XỬ PHẠT THEO NGHỊ ĐỊNH 34:

Không chỗ dừng đậu, nhiều tài xế taxi tính bỏ nghề

Có lẽ vậy mà mấy ngày qua nhiều tài xế đòi bỏ nghề, phần lớn còn lại đã đưa taxi đến chiếm dụng các khu vực đậu xe có thu phí hoặc chui vào các khu dân cư để né phạt.

Không chỗ dừng đậu, nhiều tài xế taxi tính bỏ nghề ảnh 1

Taxi “đánh chiếm” các tuyến đường ngang trong khu Bàu Cát (phường 13, Tân Bình). Ảnh: Ảnh: Đào Lê

Tranh nhau chỗ đậu xe

Lòng đường Bùi Thị Xuân, quận 1 là nơi cho phép đậu ôtô có thu phí. Mấy ngày qua, taxi đã kéo đến đây chiếm chỗ, không cho ôtô của khách đến khu vực này liên hệ công việc. Ông Tài, một người dân ở đường Bùi Thị Xuân, cho biết lúc nào cũng có hàng chục xe taxi nối đuôi dài dằng dặc cả hai bên đường, bất chấp quy định ngày chẵn, ngày lẻ. Nếu trước đây người đi đường khổ một thì hiện tại khổ mười nếu phải đi qua đoạn đường này, cứ bước được vài mét là lại gặp xe ra, xe vào.

Tương tự, một loạt con đường khác ở trung tâm thành phố cũng được cánh tài xế taxi chiếm làm bến như đường Cao Bá Quát, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Trần Cao Vân… Theo các nhân viên thu phí, việc thu phí đối với taxi dừng, đậu ở đó là rất khó. Vì cứ khi nào nhân viên thu phí đến hỏi là lái xe nói đợi khách tí rồi đi ngay. Thế nhưng, thực tế có rất nhiều taxi đậu cả giờ đồng hồ vẫn không chịu đi. “Kiểu này chẳng bao lâu nữa những nơi đậu xe ôtô dưới lề đường có thu phí sẽ trở thành bến xe taxi hết”, một nhân viên thu phí nói.

Ở hầu hết các quận như Tân Bình, Phú Nhuận, Tân Phú đã xảy ra ngày càng nhiều tình trạng taxi “đánh chiếm” khu dân cư. Trong đó, nhiều nhất là khu vực đường Huỳnh Văn Bánh (đoạn từ Lê Văn Sỹ đến Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận); các tuyến đường nhánh trong khu vực Bàu Cát (phường 13, 14, quận Tân Bình); khu vực đường Hồng Hà và các con đường ngang dẫn vào khu dân cư xung quanh (thuộc phường 2, quận Tân Bình);…

“Ngoài việc gây cản trở giao thông, việc tụ tập đông người thường diễn ra cảnh cờ bạc, tranh giành khách,… gây mất an ninh trật tự trong khu dân cư”, bà Hà, một người dân trên đường Huỳnh Văn Bánh, phường 14, quận Phú Nhuận, cho biết.

Ông Hữu Thanh, nhà ở đường Bàu Cát 1, than thở: “Nhiều lúc muốn đưa xe vào nhà mình mà phải năn nỉ mấy anh taxi đậu xe chỗ khác”. Còn theo ông Hải, một người dân ở phường 2, Tân Bình, thì tình trạng taxi “đánh chiếm” khu vực này đã trở nên báo động nhưng những người dân như ông chỉ biết im lặng chịu đựng vì sợ trả thù.

Ông Tạ Long Hỷ, chủ tịch hiệp hội Taxi TP.HCM, lý giải sở dĩ có tình trạng trên là do hiện tại TP.HCM chưa bố trí các điểm dừng, đậu xe cho taxi trong khi Hà Nội đã thí điểm 32 điểm để taxi chờ, đón khách.

Ảnh hưởng nồi cơm

Ông Tạ Long Hỷ cho rằng, việc phạt năng taxi dừng đậu sai quy định theo nghị định 34 đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các hãng taxi. Đã có hiện tượng taxi của một số doanh nghiệp nhỏ phải nằm bãi vì chạy không lời. Tại công ty Vinasun nơi ông làm phó tổng giám đốc, tuy trong mười ngày qua số vụ tài xế vi phạm luật giao thông giảm nhưng doanh thu cũng giảm theo.

Những nơi cấm dừng, cấm đậu chủ yếu tập trung ở trung tâm thành phố trong khi đây là nơi khách sử dụng taxi nhiều nhất. Hơn nữa, đặc thù của taxi là phải đưa khách đến nơi, về đến chốn theo yêu cầu của khách. Khi các tài xế taxi làm đúng luật, không theo yêu cầu của khách thì thế nào cũng xảy ra cự nự, mất khách.

Nghĩa, đã sáu năm làm nghề tài xế taxi hãng Mai Linh lắc đầu: “Từ khi 34 (nghị định 34) ra đời, cánh tài xế taxi nản lòng. Hở một chút là bị phạt, nhẹ cũng năm bảy trăm ngàn. Mỗi ca chạy mà bị một lỗi thì chỉ còn húp cháo”.

Với vẻ mặt thản nhiên khi cho xe “rùa” trên con đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (thuộc đoạn quận 3), Toàn, tài xế Vinasun thủng thẳng: “Trước đây, hễ có khách là đạp tới số để còn quay đầu chạy kiếm khách nhưng nay không dám nữa. Cứ thủng thẳng mà chạy. Giả sử chuyến này chạy được 200.000 đồng (chưa trừ cho tỷ lệ của hãng) mà bị mấy ổng thổi là chưa đủ để nộp phạt”.

Toàn còn kể rằng, trước khi có nghị định 34, tranh thủ chạy cả ngày lẫn đêm, chỉ dừng lại khi nào không còn sức. Từ khi siết chặt bằng 34, cứ tới trưa là về bến để đậu xe ăn cơm và ngủ. Có ai gọi mới đi. 12 giờ đêm đã trả xe, về nhà ngủ tiếp.

Cánh tài xế taxi mà chúng tôi đã có dịp ngồi nghe họ kể, đều xác nhận rằng, thu nhập của anh em tài xế taxi bây giờ giảm sút nhiều lắm. Trước đây, vì thu nhập cao, khoảng 5 – 7 triệu đồng/ca/tháng nên nhiều anh em chạy không kể ngày đêm. Còn bây giờ, nhiều khoản chi phí phát sinh mà tỷ lệ ăn chia vẫn như vậy (dao động từ 40 – 52% theo mức doanh thu của từng ca/tháng), không còn cảnh phóng nhanh giành khách nên thu nhập của cánh tài xế taxi chỉ còn 3 – 4 triệu đồng/ca.

“Đã quen chạy xe rồi. Bây giờ trả xe, kiếm nghề khác cũng khó. Với những áp lực ngày càng tăng mà thu nhập lại giảm dần, còn ôm vô lăng là còn nhiều mệt mỏi”, ông Bình một tài xế lâu năm nói. Những ngày đổi ca, ông Bình phụ vợ bán hàng tạp hoá ở nhà nên còn có khoản chi tiêu. Toàn cũng có nghề phụ là sửa chữa điện tử cho gia đình. Còn Nghĩa, thường không biết làm gì trong những ngày đổi ca. Thỉnh thoảng có lái xe tải chở hàng (của một người bạn)…

Ủng hộ nghị định 34

Theo ông Tạ Long Hỷ, phó giám đốc hãng Vinasun, chuyện tài xế trả xe là bình thường nhưng không đến 20% như phản ánh.

Còn ông Võ Ba, giám đốc công ty Future cho rằng, trước đây vì thả nổi, taxi tha hồ vượt tuyến, lấn tuyến, tranh giành khách nên thu nhập của tài xế cao. Nay nghị định 34 có hiệu lực với những khoản phạt kèm theo đã đụng đến “nồi cơm” của anh em. “Những anh em vốn quen chạy ẩu thì chính những khoản phạt của nghị định 34 đã làm anh em bỏ nghề vì tiền công không đủ tiền phạt”, ông Ba nhận xét.

Ông Võ Ba cho rằng lập lại trật tự cho hoạt động taxi là việc nên làm nhưng cần điều chỉnh một số quy định trên thực tế. Có những con đường phân chia ba làn (xe du lịch, xe tải, xe máy) nay nên chia thành hai làn cho ôtô và xe máy để khai thác hết hiệu suất của hệ đường sá vốn ngày càng chật hẹp.

Theo Đào Lê – Trọng Hiền (SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm