Khổ sở vì cái ban công!

Năm 2005, ông E. cho rằng ông L. xây dựng ban công lấn chiếm không gian của mình (diện tích khoảng 2,8 m2), nên khởi kiện yêu cầu TAND TP Cà Mau tuyên buộc ông L. đập bỏ. Ông L. thì phản tố bảo ông E. sử dụng trái phép phần diện tích phía dưới ban công, đề nghị ông E. phải tháo dỡ...

Lúc bảo đập, lúc để nguyên

Theo hồ sơ, hai ông L. và E. (TP Cà Mau) mua nhà ở cạnh nhau từ năm 1990. Tranh chấp phát sinh khi ông E. định dỡ nhà cũ ra xây nhà mới. Lúc đó ông E. đòi ông L. tháo dỡ ban công nằm trên nhà vệ sinh của ông để ông lấy lại khoảng không gian này.

Thụ lý vụ án đến nay, TAND hai cấp của tỉnh Cà Mau đã qua nhiều lần xét xử với ba hướng xử khác nhau và đều bị TAND Tối cao tuyên hủy. Cụ thể, tại hai phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm lần đầu (tháng 3 và tháng 5-2005), tòa tuyên buộc ông L. tháo dỡ ban công, trả lại phần không gian cho ông E. và bác yêu cầu phản tố đòi lại phần đất phía dưới ban công của ông L. TAND Tối cao đã hủy cả hai bản án này, đề nghị xét xử sơ thẩm lại từ đầu.

Khổ sở vì cái ban công! ảnh 1

Tháng 8-2007, TAND TP Cà Mau xử sơ thẩm lần hai tuyên theo hướng mới: Bác yêu cầu của ông E., giữ nguyên hiện trạng nhà ông L., đồng thời cũng bác yêu cầu phản tố của ông L. Đến phiên phúc thẩm lần hai vào tháng 11-2007, TAND tỉnh Cà Mau tuyên thêm một hướng nữa: Giữ nguyên hiện trạng, giao ông L. tiếp tục xử dụng phần không gian từ ban công trở lên. Ông L. không được gia cố, sửa chữa, cơi nới và phải tự tháo dỡ ban công trả lại không gian cho ông E. khi “không còn nhu cầu sử dụng hoặc khi sửa chữa nhà”.

Tháng 10-2008, TAND Tối cao giám đốc thẩm lại hủy bỏ hai bản án sơ, phúc thẩm nói trên...

Tại hai lần xử tiếp theo (sơ, phúc thẩm lần ba) vào tháng 8-2011 và tháng 7-2012 vừa qua, tòa trở lại tuyên theo hướng tuyên đầu tiên, buộc ông L. tháo dỡ ban công trả lại phần không gian cho ông E.       

Tòa xử chưa thuyết phục?

Qua xem xét vụ án trên, nhiều cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đã tham gia cho ý kiến, quan điểm về vụ án này. Ban Pháp chế HĐND tỉnh và Mặt trận Tổ quốc tỉnh  nhiều lần lên tiếng bằng văn bản, đồng nhận định với TAND Tối cao là tòa án hai cấp tại tỉnh Cà Mau chỉ quan tâm phản biện chứng cứ phía ông L., thiếu phản biện chứng cứ phía ông E. nên đã xét xử thiếu thuyết phục.

Cụ thể hai lần ra bản án giám đốc thẩm, TAND Tối cao đều cho rằng cần giám định cái ban công của ông L. và nhà vệ sinh của ông E. xem cái nào có trước, cái nào có sau. Đồng thời cần làm rõ diện tích đất thực tế của ông E. xem có phải ông E. đã lấn chiếm như phản tố của ông L. hay không. Bởi Thanh tra Nhà nước tỉnh Cà Mau có kết luận đất ông E. thừa so với hợp đồng mua bán nhà và biên bản bàn giao nhà đất năm 1990 đến hơn 23 m2 và UBND tỉnh Cà Mau cũng đã ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất của ông E. để xử lý phần đất thừa này.

Chưa hết, Ban Pháp chế HĐND tỉnh Cà Mau còn khẳng định: Trong hồ sơ của ông E., từ hợp đồng mua nhà, biên bản bàn giao nhà đất đến giấy chứng nhận chủ quyền nhà đất đều không thể hiện có phần đất nào giáp với ông L... Thế nhưng những vấn đề trên vẫn chưa được xem xét một cách thấu đáo.

Hiện tại phía ông L. đã có đơn xin tiếp tục giám đốc thẩm sau khi nhận được bản án phúc thẩm lần ba này. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc khi có diễn biến mới.

“Giấy tờ đất vẫn còn giá trị...”

Theo hồ sơ, tháng 3-2008, Thanh tra Nhà nước tỉnh Cà Mau kết luận: Sở Xây dựng tỉnh đã tự ý giao thừa cho ông E. phần đất trống phía sau có diện tích 23 m2, đề nghị thu hồi lại. Sau đó, UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận và thu hồi số đất giao thêm trái pháp luật này nhưng UBND TP Cà Mau không triển khai thực hiện với lý do chưa tìm ra phương án xử lý số đất thừa.

Trao đổi với phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM, Thẩm phán Hồ Minh Tấn (chủ tọa phiên xử phúc thẩm lần ba) ngày 13-7 cho biết: “Dù tỉnh có quyết định thu hồi giấy chứng nhận nhà đất của ông E. nhưng do quyết định này chưa được triển khai thực hiện nên về nguyên tắc, các giấy tờ nhà đất của ông E. vẫn còn nguyên giá trị. Từ đó, chúng tôi chiếu theo nguyên tắc ai có quyền sử dụng diện tích đất bên dưới sẽ có quyền sử dụng phần không gian phía trên theo chiều thẳng đứng”...

TRẦN VŨ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm