Khởi tố nguyên chủ tịch TP Vũng Tàu

Sáng 3-7, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, khám xét nơi ở, nơi làm việc của ông Phan Hòa Bình, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT), ông Trương Văn Trí, chuyên viên UBND tỉnh BR-VT và ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND phường 9. Cả ba ông đều được tại ngoại.

Ông Phan Hòa Bình nguyên là chủ tịch UBND TP Vũng Tàu từ năm 2010-2015. Ông Trương Văn Trí nguyên là phó chủ tịch UBND TP Vũng Tàu, còn ông Nguyễn Thanh Sơn trước đây là trưởng Phòng QLĐT TP Vũng Tàu.

Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng

Theo ghi nhận, cơ quan CSĐT đã tiến hành khám xét, đọc lệnh tại nơi làm việc của ông Bình, ông Trí trong khu Trung tâm Hành chính tỉnh BR-VT và nhà riêng. Ông Sơn sau khi bị khám xét nhà đã được mời lên trụ sở UBND phường 8, TP Vũng Tàu để CQĐT đọc quyết định khởi tố trước sự chứng kiến của đại diện khu phố, công an phường 8.

Các ông Bình, Trí và Sơn đã có hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Các sai phạm này xảy ra tại dự án khu trung tâm thương mại và nhà ở cao cấp Metropolitan (phường 11, TP Vũng Tàu của Công ty CP Địa ốc An Khang), dự án Khang Gia Hân (phường 11) và dự án Vườn Xuân (phường 12).

Hiện CQĐT cũng đang điều tra trách nhiệm của một nguyên lãnh đạo tỉnh BR-VT trong các sai phạm nói trên.

Xe của Bộ Công an đến khám xét nhà ông Trương Văn Trí. Ảnh nhỏ: Ông Phan Hòa Bình. Ảnh: TK

Ký 40 quyết định trái pháp luật

Tháng 2-2014, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam bà Ngô Thị Minh Phượng - chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc An Khang, TP Vũng Tàu cùng ba đồng phạm để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt khoảng 410 tỉ đồng tại dự án Metropolitan. Cùng thời điểm, CQĐT bắt tạm giam ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên trưởng Phòng TN&MT và ông Nguyễn Trung Quốc, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (SDĐ) TP Vũng Tàu.

Quá trình điều tra vụ án này, CQĐT đã làm rõ vai trò, trách nhiệm liên quan của ông Bình, ông Trí. Cả hai ông đều được CQĐT mời làm việc nhiều lần và thừa nhận một số nội dung.

Cụ thể, cuối năm 2010, Công ty An Khang nhận chuyển nhượng hợp pháp gần 13.400 m2 đất của các hộ dân để đưa vào quỹ đất dự án Metropolitan. Còn trước đó, từ năm 2008-2010, bị cáo Phượng tự thỏa thuận mua được hơn 200.000 m2 đất nông nghiệp và cho 10 cá nhân là người nhà, người quen đứng tên trong giấy chứng nhận quyền SDĐ với mục đích góp vốn vào dự án.

Khi biết số tiền chuyển mục đích đất từ đất nông nghiệp sang đất ở năm 2011 sẽ cao hơn nhiều so với năm 2010 (theo bảng giá đất do UBND tỉnh BR-VT ban hành), Phượng đã nhờ Tuấn làm thủ tục chuyển mục đích ngay trong năm 2010 cho 10 cá nhân nêu trên. Ngày 6-12-2010, Công ty An Khang có công văn gửi UBND TP Vũng Tàu xin cho 10 hộ cá nhân góp vốn bằng quyền SDĐ vào dự án của Công ty An Khang được phép chuyển mục đích sử dụng.

Mặc dù các hồ sơ chuyển mục đích SDĐ của Công ty An Khang không hợp lệ, căn cứ pháp lý cho chuyển mục đích chưa có (thời điểm đó quy hoạch 1/500 chưa được phê duyệt) nhưng Tuấn và Quốc vẫn đề xuất lãnh đạo TP Vũng Tàu đồng ý cho toàn bộ 10 hộ cá nhân trên chuyển mục đích SDĐ để góp vốn vào dự án Metropolitan. Sau đó, ông Bình và ông Trí đã ký tổng cộng 40 quyết định cho các hộ dân chuyển mục đích SDĐ.

Ngoài dự án Metropolitan, cùng thời gian trên các bị cáo là lãnh đạo TP Vũng Tàu cũng cho chuyển mục đích SDĐ trái pháp luật tại dự án nhà ở Khang Gia Hân và dự án Vườn Xuân (phường 12) cho bị cáo Phượng.

Theo kết quả giám định của Bộ Tài chính, chênh lệch tiền SDĐ ở dự án Metropolitan tại thời điểm năm 2011 so với 2010 là hơn 19 tỉ đồng. Dự án Khang Gia Hân chênh hơn 8,7 tỉ đồng và dự án Vườn Xuân chênh hơn 5,7 tỉ đồng.

Tại CQĐT, ông Bình và ông Trí thừa nhận việc ký các quyết định cho chuyển mục đích SDĐ tại ba dự án trên là không đúng. Thời gian ký chuyển mục đích SDĐ trong năm 2010, trong khi quy hoạch chi tiết được ký ngày 14-1-2011, dẫn đến việc áp tiền SDĐ không đúng thời điểm, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 33 tỉ đồng.

Riêng ông Sơn đã không căn cứ quy hoạch chi tiết 1/2.000 khu dân cư bắc sân bay, quy hoạch chi tiết 1/500 trục đường 51B-51C, mà chỉ căn cứ vào quy hoạch 1/500 dự án Metropolitan do Công ty Khang An cung cấp để đề xuất ông Bình ký phê duyệt. Do đó, quy hoạch chi tiết 1/500 dự án Metropolitan đã bao trùm lên cả phần đất công của Nhà nước và phần đất ở ổn định của các hộ dân…

Nguyên bí thư BR-VT từng đề nghị xử lý hành chính

Liên quan đến vụ án trên, ngày 29-12-2014, ông Nguyễn Tuấn Minh, Bí thư Tỉnh ủy BR-VT (hiện đã nghỉ hưu), thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy ký công văn gửi Bộ Công an đề nghị xem xét xử lý về mặt hành chính đối với các cán bộ sai phạm.

Công văn trên nêu: Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận thấy ông Hồ Văn Niên (phó chủ tịch UBND tỉnh), ông Phan Hòa Bình và ông Trương Văn Trí đã có sai sót trong thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định pháp luật đối với hai dự án mà Bộ Công an chỉ ra sai phạm. “Bản thân các đồng chí cũng đã nhận thức sâu sắc về những sai sót này. Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiến nghị đồng chí bộ trưởng Bộ Công an, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C48) quan tâm xem xét xử lý vụ việc có lý, có tình, cân nhắc nhiều mặt, chiếu cố đến nhân thân… để xem xét xử lý về mặt hành chính” - công văn bày tỏ.

Một nguồn tin khác từ Bộ Công an cho biết từ tháng 2-2014, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C48) đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. C48 cũng có văn bản gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy BR-VT, đánh giá đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Các ông Hồ Văn Niên, Phan Hòa Bình và Trương Văn Trí có dấu hiệu tiếp tay cho hành vi lừa đảo, làm thất thu nghiêm trọng tiền thuế của Nhà nước…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm