hợp với địa phương theo kế hoạch từng tuần, từng tháng, từng năm chứ không cần đợi kiểm tra liên ngành.

Đừng chỉ thanh tra… giấy tờ

.Như vậy có thể nói Ban Quản lý ATTP chủ yếu là đi thanh tra?

+ Công tác kiểm tra là nhiệm vụ chính nhưng cần phải có “vũ khí”. Không có “vũ khí” như trang thiết bị kiểm tra nhanh thì làm sao biết thực phẩm đạt hay không. Không có “công cụ” tức không có chế tài thì làm sao có sức răn đe?

Chúng tôi đang đề xuất UBND thành phố trang bị những “vũ khí". Bởi lẽ nếu không có “vũ khí” thì thanh tra chỉ là… “thanh tra giấy” thôi. Tức là thanh tra chỉ xem xem có đầy đủ giấy tờ hay không. Mà giấy tờ chỉ phản ánh được một phần, cái quan trọng là phải coi xem cái gì sau kiểm tra.

Nhưng thực ra đây đang là giai đoạn tập hợp lực lượng, tập huấn cho lực lượng thanh tra để tới đây khi có cơ chế sẽ làm tốt hơn.

.Vậy từ khi thành lập tới nay, Ban Quản lý ATTP đã làm được những gì, thưa bà?

+ UBND TP.HCM đã đề ra những chỉ tiêu hết sức cụ thể cho công tác của Ban.

Thí dụ từ giờ tới cuối năm 2017 phải làm sao để 100% thực phẩm vào các chợ đầu mối phải có nguồn gốc và an toàn. Mà chuyện này thì cuối năm mới đánh giá được.

Hay thí dụ như xử lý ngộ độc. Phải nói tuy đây là giai đoạn chuyển giao quyền lực, nhưng dịp lễ 30-4 vừa qua thành phố có nhiều sự kiện nhưng vấn đề ATTP đều nằm trong tầm kiểm soát của đội quản lý nguy cơ và ngộ độc của thành phố. Hay vấn để xử lý thủ tục hành chính đã giảm từ 7 ngày xuống còn 3 ngày. Tất cả sẽ có tổng kết sau.

Trước mắt chúng tôi xác định phải cố gắng làm hết sức mình. Bởi nếu trong lòng mình đã muốn làm rồi thì sẽ có cách xoay sở làm được hết.

Không nên ảo tưởng

.Dù là một mô hình mới và ban đầu còn nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng như bà nói, thì Ban Quản lý ATTP có vẻ đã bắt đầu thành công?

+ Ai cũng mong mô hình này thành công, nhưng đừng ảo tưởng và khoác cho mô hình này những quyền lực ghê gớm. Chúng tôi chỉ nghĩ rằng: một trong những khó khăn của đất nước mình là sự phối hợp.

Sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan, chưa nói tới cấp Bộ mà ngay cả các phòng trong cùng một Sở đã khác. Nên cơ chế Ban Quản lý ATTP sẽ khắc phục được các hạn chế này.

Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải kiểm tra thường xuyên để doanh nghiệp, người dân biết hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình đang có đơn vị giám sát.

.Vậy  trước mắt Ban Quản lý ATTP đang tập trung vào vấn đề gì?

+ Chúng tôi tập trung kiểm tra rất gay gắt, nhất là bữa ăn tập thể vì nguy cơ ở đó rất lớn. Khi thực phẩm đến với người thu nhập thấp, đến với công nhân, đến với bữa cơm là giá thấp lắm vì phải qua nhiều khâu trung gian. Giá bữa cơm công nhân hiện rất rẻ.

Một bữa ăn tập thể của công nhân tại KCX Tân Thuận. Ảnh: TTXVN

Có thể chủ doanh nghiệp cung cấp cho công nhân suất ăn 20.000 đồng/suất nhưng giá trị thật của suất ăn đó có khi chỉ 10.000-20.000 đồng vì còn qua bao khâu dịch vụ, trung gian. Không phải ông chủ doanh nghiệp cứ quăng tiền ra là xong mà phải có trách nhiệm với bữa ăn của công nhân, có cơ chế giám sát, bảo vệ người lao động.

Tôi cho rằng thực phẩm đắt tiền chưa chắc đã an toàn nhưng thực phẩm rẻ tiền, theo tôi chắc chắn không an toàn.

.Theo bà, nếu cứ đà này, mô hình Ban Quản lý ATTP sẽ hiệu quả. Bà có nghĩ là mô hình này có thể nhân rộng cho các địa phương cả nước không?

+ Ban này có thể thích hợp cho TP.HCM, và nếu vậy thì có thể thích hợp cho một số tỉnh thành tương tự. Chẳng hạn như Hà Nội.

Bởi TP.HCM chủ yếu là tiêu thụ sản phẩm của các địa phương đem đến. Trong khi đối với các tỉnh thì chủ yếu thực phẩm là “tự cung tự cấp”. Nếu các tỉnh lấy ngay đội ngũ nông nghiệp ở đó thì tiện hơn, nhanh hơn.

Tuy vậy, điều tôi mong ước là tập hợp lực lượng Quản lý ATTP ở cấp quốc gia để thống nhất đầu mối, tránh chồng chéo nhau giữa các bộ, ngành như đã thấy, cũng như tránh những báo cáo đẹp.

.Cảm ơn bà.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm