Khó hiểu vỉa hè ‘đè’ nứt đường Phạm Văn Đồng

“Theo tôi, nguyên nhân hư hỏng đường Phạm Văn Đồng nằm ở vấn đề chất lượng thi công. Nó thuộc trách nhiệm và lỗi của đơn vị thi công, tư vấn giám sát. Riêng Sở GTVT TP.HCM là cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) này nên rút kinh nghiệm về việc giám sát và quản lý hợp đồng nhằm tránh những sai sót đáng tiếc không đáng có xảy ra ở các dự án khác”. TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, nói với Pháp Luật TP.HCM về hư hỏng đang phát sinh ở đường Phạm Văn Đồng.

Nhà dân không có cũng bị “đổ thừa”

“Dự án này chưa hoàn thành nhưng đã xuất hiện một số hư hỏng thì quả là chuyện đáng tiếc. Đây là con đường quá đẹp, bước đầu đã phát huy hiệu quả” - TS Sanh nhận xét.

Về nguyên nhân, lãnh đạo Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1 thuộc Sở GTVT cho biết theo thiết kế, đường Phạm Văn Đồng đi trên nền đất yếu nên phía dưới các làn đường dành cho xe máy và ô tô được gia cố bằng cọc đất xi măng. Riêng phần vỉa hè thì chỉ đổ đất, đá, tráng xi măng, lót gạch. “Thời gian qua, nhiều nhà dân hai bên đường đổ đất nâng nền nên trọng lượng vật liệu phần vỉa hè và nhà dân đè nặng lên khu vực làm lún, kéo trượt tới phần đường dành cho xe máy, gây ra nứt mặt đường” - vị lãnh đạo này nói.

Tuy vậy, TS Phạm Sanh cho rằng lý giải về nguyên nhân hư hỏng như trên là không thuyết phục, thiếu cơ sở khoa học. “Bằng mắt và kinh nghiệm thực tế có thể thấy công trình này có vấn đề về mất ổn định tổng thể nền - mặt đường hoặc nứt do ứng suất nhiệt (nứt dạng top-down, do nhiệt độ) chứ không phải do tải trọng như lý giải của Khu 1” - TS Sanh nhận xét.

Một chuyên gia khác về nền móng công trình cũng cho rằng lý giải của Khu 1 là có thể tạm chấp nhận với những hư hỏng sát vỉa hè (0,7-2,2 m). Nhưng vết nứt ở trước Nhà máy thuốc trừ sâu Bình Triệu (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) cách vỉa hè gần 7 m. Chỗ này nứt rất xa vỉa hè và đặc biệt, người dân chưa đổ đất xây công trình nên lý giải “bị ảnh hưởng bởi sự lún, trượt, kéo của vỉa hè, nhà dân” là rất khó chấp nhận. “Vết nứt này chỉ có thể là do nền hạ của đường bị lún sụt. Phải chăng bên dưới vết nứt này không được gia cố bằng cọc đất xi măng hoặc số cọc không đủ dẫn đến lún, nứt” - vị chuyên gia nêu nghi vấn.

Đơn vị thi công sửa chữa vết nứt mặt đường bê tông nhựa trên đường Phạm Văn Đồng, hướng từ đường Nguyễn Xí đến Phan Văn Trị (quận Gò Vấp, TP.HCM). Ảnh: HOÀNG GIANG

Đường nứt vì chưa được khảo sát kỹ?

TS Phạm Sanh cũng cho rằng ông đã đi khảo sát năm vị trí hư hỏng và xác định ở đây không có nhà dân hoặc công trình cao tầng. Hơn nữa, vỉa hè của đường Phạm Văn Đồng rất rộng (4-6 m) và nhà dân thụt vào trong, móng nhà sâu, không bị lún, nứt nghiêm trọng thì tải trọng nào có thể làm nứt được mặt đường bê tông cấp 1 có 10 làn xe với nền đường được gia cố cọc xi măng? “Nếu lý giải của họ đúng thì hàng loạt tuyến quốc lộ và hệ thống đường đô thị cả nước đã bị sự cố tương tự từ lâu” - TS Sanh nói.

Vị chuyên gia về nền móng trên bổ sung: “Tại đoạn giữa nút giao Linh Đông và nút giao Tô Ngọc Vân có một vết nứt hình vòng cung kéo dài cả trăm mét. Điều này có thể do ở nền hạ là vùng đất yếu. Vậy phải chăng vị trí này đã không được khảo sát kỹ để đưa ra phương án xử lý, gia cố phù hợp?”.

TS Sanh cũng cho rằng nếu lý giải do đất nền đường Phạm Văn Đồng yếu cũng không vững chắc vì nền đường được gia cố cọc xi măng nên đã cải thiện các tính chất cơ lý. Bằng chứng tại các chân trụ cầu vượt qua đường đều không có dấu hiệu lún nứt, hư hỏng như các cầu vượt ở đại lộ Võ Văn Kiệt. Hơn nữa, đường sắt quốc gia cả trăm năm chạy song song gần kề có hiện tượng lún võng gì đâu. “Vì vậy, tôi đề nghị phải tổ chức kiểm định, đánh giá nguyên nhân sự cố theo Nghị định 46/2015 về quản lý chất lượng công trình xây dựng chứ không thể xử lý qua loa chiếu lệ” - TS Sanh nhận định.

E ngại xử lý không hiệu quả

Phương án xử lý được Sở GTVT thông qua là cắt mặt bê tông nhựa nóng dọc theo vết nứt với chiều rộng 1,5-2 m, móc sâu 45 cm… rồi gia cố nền hạ để trải lớp sợi thủy tinh chịu lực căng lên. Phần trên cùng sẽ được trải lại bê tông nhựa nóng.

Tuy vậy, TS Phạm Sanh e ngại phương án này không hiệu quả lắm vì vẫn chưa kiểm định độc lập để đánh giá đúng nguyên nhân. Hơn nữa, phương án này dùng để xử lý vết nứt thẳng, nhỏ tại quận Bình Thạnh thì được. Tuy nhiên, dùng cách tương tự khó có thể xử lý các vết nứt lớn ngoằn ngoèo nghiêm trọng ở quận Thủ Đức để trả lại tính đồng nhất và thẩm mỹ của kết cấu mặt đường. Ở những chỗ này cần làm lại hết cả làn chứ không theo vệt cong quẹo.

Dự án 340 triệu USD do nước ngoài đầu tư theo hình thức BT

Đường Phạm Văn Đồng là dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài từ nút giao Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) đến nút giao Linh Xuân (quận Thủ Đức) dài gần 14 km.

Dự án này tạo ra một trục giao thông mới quan trọng qua các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức và kết nối với Bình Dương, Đồng Nai. Dự án còn một đoạn từ sân bay Tân Sơn Nhất đến nút giao Nguyễn Thái Sơn dài khoảng 1 km đang thi công nhưng việc đưa vào khai thác từng phần đã giúp người dân đi lại thuận tiện và góp phần giảm ùn tắc ở quốc lộ 13, cầu Bình Triệu, đường Đinh Bộ Lĩnh…

Dự án có mức đầu tư là 340 triệu USD do Tập đoàn GS E&C (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư, khởi công vào tháng 6-2008. Đây là dự án đầu tiên tại Việt Nam do nước ngoài đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).

Nứt sâu đến nền hạ mặt đường

Đoàn công tác của Sở GTVT, chủ đầu tư và nhà thầu thi công đã xác định có năm vị trí mặt đường Phạm Văn Đồng bị nứt. Vết nứt dài 14-70 m, rộng 1-3 mm. Vết nứt xuyên qua lớp bê tông nhựa nóng dày 12 cm và chạm tới đáy nền hạ (độ sâu trung bình 45 cm). Các vết nứt đi thẳng hoặc uốn khúc, cách bó vỉa vỉa hè 0,7-2,2 m.

Lãnh đạo Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm