Khoán xe công khó đi vào thực tế, vì sao?

Chủ trương khoán xe công, nếu thực hiện được cho là sẽ tiết kiệm ngân sách rất nhiều. Tuy nhiên, bao năm qua việc khoán xe công rất khó đi vào thực tiễn. Tại sao?

Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Mạnh Hùng (ảnh), Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội). Ông Hùng là người từng nhận khoán sử dụng xe công từ năm 2014 nhưng đến nay ông đã quyết định trở lại với chính sách cũ và bỏ khoán xe công.

Tiết kiệm cả trăm triệu/xe/năm

. Phóng viên:Thưa ông, qua hai năm sử dụng khoán xe công, ông nhận thấy chính sách này đã đem lại những lợi ích gì?

+ Ông Đỗ Mạnh Hùng: Khi bắt đầu nhận khoán xe công, sử dụng xe cá nhân tự lái để đi lại, tôi thấy rất tiện lợi, thoải mái, chủ động công việc, tiết kiệm chi tiêu ngân sách. Nếu nhẩm tính về mức chi tiêu, rõ ràng mức chi phí khoán xe sẽ thấp hơn nhiều so với “nuôi” một xe công. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ngân sách nhà nước bỏ ra để nuôi một xe công khoảng 320 triệu đồng/năm, trong khi mức khoán xe công một năm cũng chỉ mất 120 triệu đồng. Đó là chưa kể không phải mất số tiền mua sắm xe ban đầu, thuê tài xế, phí bảo dưỡng,…

. Vậy tại sao ông lại không tiếp tục sử dụng phương án khoán xe công như ông đã từng làm trong hai năm qua?

+ Từ ngày 16-6-2016, tôi chuyển công tác qua làm phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Công việc của tôi chủ yếu hoạt động trên địa bàn Hà Nội, giao dịch, liên hệ công việc với các cơ quan trung ương. Với đặc thù công việc đó, tôi chỉ đi lại trong nội đô. Do đó tôi đã quyết định không nhận khoán xe công nữa mà quay lại sử dụng xe công đưa đón như trước đây, bởi nếu tiếp tục nhận khoán xe thì chi phí đi lại vượt quá mức khoán, không thuận lợi trong liên hệ công tác.

. Với nhiều ưu điểm và thuận tiện, theo ông, tại sao suốt hơn mấy năm thực hiện khoán xe, rất ít người mặn mà?

+ Ưu điểm là vậy nhưng theo tôi khoán xe hay không khoán xe cũng phải dựa trên yêu cầu công việc. Với những công việc, chức danh cấp cao có đặc thù chủ trì nhiều cuộc họp, xử lý nhiều vấn đề thời sự, đòi hỏi có sức khỏe tốt để hoàn thành nhiệm vụ của mình thì nên cân nhắc lựa chọn phương án khoán xe hay dùng xe công đưa đón.

Phải công khai, minh bạch các đối tượng, tiêu chuẩn sử dụng xe công để người dân giám sát.  Ảnh: HTD

Bên cạnh đó, mức khoán 10 triệu đồng/xe chưa thực sự động viên những người nhận khoán. Tôi lấy ví dụ nếu ở Hà Nội, mức khoán 10 triệu đồng không đủ bù chi phí đi taxi, tiền xăng, điểm đỗ xe,… Khoán xe chỉ phù hợp với điều kiện người đó có phương tiện cá nhân tự lái và đi công tác xa.

Đặc biệt, khi sử dụng xe cá nhân vào cơ quan hành chính nhà nước làm việc rất bất tiện, phải mất nhiều thời gian giải thích với nhiều quy trình thủ tục hành chính. Trong khi đó, nếu sử dụng xe biển xanh sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Nhiều người chia sẻ với tôi rằng người ta phấn đấu để đến chức vụ đó được đi xe biển xanh, sao tôi lại nhận khoán làm gì?

Mức khoán phải linh hoạt hơn

. Theo ông, để giải quyết được trở ngại trên, chúng ta sẽ phải có những điều chỉnh ra sao để phù hợp thực tế?

+ Trước hết, cần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan đơn vị chức năng, nhất là cơ quan công sản của ngành tài chính trong việc giám sát, quản lý xe công trên cơ sở minh bạch, công khai. Nếu cơ quan quản lý công sản không hoàn thành nhiệm vụ phải xem xét lại rõ ràng.

Cần nghiên cứu đưa ra mức khoán linh hoạt tùy vào từng vị trí công tác; có hình thức khoán hợp lý để động viên những người có tiêu chuẩn và sẵn sàng nhận khoán. Cần có nhiều loại hình khoán khác nhau, như chỉ khoán phần đưa đón từ nơi làm việc đến nơi ở và ngược lại hoặc khoán phần đưa đón hằng ngày và đi công tác trong nội thành Hà Nội.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần hỗ trợ, giúp đỡ người nhận khoán có các điều kiện thuận tiện trong thực thi công việc như cấp phù hiệu nhận biết xe công cho các xe cá nhân tự lái. Điều này sẽ giúp các cá nhân đó ra vào cơ quan hành chính thuận lợi hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là phương án trước mắt bởi việc này chỉ phù hợp với xe tự lái, không phù hợp với các phương tiện khác.

Cùng với đó, các cơ quan phải xem xét trách nhiệm trực tiếp của người sử dụng xe công. Phải công khai, minh bạch ở các đối tượng, tiêu chuẩn sử dụng xe và quá trình sử dụng xe công để người dân biết việc sử dụng xe này có đúng đối tượng, đúng mục đích không.

. Xin cám ơn ông.

Hà Nội xin “cơ chế đặc thù” cho xe công

Theo Quyết định 32/2015 của Thủ tướng, mỗi đơn vị nhà nước chỉ được trang bị tối đa hai xe. Tuy nhiên, tại cuộc họp của Bộ Tài chính mới đây, UBND TP Hà Nội cho rằng điều này khiến các đơn vị ở thủ đô gặp khó khăn trong công tác bởi sau khi sáp nhập, địa bàn Hà Nội được mở rộng với khối lượng công việc nhiều. Do đó UBND TP Hà Nội xin “cơ chế đặc thù” cho Hà Nội. Theo đó, mỗi sở, ban, ngành có thể được trang bị bốn xe, gấp đôi so với quy định hiện tại.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định việc xin tăng chỉ tiêu xe công cho mỗi đơn vị là đề nghị của các địa phương. Tuy nhiên, các đơn vị vẫn phải thực hiện theo quyết định của Thủ tướng về xe công (hai xe công/đơn vị).

Theo ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), số lượng xe công ở nước ta hiện nay so với các nước trong khu vực và thế giới là ở mức khá cao. Riêng xe ô tô ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, chưa kể xe an ninh - quốc phòng có khoảng 40.000 xe. Trong số 40.000 xe công có khoảng 26.000 xe phục vụ công tác chung, khoảng 2.000 xe phục vụ chức danh.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hiện nay cả nước đang thừa 7.000 xe công; năm 2015 số lượng xe công mua mới tăng 600 chiếc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm