Khởi tố vụ án lộ mật giúp Dương Chí Dũng bỏ trốn

Chiều qua, 8-1, HĐXX TAND TP Hà Nội đã tuyên án đối với Dương Tự Trọng và sáu bị cáo khác. Ngay sau đó, HĐXX đã công bố quyết định khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật nhà nước liên quan đến các lời khai, tài liệu trong vụ án.

Bản án do Thẩm phán Trương Việt Toàn, chủ tọa phiên tòa, tuyên đọc, trong đó có đoạn nêu rõ: Dương Chí Dũng được triệu tập đến phiên xử với tư cách là người làm chứng. Tại tòa, Dũng khẳng định sau khi được ông Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, thông báo việc sẽ bị khởi tố và bắt tạm giam, Dũng đã được các bị cáo giúp bỏ trốn theo lộ trình Hà Nội - Quảng Ninh - TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh) - Campuchia.

Làm rõ việc nhận 510.000 USD và 20 tỉ đồng

Bản án nêu lại diễn biến phiên xử: tại tòa, Dương Chí Dũng cũng khẳng định một lần nữa đã đưa cho ông Phạm Quý Ngọ tổng cộng 510.000 USD; ông Thanh (cục trưởng Cục C48) 20.000 USD; ông Sơn (phó trưởng phòng C48) 10.000 USD. Đồng thời trước đó, Dũng cũng đã đưa cho ông Phạm Quý Ngọ 20 tỉ đồng để Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do bà Lan làm chủ tịch được thực hiện dự án chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn thay thế một công ty khác.

Tại tòa, đại diện VKS đề nghị HĐXX ra quyết định khởi tố vụ án làm lộ bí mật công tác, đồng thời đề nghị HĐXX kiến nghị cơ quan tố tụng làm rõ số tiền Dương Chí Dũng khai đã đưa cho những người trên, nếu có căn cứ thì xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Cảnh sát dẫn giải Dương Tự Trọng sau khi tòa tuyên án. Ảnh: TTXVN

Bản án cũng nêu: Xét lời khai và diễn biến tại phiên tòa, HĐXX nhận thấy đây là chuyên án đang được cơ quan có thẩm quyền xem xét khởi tố, thuộc dạng thông tin tuyệt mật của Nhà nước nhưng đã có sự lộ thông tin để Dương Chí Dũng bỏ trốn khỏi Việt Nam. Thực tế Dương Chí Dũng đã bỏ trốn trước khi có quyết định khởi tố vụ án, gây khó khăn cho công tác điều tra, gây sự hoài nghi, ảnh hưởng rất lớn trong dư luận nhân dân. Mặt khác, xét đề nghị của VKS duy trì quyền công tố tại phiên tòa đề nghị khởi tố vụ án là có căn cứ.

Bản án cũng nêu: Căn cứ vào Điều 225 BLTTHS, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, hội đồng xét xử yêu cầu VKS điều tra, làm rõ hành vi nhận 510.000 USD để “chạy tội” cho Dương Chí Dũng trong vụ án Vinalines cùng hành vi nhận 20 tỉ đồng để được làm dự án chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn của Công ty Vạn Thịnh Phát và dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án, nếu có vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật.

VKS truy tố có phần chưa chính xác

Về hành vi của bảy bị cáo trong vụ án, tòa nhận định: hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng bởi lẽ dù biết Dương Chí Dũng đã bị khởi tố và có quyết định bắt tạm giam về tội cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội tham ô tài sản (là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng) nhưng vẫn giúp Dương Chí Dũng trốn sang Campuchia. Việc Dương Chí Dũng trốn trót lọt sang Campuchia không những gây khó khăn cho công tác điều tra mà còn gây khó khăn cho công tác phòng, chống tội phạm; gây hoài nghi trong nhân dân đối với cơ quan bảo vệ pháp luật, đồng thời gây tốn kém không ít tiền của, sức lực cho cơ quan điều tra tổ chức truy bắt…

Bản án cho rằng: Theo quy định, các bị cáo trong vụ án này phải được truy tố theo khoản 3 Điều 275 BLHS. Việc VKS chỉ truy tố Dương Tự Trọng, Vũ Tiến Sơn theo khoản 3 Điều 275, các bị cáo khác theo khoản 1 Điều 275 là chưa chính xác, chưa đúng pháp luật.

Tòa cũng nhận định: Các bị cáo (trừ Dương Tự Trọng) đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Riêng Dương Tự Trọng không thừa nhận lời khai của các bị cáo khác về hành vi phạm tội của mình nhưng cũng không phủ nhận. Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai của Vũ Tiến Sơn và các bị cáo khác tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa, xét giữa bị cáo Trọng và bị cáo khác không có mâu thuẫn, là quan hệ bạn bè, cấp trên - cấp dưới, lời khai của các bị cáo hoàn toàn lôgic, không mâu thuẫn, phù hợp với lịch trình bỏ trốn của Dương Chí Dũng nên có đủ căn cứ chứng minh Dương Tự Trọng giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo các bị cáo khác giúp đỡ Dương Chí Dũng trốn khỏi Việt Nam.

Theo tòa, quá trình tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên xử, Dương Tự Trọng đã không khai báo thành khẩn nên dù là người có nhiều đóng góp trong công tác, được sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng… nhưng cũng cần phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với bị cáo.

ĐỨC MINH

Mức án của bảy bị cáo

1. Dương Tự Trọng (nguyên phó giám đốc Công an TP Hải Phòng, nguyên phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an): 18 năm tù.

2. Vũ Tiến Sơn, nguyên phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an TP Hải Phòng): 13 năm tù.

3. Hoàng Văn Thắng, nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra các tội phạm về môi trường (Công an TP Hải Phòng): Năm năm tù.

4. Đồng Xuân Phong, nguyên cán bộ hải quan TP Hải Phòng: Bảy năm tù.

5. Trần Văn Dũng (Dũng “Bắc Kạn”): Tám năm tù.

6. Nguyễn Trọng Ánh, nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an TP Hải Phòng): Sáu năm tù.

7. Phạm Minh Tuấn, nguyên giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng (Hải Phòng) - bạn thân của Dương Tự Trọng: Năm năm tù.

Sẽ sớm điều tra vụ án làm lộ bí mật

Chiều 8-1, ngay sau khi tòa tuyên án với các bị cáo và công bố quyết định khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, trả lời Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo VKSND Tối cao cho biết quy trình xử lý tiếp theo:

“Sau phiên tòa, TAND TP Hà Nội sẽ chuyển quyết định khởi tố vụ án này cho VKSND TP Hà Nội. VKSND TP Hà Nội sẽ chuyển VKSND Tối cao để chúng tôi kiểm sát xem việc ra quyết định khởi tố này có đủ căn cứ pháp lý không. Sau đó sẽ chuyển cơ quan điều tra theo quy định”.

“Nhưng chỉ điều tra phần làm lộ bí mật thôi. Còn lời khai của Dương Chí Dũng và các bị cáo về việc đưa tiền, nếu đủ căn cứ sẽ khởi tố, điều tra trong vụ án khác” - ông giải thích thêm.

Cũng trao đổi với Pháp Luật TP.HCM sau phiên tòa, một lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương cho biết quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án đưa Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài, Ban Nội chính với tư cách là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi rất sát sao.

Câu hỏi đặt ra là trong quá trình xét xử có cả lời khai, tố cáo về việc làm lộ bí mật khiến Dương Chí Dũng bỏ trốn và việc Dương Chí Dũng đưa tiền cho một số người bên Bộ Công an thì tại sao lại chỉ khởi tố hành vi làm lộ bí mật? Vị lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương cho rằng hành vi làm lộ bí mật là rõ nhất, đủ cơ sở để khởi tố điều tra. Còn các lời khai về đưa - nhận hối lộ thì mới chỉ từ một phía, cần xác minh thêm. Vì vậy, trong quá trình điều tra vụ án làm lộ bí mật mà làm bật ra các chứng cứ chứng minh việc đưa - nhận tiền thì lúc đó khởi tố bổ sung cũng chưa muộn.

l Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an, ngày 8-1-2014, Trung tướng Hoàng Kông Tư, Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh II, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, cho biết:

Trước đây trong quá trình điều tra, Dương Chí Dũng đã khai báo về việc một cán bộ cao cấp ngành công an đã tiết lộ thông tin về vụ án và khuyên Dũng bỏ trốn, Cơ quan An ninh điều tra đã báo cáo kịp thời. Lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo báo cáo với cấp có thẩm quyền và khẩn trương điều tra, xác minh theo quy định của pháp luật. Kết quả điều tra, xác minh xác định không có cuộc gọi trao đổi trong các list điện thoại như Dương Chí Dũng khai báo và bản thân Dương Chí Dũng cũng đã nhiều lần thay đổi lời khai trước Cơ quan An ninh điều tra nên chưa đủ căn cứ kết luận. 

Đối với những thông tin từ lời khai của Dương Chí Dũng trước tòa có liên quan đến một số cán bộ công an và cá nhân khác, theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an sẽ phối hợp chặt chẽ với viện kiểm sát, tòa án và các cơ quan chức năng tiếp tục khẩn trương điều tra, xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật, bảo đảm không bỏ lọt tội phạm, không để oan, sai.

NGHĨA NHÂN - PV

Tòa khởi tố tội danh khác VKS đề nghị

Tại phiên xử, đại diện VKS đề nghị tòa khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật công tác. Tuy nhiên, tòa quyết định khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật Nhà nước. Vậy hai tội danh này khác nhau ra sao?

Tội cố ý làm lộ bí mật công tác được quy định tại Điều 286 BLHS (trong Chương XXI Mục B Các tội phạm khác về chức vụ). Chủ thể của tội này là những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức trong khi thi hành công vụ (trong trường hợp vụ án có đồng phạm thì người thực hành phải là người có chức vụ, quyền hạn) và hành vi trong tội này là cố ý làm lộ bí mật trong phạm vi công tác của mình.

Còn tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước được quy định tại Điều 263 BLHS (trong Chương XX Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính). Chủ thể của tội này là bất kỳ người nào biết và cố ý làm lộ bí mật nhà nước nói chung.

Luật sư ĐẶNG TRƯỜNG THANH, Đoàn Luật sư TP.HCM

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm