Không ai chịu làm nạn nhân của Huyền Như

Bắt đầu, luật sư của Công ty Cổ phần Chứng khoán SaigonBank - Berjaya (SBBS), đơn vị mà VKS xác định bị chiếm đoạt 210 tỉ đồng, bức xúc: “Tòa cho phép đại diện VietinBank ngồi ghi chép câu hỏi của luật sư để trả lời sau là hạn chế quyền được xét hỏi của người tham gia tố tụng. Có hỏi đáp trực tiếp thì mới nảy sinh ra câu hỏi mới”.

“VietinBank mới là nạn nhân của Huyền Như”

Vào phần nội dung, luật sư khẳng định không phải SBBS mà chính VietinBank mới là nạn nhân của Huyền Như. Luật sư phân tích: Huyền Như, Võ Anh Tuấn đều là người được VietinBank bổ nhiệm, được giao trách nhiệm huy động vốn có giấy ủy quyền hợp pháp. Các giấy nhận tiền đều là chữ ký thật, đóng dấu thật. Trong khi đó, BLHS quy định rõ pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do chính người của mình gây ra.

Luật sư cho rằng diễn biến hành vi phạm tội của Huyền Như được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1, Huyền Như dùng thủ đoạn gian dối để dụ SBBS gửi tiền vào VietinBank. Giai đoạn 2, Huyền Như dùng các thủ đoạn gian dối trong nghiệp vụ ngân hàng để rút tiền từ tài khoản của SBBS tại VietinBank.

Bị cáo Huyền Như. Ảnh: H.YẾN

“Chính VietinBank đã bị Như qua mặt. Những sơ hở trong quy chế quản lý nghiệp vụ của VietinBank đã tạo điều kiện để Như chiếm đoạt. Tòa cần làm rõ trách nhiệm quản lý, kiểm tra, theo dõi của VietinBank. Trong vụ án không thể phủ nhận sự sơ hở, yếu kém của VietinBank để xảy ra nhiều sai phạm liên tục kéo dài, để nhân viên chiếm đoạt gần 5.000 tỉ đồng mà không phát hiện ra. Đây là dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” - luật sư khẳng định.

Theo luật sư, việc quy hết trách nhiệm dân sự cho Huyền Như để “giải thoát” cho VietinBank là vô lý. SBBS không phải nguyên đơn dân sự bởi không phải là tổ chức bị thiệt hại do hành vi phạm tội của Huyền Như gây ra và cũng không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Luật sư đề nghị tòa xem lại tư cách của SBBS, đồng thời yêu cầu VietinBank phải trả cho SBBS 80 tỉ đồng và lãi phát sinh.

“VietinBank phải bồi thường”

Luật sư của ba công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát và Hưng Yên cũng nói VietinBank phải bồi thường hơn 2.000 tỉ đồng cho thân chủ của họ với các lập luận: Trách nhiệm trông giữ số tiền này thuộc VietinBank. Hành vi làm giả 110 hợp đồng và phụ lục kèm theo của Như là có thật nhưng không phải là công cụ để chiếm đoạt tiền. Tài sản bị chiếm đoạt đang bị trông giữ, kiểm soát tại VietinBank. Huyền Như chiếm đoạt tiền khi đã được giao cho VietinBank kiểm soát. Quan hệ giao dịch hoàn toàn hợp pháp và được điều chỉnh bởi hệ thống, VietinBank phải có trách nhiệm về việc Huyền Như vi phạm, lợi dụng tài khoản của khách hàng...

Tương tự, luật sư của Công ty CP Chứng khoán Phương Đông (ORS) nói khi khách hàng chuyển tiền vào hệ thống tiền gửi của VietinBank thì ngân hàng này phải chịu trách nhiệm quản trị an toàn tiền gửi. VietinBank để xảy ra hiện tượng cán bộ dùng quyền hạn chiếm đoạt thì phải chịu trách nhiệm bồi thường 380 tỉ đồng thiệt hại cho ORS.

Về phần mình, trước khi phát biểu, luật sư của ACB đã gửi lời chúc mừng sinh nhật Huyền Như (Như sinh ngày 15-1-1978) là “gặp nhiều may mắn và mạnh khỏe”. Tiếp đó, luật sư cũng khẳng định: “VietinBank làm mất tiền gửi của ACB, phải bồi thường cho ACB”.

Theo luật sư, 17 hợp đồng ACB đã ký với VietinBank đều là thật, chữ ký thật, con dấu thật. Thời điểm xảy ra giao dịch, Như đang là quyền trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ, có trách nhiệm quản lý các giao dịch, trong đó có tiền gửi của ACB. “Dù các hợp đồng tiền gửi không được ký tại trụ sở VietinBank cũng không có nghĩa là sai quy định pháp luật về tiền gửi. Các hợp đồng này cho dù được ký ở nhà riêng, quán cà phê cũng không làm thay đổi bản chất hợp đồng, không làm hợp đồng vô hiệu do pháp luật không cấm” - luật sư nói.

Theo luật sư, lập luận hành vi chiếm đoạt của Như hoàn thành ngay sau khi tiền được gửi vào VietinBank của VKS là lập luận “mang tính cảm tính, không đúng quy định, dễ tạo tiền lệ nguy hiểm”. Luật sư nhấn mạnh: “Tiền vẫn nằm trong sự quản lý của VietinBank. Huyền Như đang là quyền trưởng phòng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tiền do VietinBank quản lý bằng hàng loạt hành vi. Cần xác định lại thời điểm Như chiếm đoạt tiền hoàn thành là từ thời điểm Như rút tiền ra khỏi VietinBank. Như vậy, quan điểm của đại diện VKS cho rằng VietinBank không trả tiền là không đúng với quy định của pháp luật dân sự và thực tế xảy ra”.

HOÀNG YẾN

Ông Nguyễn Bá Thanh theo dõi phiên xử

10 giờ ngày 15-1, Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh đã có mặt theo dõi phiên tòa xử. Ông xuất hiện khá lặng lẽ khiến nhiều người bất ngờ. Đầu giờ chiều, ông cũng quay lại và đi vào phòng để tiếp tục theo dõi phiên xử qua màn hình.

Trong phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng và đồng phạm tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài của TAND TP Hà Nội mới đây, ông Thanh cũng đã đến theo dõi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm