Không có lòng dân sẽ không đi hết con đường cách mạng

Đó là chia sẻ của bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, tại Hội thảo “Vai trò của lực lượng công an nhân dân trong tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968”. Hội thảo diễn ra sáng 16-12, tại Hội trường Thành phố (số 111, đường Bà Huyện Thanh Quan, phường 7, quận 3, TP.HCM), do Bộ Công an và Thành ủy TP.HCM tổ chức.

Mãi là mốc son lịch sử chói lọi...

50 năm trước, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, đúng dịp Tết Mậu Thân 1968, cuộc tổng tiến công, nổi dậy của quân và dân ta nổ ra đồng loạt trên toàn miền Nam. 50 năm sau, khi nhắc lại sự kiện lịch sử này, các đại biểu tham dự hội thảo đều đánh giá sự kiện này mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Lực lượng Công an nhân dân có vai trò và những đóng góp to lớn vào thắng lợi này.

Theo Thiếu tướng, PGS-TS Nguyễn Bình Ban, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Công an, trong Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, lực lượng an ninh miền Nam đã huy động hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ an ninh gồm lực lượng điệp báo, an ninh vũ trang, trinh sát vũ trang, An ninh Miền và an ninh các khu, tỉnh, huyện cùng hàng ngàn cơ sở mật, quần chúng trong các đô thị thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch được phân công.

Toàn cảnh hội thảo ngày 16-12. Ảnh: THANH TUYỀN

50 năm đã trôi qua nhưng chiến thắng Mậu Thân không những đã được khẳng định mà còn vẫn mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Đây có thể được coi là một “cuộc tổng diễn tập chiến lược” của quân và dân ta để chuẩn bị cho đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhắc đến chiến thắng Mậu Thân, PGS-TS Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, khẳng định: “Chiến công lừng lẫy của Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 và cả những hy sinh to lớn của đồng bào, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang và An ninh miền Nam đã đi vào lịch sử, tạo nên một tượng đài bất tử, một dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ, để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau những bài học vô giá”.

Bài học từ “căn cứ lòng dân”...

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng thắng lợi của Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Một trong số đó là lực lượng An ninh miền Nam đã sớm thiết lập cơ sở cách mạng trong các tầng lớp nhân dân, gắn bó với dân, tạo nên căn cứ vững chắc trong lòng dân.

Bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, cho biết trong những năm kháng chiến, ngay giữa lòng Sài Gòn đã có một loại hình căn cứ đặc biệt cắm sâu trong lòng địch, là hậu phương nhưng đồng thời cũng là trận tuyến, nơi các chiến sĩ cách mạng sống và chiến đấu, đó là các “căn cứ lõm”,  “căn cứ lòng dân”.

“Nếu không có sự ủng hộ, giúp đỡ của quần chúng nhân dân trong các lõm chính trị thì không có sự tồn tại của các lực lượng ở các lõm chính trị ở miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước... Trong thời kỳ đó, trước sự bố ráp gắt gao của kẻ thù, sự soi mói của mật vụ, nếu không có lòng dân thì sẽ không có căn hầm nào đủ sâu, không có địa đạo nào đủ dài để che chở người chiến sĩ đi hết con đường cách mạng”, bà nói.

Bà Thân Thị Thư nhấn mạnh: “Căn cứ lòng dân” là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng đưa đến thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Nhờ vào những căn cứ lòng dân tưởng như vô hình nhưng lại vững chãi ấy mà lực lượng an ninh T4 vượt qua muôn vàn khó khăn, gian nguy, liên tiếp giành được chiến công vang dội, góp phần quan trọng trong Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968”.

Bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, nhấn mạnh vai trò của "căn cứ lòng dân" trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc. Ảnh: THANH TUYỀN

Bà cũng nêu thực tế trong giai đoạn hiện nay, yếu tố lòng dân bắt đầu xuất hiện với cả hai mặt là thuận và không thuận; niềm tin của nhân dân trước sự tác động của tình hình thế giới, khu vực là một trong những vấn đề gốc, tạo nên sức mạnh tổng hợp quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh.

PGS-TS Vũ Quang Đạo góp thêm ý kiến: “Cội nguồn của sức mạnh Việt Nam trong cả cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trong sự kiện Mậu Thân chính là Việt Nam có chính nghĩa, có sức mạnh của nhân dân. Lực lượng vũ trang và an ninh Việt Nam luôn có một căn cứ vững chắc - căn cứ lòng dân. Đó là bức “tường đồng vách sắt” mà không một thế lực nào có thể thắng nổi”.

Ông cũng nói, ngày nay chúng ta đang xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mới, trong bối cảnh các thế lực thù địch tăng cường các hoạt động chống phá sự nghiệp đổi mới đi lên của nước ta.

“Trong sự nghiệp đó, “lấy dân làm gốc” vẫn là bài học lớn, đi mãi với thời gian”, ông bày tỏ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm