Khốn khổ vì dự án cao tốc ngàn tỉ

Thời gian này, dọc theo tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang dần hình thành một đại công trình đào đắp với đủ loại máy móc, thiết bị. Từng đoàn xe ben, xe tải chở vật liệu nối đuôi nhau, chạy tấp nập trên nhiều tuyến đường dẫn vào công trường, bụi bay mù mịt.

Xe quá tải “cày, xới”

Tại tuyến đường ĐT605, đoạn qua xã Điện Hồng (huyện Điện Bàn), xe tải chở xi măng, vật liệu xây dựng đường cao tốc cày nát. Hàng loạt ổ gà, ổ voi được “đắp vá” bằng sỏi theo kiểu đối phó nằm chi chít.

“Từ khi có tuyến cao tốc đi qua, dân chúng tôi khổ sở với đủ loại xe chở cát sạn, đất sỏi. Đất đá vung vãi, bụi mù gây ô nhiễm cả ngày đêm. Mỗi lần có xe đi qua, những căn nhà sát đường lại rung lắc như có động đất. Bức xúc trước tình trạng này, ngày 27-9, người dân thôn Cẩm Văn Bắc (xã Điện Hồng) đã dựng hàng rào chắn ngang đường không cho xe tải lưu thông” - một người dân cho biết.

“Người dân chặn xe cũng có lý của họ vì xe cộ chạy bụi dữ quá, chịu không nổi. Địa phương nói quá thì các đơn vị liên quan cũng chỉ dùng đá lấp sơ sài mấy ổ gà, qua trận mưa là con đường lại tan nát như cũ. Xe quá tải chạy rầm rộ cả ngày lẫn đêm nên tuyến đường nát như bươm. Khi tỉnh đặt trạm cân bên đường ĐT 609 thì các xe lại né qua ĐT 605 nên tình hình càng nghiêm trọng” - ông Nguyễn Hữu Tuân, Chủ tịch UBND xã Điện Hồng, thông tin.

Tại thôn Nhị Dinh 3 (xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn), nơi tuyến tỉnh lộ 609 đi qua cũng lâm vào tình cảnh tương tự. “Hằng ngày, từng đoàn xe nới thùng để chở gấp 2-3 lần tải trọng cho phép đi qua. Người dân nhiều lần rào đường, ngăn xe chở vật liệu gây ô nhiễm nhưng sau đó tình trạng này tái diễn khiến đường sá ở đây chịu không nổi” - ông Lê Trọng Xuân (ngụ xã Điện Phước) cho hay.

Hàng chục xe chở quá tải gây ô nhiễm bị người dân chặn lại không cho lưu thông. Ảnh: TT

Tuyến cao tốc như con đê chắn ngang vùng rốn lũ. Ảnh: TT

Người dân gánh đủ

Theo tìm hiểu, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Tổng Công ty Phát triển Đường cao tốc Việt Nam - VEC phải kiểm soát tải trọng xe cũng như công tác vận chuyển vật liệu, phục vụ thi công đường cao tốc.

Tuy nhiên, ông Hoàng Việt Hưng, Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (trực thuộc VEC), cho biết mặc dù được giao nhiệm vụ như vậy nhưng VEC không thể xử lý xe quá tải mà trách nhiệm này thuộc về chính quyền địa phương. “Chúng tôi đã tiến hành nhắc nhở các doanh nghiệp vận tải chở vật liệu đúng tải, không gây ô nhiễm môi trường. Còn các trường hợp cơi nới thùng xe, chở quá tải thì phải phối hợp với chính quyền địa phương mới xử lý, ngăn chặn được” - ông Hưng nói.

Cũng theo ông Hưng, thời gian qua, phía VEC đã gia cố một số cây cầu trong vùng bị ảnh hưởng bởi việc vận chuyển vật liệu. “Về cuối dự án, chúng tôi cũng có kế hoạch hoàn trả các tuyến đường cho địa phương” - ông Hưng khẳng định.

Trong khi chờ chủ đầu tư hoàn trả lại các tuyến đường đã nát bươm vì xe quá tải thì hằng ngày người dân vẫn phải chịu đựng nỗi khổ, nỗi bực dọc…

“Rốn lũ” có nguy cơ ngập sâu hơn

Các vùng thấp trũng ở Đà Nẵng, Quảng Nam (nơi tuyến cao tốc đi qua) thường xuyên bị ngập sâu vào mùa lũ. Người dân sống tại các khu vực này đang hết sức lo lắng vì nguy cơ ngập lũ nặng hơn khi tuyến cao tốc đang dần hình thành. Ông Nguyễn Hữu Tuân, Chủ tịch UBND xã Điện Hồng, cho biết trước đây, khi chưa có đường cao tốc thì lũ tràn về sẽ chảy thẳng xuống vùng hạ lưu bên dưới, còn giờ nó như con đê chắn ngang. Nước lũ sẽ ngập sâu hơn, nhanh hơn và kéo dài nhiều ngày hơn.

Tại vùng thấp trũng của huyện Núi Thành, hàng ngàn hộ dân thuộc hai xã Tam Mỹ Đông và Tam Mỹ Tây (nơi có tuyến cao tốc đi qua) cũng ngao ngán vì bỗng dưng xuất hiện một “con đê” ngăn lũ. “Đoạn đường này đắp cao lên 5-6 m khiến dòng chảy bị thay đổi, nước lũ sẽ tràn về nhanh hơn gây ngập sâu hơn. Trong đợt mưa lũ tháng 3 vừa qua, do không thoát nước kịp nên hàng trăm hecta lúa và hoa màu của người dân bị ngập, hư hỏng” - ông Nguyễn Lành (thôn Phú Quý 3, xã Tam Mỹ Đông) phản ánh.

Ông Võ Văn Điềm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, cho biết lo nhất là các xã Điện Hồng, Điện Quang (thuộc huyện Điện Bàn), nơi được xem là vùng “rốn lũ” sẽ ngập nặng, sâu hơn khi có đường cao tốc chắn ngang. Bằng mắt thường có thể thấy tuyến đường này được đắp cao 7-8 m so với nhà dân.

Ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng bày tỏ lo ngại tuyến đường cao tốc thành con đê ngăn lũ thoát. Ông lưu ý phía chủ đầu tư trong quá trình thi công phải theo dõi, cập nhật thường xuyên, đừng để thi công rồi lo vấn đề sửa chữa, gây tốn kém.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã có công văn gửi Bộ GTVT chỉ đạo kiểm tra, khảo sát và xem xét điều chỉnh, bổ sung thiết kế đường cao tốc lại cho phù hợp.

Tái định cư còn chậm

Ngày 5-11, ông Hoàng Việt Hưng - Giám đốc Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cho biết mặc dù là dự án trọng điểm quốc gia nhưng chưa được ưu tiên đúng mức. Cụ thể, trước tháng 7-2015, các địa phương tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của QL1 nên công tác GPMB cho đường cao tốc rất chậm chễ. Trong đó, còn vướng ở địa bàn tỉnh Quảng Nam khoảng 676 hộ dân chưa di dời và 194 thửa đất nông/lâm nghiệp chưa được bàn giao.

Đại diện VEC cho biết thêm hiện dự án đang đứng trước nguy cơ thiếu vốn cho công tác GPMB. Đến nay, mặc dù dự án đã qua một nửa thời gian nhưng vốn đối ứng mới bố trí được 50%. Để đáp ứng được tiến độ thông xe toàn dự án vào năm 2017, điều kiện tiên quyết là phải cấp đủ 800 tỉ đồng từ nay đến cuối năm 2015 và quý I-2016 là 700 tỉ đồng nữa. Ngoài ra các địa phương phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong công tác GPMB để có thể bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công vào cuối năm 2015.

Cũng theo ông Hưng, hiện tại TP Đà Nẵng cần khoảng 200 lô tái định cư thuộc ba khu nhưng công tác xây dựng khu tái định cư chưa hoàn thành. Tại tỉnh Quảng Nam cần phải bố trí chỗ ở mới cho khoảng 150 hộ dân tại thị xã Điện Bàn, 90 hộ dân tại huyện Phú Ninh. Tại tỉnh Quảng Ngãi, có 150 hộ dân chưa di dời đến khu tái định cư, yêu cầu bổ sung thêm lô tái định cư.

Ông Nguyễn Phi Thạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh (Quảng Nam), cho biết tuyến cao tốc đã lấy đi một lượng lớn đất sản xuất của địa phương. Đối với những hộ vẫn còn ít đất để sản xuất (sau khi đã thu hồi) thì địa phương hỗ trợ vốn để tái sản xuất tiếp. Còn những hộ bị giải tỏa 100%, không còn đất thì vận động chuyển đổi nghề nghiệp. Cụ thể là đưa các hộ này vào làm việc tại các nhà máy, công ty đóng trên địa bàn. Bước đầu cuộc sống của người dân sẽ bị xáo trộn và gặp nhiều khó khăn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm