Không có chuyện 'siết chi' BHYT để lấy thành tích

Liên quan đến việc bội chi 3.000 tỉ đồng BHYT trong sáu tháng đầu năm 2016, ngày 23-12, ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), đã cho biết như trên.

Theo ông Phúc, nguyên nhân dẫn đến bội chi quỹ BHYT tế năm 2016 là do thực hiện Thông tư liên tịch số 37 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính về quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, giá dịch vụ y tế đã kết cấu thêm các cấu phần chi phí như phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, tiền trực và lương của nhân viên y tế.

Bên cạnh đó, các cơ sở khám chữa bệnh cũng tăng chỉ định dịch vụ kỹ thuật nhằm tăng nguồn thu, nhất là với các cơ sở y tế tư nhân. Bởi càng chỉ định nhiều dịch vụ kỹ thuật thì tiền lương của nhân viên y tế càng tăng. Ví dụ, trước khi áp dụng Thông tư 37, giá khám bệnh tại các phòng khám đa khoa là 7.000 đồng/lượt khám, còn theo Thông tư 37 là 29.000 đồng/lượt khám. Chính vì vậy, đã xảy ra tình trạng cơ sở y tế thu hút nhiều người đến khám chữa bệnh bằng các hình thức khuyến mãi, tặng quà, tiền... 

Qua kiểm tra BHXH phát hiện nhiều bệnh viện lạm dụng dịch vụ kỹ thuật để khám chữa bệnh nhằm tăng thu. Ảnh: H.PHÚC

Qua thống kê chi phí khám chữa bệnh, phát hiện có sự gia tăng bất thường nên BHXH Việt Nam đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra toàn diện việc sử dụng quỹ BHYT. “Quá trình kiểm tra bệnh án, phân tích so sánh với năm 2015, cơ quan BHXH đã phát hiện tình trạng chỉ định quá mức, không cần thiết, thậm chí lạm dụng dịch vụ kỹ thuật để tăng thu cho cơ sở khám chữa bệnh, nhất là các dịch vụ chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, nội soi tai mũi họng, chụp cộng hưởng từ (MRI), cắt lớp vi tính (CT Scanner)…”, ông Phúc nói.

Để hạn chế “lỗ hổng”, BHXH Việt Nam đã “siết chi” bằng việc tăng cường trách nhiệm của các cơ sở y tế trong sử dụng nguồn quỹ của cộng đồng đóng góp. Theo ông Phúc, việc siết chi là nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn nữa chi phí để đồng tiền của Nhà nước, của người dân đóng góp vào Quỹ BHYT được chi ra hiệu quả hơn, nhiều người được thụ hưởng hơn.

“Không có chuyện “siết chi” để lấy thành tích. BHXH Việt Nam sẽ phê bình nếu cơ quan BHXH nào không đảm bảo quyền lợi cho người có BHYT. Nếu người bệnh có BHYT không được đảm bảo quyền lợi thì có thể phản ánh lên cơ quan BHXH huyện, tỉnh hoặc BHXH Việt Nam. Chúng tôi cam kết sẽ chỉ đạo giải quyết một cách kịp thời, thấu đáo đúng quy định” - ông Phúc khẳng định.

Ông Phúc cho rằng quan điểm của BHXH Việt Nam là nếu các dịch vụ kỹ thuật thực sự cần thiết, phục vụ cho chẩn đoán và điều trị người bệnh thì dù có chi bao nhiêu tiền, trong phạm vi quyền lợi người bệnh được hưởng theo quy định của chính sách, pháp luật về BHYT thì quỹ cũng chi trả.

“Còn nếu chỉ định dịch vụ mang tính tầm soát, để kiểm tra sức khỏe, chưa đến mức cần thiết phải sử dụng, hoặc cơ sở lạm dụng để thu hồi vốn, cũng như “tận thu” từ quỹ BHYT thì cơ quan BHXH sẽ không chi trả…”, ông Phúc nhấn mạnh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm