Khổ vì mua phải nhà tranh chấp

Dù biết ngôi nhà đang bị bà H. thế chấp tại ngân hàng bà N. vẫn đặt cọc hơn 100 lượng vàng để chờ bà H. giải chấp rồi làm thủ tục sang tên cho bà như đã thỏa thuận.

Tuy nhiên, sau khi nhận tiền cọc phía bà H. không thực hiện nên bà N. khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng mua bán nhà và bồi thường gấp đôi tiền cọc. Tháng 12-2009, xử sơ thẩm, TAND quận 5 tuyên chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, hủy hợp đồng mua bán nhà, buộc bà H. phải đền cho bà N. gấp đôi tiền cọc. VKSND TP.HCM kháng nghị yêu cầu hủy án sơ thẩm vì cho rằng hai bên mua bán nhà đang thế chấp là hợp đồng vô hiệu, tòa xử một bên phải chịu phạt cọc là không đúng. Ngoài ra, tòa kê biên căn nhà đang thế chấp là vi phạm BLDS và ảnh hưởng đến quyền lợi của ngân hàng. Tháng 3-2010, TAND TP.HCM xử phúc thẩm tuyên chấp nhận một phần kháng nghị hủy lệnh kê biên với ngôi nhà tranh chấp nhưng giữ nguyên phần quyết định bà H. phải đền tiền cọc. VKSND TP.HCM tiếp tục đề nghị viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm bản án của TAND TP.HCM theo hướng nêu trên và được viện trưởng VKSND Tối cao chấp nhận, ra quyết định kháng nghị. Tháng 4-2011, Tòa Dân sự TAND Tối cao giám đốc thẩm tuyên hủy cả hai bản án vì cho rằng hai cấp sơ, phúc thẩm chưa xác định rõ hợp đồng mua bán nhà có phải là giả tạo nhằm che đậy quan hệ vay mượn giữa hai bên hay không...

Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết lại vụ tranh chấp trên thì bà H. lại làm thủ tục bán ngôi nhà cho người thứ ba là ông C. (ngụ tại quận 11, TP.HCM).

Theo trình bày của ông C., ban đầu ông không biết ngôi nhà thuộc diện tranh chấp mà chỉ biết giấy tờ nhà của bà H. đang thế chấp ở ngân hàng. Sau khi trả tiền ông còn cùng bà H. tới giải chấp để lấy sổ ra sang tên cho ông. Trong quá trình làm thủ tục sang tên, ngày 15-8-2011, Phòng TN&MT quận 5 có công văn hỏi TAND quận đã có công văn ngăn chặn với ngôi nhà chưa. Hai ngày sau TAND quận trả lời: “Trong quá trình giải quyết hồ sơ vụ án thụ lý ngày 5-7-2011 cho đến thời điểm được hỏi, tòa án quận chưa có quyết định kê biên ngôi nhà”. Về phía Chi cục Thi hành án quận sau khi ra quyết định đình chỉ thi hành án vì có án giám đốc thẩm, ngày 5-7-2011, cơ quan này cũng có công văn gửi Phòng TN&MT quận đề nghị cho giải tỏa công văn ngăn chặn trước đó.

Chính vì thế ngày 14-9-2011, UBND quận 5 đã cấp giấy tờ nhà cho ông C. Tuy nhiên, chưa đầy hai tháng sau, trước đề nghị của bà N., TAND quận 5 lại ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên ngôi nhà đang tranh chấp hiện đã đứng tên ông C. Ông C. chỉ được tiếp tục quản lý sử dụng căn nhà cho đến khi có quyết định của TAND quận hoặc cơ quan khác có thẩm quyền.

Ông C. khiếu nại yêu cầu hủy bỏ lệnh kê biên trên nhưng bị TAND quận từ chối vì lý do quá thời hiệu khiếu nại theo quy định.

Về trường hợp của ông C., nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng khoản 6 Điều 102 BLTTDS quy định điều kiện để ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải là tài sản đang tranh chấp. Cạnh đó khoản 1 Điều 108 bộ luật này cũng nói việc kê biên tài sản đang tranh chấp được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản. Ở đây, căn nhà đã thuộc sở hữu của ông C., ông không có tranh chấp với ai. Như vậy không thể nói đây là tài sản thuộc đối tượng để tòa kê biên liên quan đến vụ tranh chấp giữa bà H. và bà N.

SONG NGUYỄN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm