Không có việc bảo kê cho Trịnh Xuân Thanh chạy trốn

Không nghĩ ông Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn

Tại cuộc họp báo, báo Nông Thôn Ngày Nay đặt câu hỏi: “Vừa qua cơ quan công an đã tiến hành khởi tố bị can ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Xây lắp Dầu khí, tuy nhiên ông Thanh đã bỏ trốn, hiện chưa tìm được. Dư luận đặt câu hỏi có hay không sự tiếp tay ông này bỏ trốn, trách nhiệm Bộ Công an thế nào để ông này bỏ trốn, không ở trong nước khi khởi tố vụ án”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Trả lời câu hỏi trên, bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định: Đây là vụ việc dư luận nhân dân, cán bộ cả nước quan tâm. Đây là sự quyết tâm rất lớn của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sự quyết tâm cao, quyết tâm chính trị lớn của cả hệ thống chính trị Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Sự vào cuộc này là vào cuộc của cả hệ thống. Việc chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra và làm rõ các vi phạm của Trịnh Xuân Thanh để báo cáo trước các cơ quan có thẩm quyền đang được xem xét.

Việc chạy trốn của Trịnh Xuân Thanh đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ. Hiện Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, phát lệnh truy nã toàn quốc. Như vậy có thể khẳng định rằng các cơ quan chức năng, người có thẩm quyền không có hiện tượng bao che, dung túng, che đậy tội phạm cho Trịnh Xuân Thanh, bảo kê cho Trịnh Xuân Thanh chạy trốn.

Petrotime nhiều lần vi phạm Luật Báo chí

Tại cuộc họp báo, các phóng viên cũng đặt câu hỏi liên quan đến vụ việc Tổng Biên tập Petrotimes Nguyễn Như Phong bị tước thẻ nhà báo, tờ Petrotimes bị đình bản ba tháng.

VTV đặt câu hỏi:  “Nguyên nhân việc này do ông Phong đăng lại bài báo tiếng Việt nước ngoài về Trịnh Xuân Thanh? Bộ Trưởng có quan điểm gì về dư luận trái chiều về quyết định xử phạt của Bộ?”

Quang cảnh phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4-10
Quang cảnh phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4-10.

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho hay: “Việc Petrotime dẫn lại bài phỏng vấn Trịnh Xuân Thanh từ trang mạng nước ngoài chỉ là một trong những lý do dẫn đến quyết định của Bộ. Có nghĩa là còn nhiều lý do khác.

Thứ nhất, ông Bùi Thanh Hiếu là đối tượng chuyên gây rối an ninh trật tự, đã bị chính quyền xử lý vào năm 2009 và hiện giờ ông này sống ở nước ngoài. Ông này có hoạt động tuyên truyền sai sự thật, nhằm chống Nhà nước, bôi nhọ nhiều tổ chức và cá nhân. Việc đăng lại phỏng vấn của người này trên một tờ báo của hội dầu khí không những làm trái tôn chỉ, mục đích của tờ báo mà vô hình trung còn gián tiếp tiếp tay cho hoạt động chống phá Nhà nước của ông này.

Mặt khác, ông Trịnh Xuân Thanh hiện đang bị truy nã. Bài phỏng vấn của tờ báo này đã đưa ra những thông tin bị cắt xén, không có căn cứ, đưa ra những nhận định suy diễn, sai lệch. Việc Petrotimes cho đăng lại bài báo đó, đã lôi kéo người đọc vào đọc bài viết này và nhiều bài viết khác liên quan. Với tư cách là cơ quan ngôn luận của Hội Dầu khí thì việc cho đăng tải bài báo trên khiến dư luận hiểu sai về vụ án, gây nhiễu loạn thông tin, cản trở cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, gây hoang mang dư luận và gây bất lợi cho các cơ quan bảo vệ pháp luật”.

Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn

Ngoài ra theo ông Tuấn, phía Petrotimes còn có nhiều bài báo sai tôn chỉ mục đích hoạt động, đăng nhiều thông tin không kiểm chứng, sai sự thật, xúc phạm danh dự cá nhân, tổ chức. Các vi phạm này đều nhiều lần, từng bị xử lý, nhắc nhở nhưng vẫn tiếp tục tái phạm như có nhiều bài viết đòi lật lại vụ án Năm Cam; bài viết ông nghị sĩ Đặng Thành Tâm ôm 600 tỉ đi đâu?; rồi loạt bài khen ngợi Dương Tự Trọng em trai  Dương Chí Dũng trong vụ án Vinaline; rồi loạt bài Trung Quốc bí mật thu ghép, cấy nội tạng lấy thông tin từ nhiều nguồn không kiểm chứng…

Theo ông Tuấn, những bài viết trên đều bị xử phạt vi phạm hành chính, nhắc nhở nhưng phía tờ báo này vẫn tiếp tục vi phạm. Với tư cách người đứng đầu Petrotimes thì ông Nguyễn Như Phong phải chịu trách nhiệm.

Liên quan đến dư luận trái chiều, ông Tuấn khẳng định nắm được, tuy nhiên ông cho rằng những người làm báo chân chính đều ủng hộ quyết định của Bộ. Còn những ý kiến trái chiều trên mạng cũng dễ hiểu vì có nhiều ý kiến nói Việt Nam “siết báo chí và tự do ngôn luận”. “Tôi xin thưa Việt Nam có luật pháp của Việt Nam. Luật pháp của Việt Nam là bảo vệ quyền tự do báo chí. Quyền này không chỉ của các nhà báo mà còn bảo vệ quyền tự do ngôn luận trên báo chí của mọi công dân. Những nhà báo, cơ quan báo chí lạm dụng quyền này để phục vụ mục đích khác thì sẽ xâm phạm quyền đó của công dân. Vì vậy việc xử lý nghiêm minh báo Petrotimes vừa rồi sẽ góp phần làm trong sạch môi trường báo chí...” - ông Tuấn nói.

Cùng liên quan đến vụ việc này,Pháp Luật TP.HCM đặt câu hỏi: “Sai phạm của Petrotimes và Nguyễn Như Phong khá lâu rồi, diễn ra nhiều lần nhưng tại sao đến giờ mới xử lý? Mặt khác quyết định đình bản tại sao là ba tháng mà không phải là nghiêm khắc hơn?”.

Về việc này ông Tuấn cho hay: Vào ngày 3-10, Hội Dầu khí Việt Nam, cơ quan chủ quản của báo Petrotimes đã họp hội đồng kỷ luật và ra quyết định cách chức tổng biên tập đối với ông Nguyễn Như Phong. Đồng thời đề nghị Bộ TT&TT đình bản có thời hạn để củng cố tổ chức bộ máy để hoạt động.  

“Không phải bất kỳ sai phạm nào cũng có thể đình bản tờ báo hoặc thu thẻ nhà báo mà tùy trường hợp. Trường hợp của ông Phong là do sai phạm có tính chất hệ thống, bị cơ quan chủ quản xử lý sai phạm. Còn đình bản tờ báo ba tháng là để củng cố tổ chức, để tờ báo tiếp tục hoạt động. Vì tờ báo còn nhiều nhân viên khác, không vì sai phạm của một người mà làm nhiều người khác bị ảnh hưởng” - ông Tuấn nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm