Khát vọng Thanh Hóa: Phục hồi kinh tế hướng đến tương lai

Năm 2021 là năm đầu tiên Thanh Hóa thực hiện Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 13 về chương trình hành động của Chính phủ và cũng là năm Quốc hội ban hành Nghị quyết 37 về thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.

Qua đó, cho thấy Trung ương kỳ vọng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa có bước phát triển mạnh mẽ, vươn mình trở thành 1 cực tăng trưởng phía Bắc Tổ quốc cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Thanh Hóa đã cho thấy sự quyết tâm ấy bằng việc cụ thể thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh” khi huy động cả hệ thống trị từ hành động, quyết sách, chính sách thu hút đầu tư, đào tạo cán bộ, lựa chọn cán bộ đủ sức để gánh vác đưa Thanh Hóa phát triển nhanh, bền vững, từng bước.

Lấy chống dịch làm nhiệm vụ quan trọng kiểm soát dịch COVID-19 tốt từ đó làm đòn bẩy để phát triển kinh tế, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống của người dân.

Thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả COVID-19

Trả lời tại cuộc họp báo về phát triển kinh tế xã hội năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, năm 2021 Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, từ sớm, từ xa, có trọng tâm, trọng điểm từng nội dung, vấn đề lớn rõ ràng, minh bạch, công khai.

Vì thế năm 2021 Thanh Hóa vẫn giữ được mức tăng trưởng kinh tế cao, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 8,85% và thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước, nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng vượt xa so với kế hoạch và đạt cao nhất từ trước đến nay. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 36.500 tỷ đồng, xuất khẩu ước đạt 5,3 tỷ USD, giải ngân vốn đầu tư công đạt 8.368,8 tỷ đồng nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước; thành lập mới hơn 3.600 doanh nghiệp, đứng thứ 4 cả nước...

Ông Đỗ Minh Tuấn- Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: HIẾU TRUNG

Đối với việc kiểm soát dịch COVID-19 là nhiệm quan trọng hàng đầu, vì thể chỉ cần khi phát hiện các ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, các cấp, các ngành đã thực hiện truy vết, xét nghiệm, nhanh chóng bóc tách F0. Thực hiện giãn cách, cách ly, phong tỏa phù hợp với từng địa bàn dân cư, dựa trên mức độ nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Dù khó khăn, nhưng tỉnh Thanh Hóa luôn bảo đảm nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19, cùng với việc chủ động cắt giảm các nhiệm vụ, đề án không thực sự cần thiết và tiết kiệm chi thường xuyên, đặc biệt là kêu gọi, huy động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh cùng chung tay đẩy lùi đại dịch COVID-19 mà theo ông Tuấn đó là những tín hiệu rất tích cực.

Ngoài phát triển kinh tế, các hoạt động văn hóa - xã hội, nhất là chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích. Công tác y tế được quan tâm đầu tư, nhiều kỹ thuật cao trong khám, điều trị bệnh được đưa vào áp dụng tại bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện.

Các chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được thực hiện kịp thời. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm, ông Tuấn thông tin.

6 giải pháp để Thanh Hóa vươn mình mạnh mẽ

Trao đổi với PV xung quanh những giải pháp phục hồi phát triển kinh tế, trong đó đặc biệt là ngành du lịch của Thanh Hóa. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhận định, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Đặc biệt là chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11,5% trở lên.

Và để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới theo Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, hiện Thanh Hóa đã đưa ra nhóm giải phát cho phục hồi kinh tế tạo nền tảng quan trọng trên hành trình trở thành cực tăng trưởng mới.

Một là, Thanh Hóa tiếp tục xây dựng và triển khai các biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” với lộ trình chặt chẽ, khả thi, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.  Xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế phù hợp với lộ trình kiểm soát dịch COVID-19, đáng chú ý khuyến khích phát triển các ngành, lĩnh vực mới thích ứng tốt với dịch bệnh. Đồng thời khẩn trương phục hồi ngành du lịch, dịch vụ và các ngành sản xuất chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, chăm lo tốt nhất đời sống của Nhân dân.

Một góc TP Thanh Hóa. Ảnh: HOÀNG LÊ

Hai là, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách đã được ban hành để sớm cụ thể hóa, đưa Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 vào cuộc sống.

Thanh Hóa cũng đang khẩn trương phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương để được hướng dẫn triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13-11-2021 của Quốc hội để sớm phát huy hiệu quả của các chính sách trong thời gian nhanh nhất, tạo xung lực mới cho phát triển của tỉnh, liên kết trong nội bộ vùng, giữa các vùng trong tỉnh và với các tỉnh lân cận.

Ba là, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cụ thể ở lĩnh vực công nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng kết hợp hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu, lấy phát triển theo chiều sâu làm định hướng cơ bản với các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành sử dụng công nghệ cao làm đột phá cho phát triển. Ở lĩnh vực nông nghiệp, tập trung thu hút, hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, để sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, tạo thương hiệu lớn trên thị trường sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

Bốn là, nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch, trọng tâm là tập trung rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, mẫu hóa các thành phần hồ sơ, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo thuận lợi nhất cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận các nguồn lực đất đai, tài chính, nhân lực.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, đặc biệt là thu hút các dự án quy mô lớn, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, qua đó tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với những tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, để ngành, địa phương, đơn vị trì trệ, thực hiện nhiệm vụ kém hiệu quả.

Thanh Hóa là vùng đất thịnh vượng để các nhà đầu tư cất cánh qua các dự án lớn. Ảnh: HIẾU TRUNG

Năm là, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tạo đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, tập trung vào các lĩnh vực như: hạ tầng giao thông, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị, hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông và một số công trình hạ tầng quan trọng khác...

Tập trung giải quyết các nút thắt trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư có sử dụng đất; rà soát, hoàn thiện các quy định, cơ chế, chính sách về đất đai, bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước và doanh nghiệp thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án, bảo đảm khách quan, công bằng, minh bạch, hài hòa giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Sáu là, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững và nâng cao thành tích giáo dục mũi nhọn. Huy động các nguồn lực để hiện đại hóa hệ thống y tế; nhất là củng cố, hoàn thiện và nâng cao năng lực, đầu tư cơ sở vật chất mạng lưới y tế dự phòng, y tế cơ sở, bảo đảm khả năng phòng, chống dịch bệnh.

Thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Tiếp tục xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; tăng cường công tác dự báo, chủ động ứng phó với các tình huống an ninh phi truyền thống, ông Tuấn khẳng định.

Chung sức đồng lòng, xây dựng Thanh Hóa ngày càng phồn vinh

“Nhân dịp năm mới 2022 và chuẩn bị đón Xuân Nhâm Dần, tôi trân trọng gửi đến cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, cộng đồng các doanh nghiệp, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, cùng đồng bào Thanh Hóa đang sinh sống, lao động, học tập, công tác ở mọi miền của Tổ quốc và ở nước ngoài, người tỉnh ngoài, nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Thanh Hóa lời chúc mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Tiếp tục nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, biến thời cơ thành hiện thực, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, thịnh vượng”.

 Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Đỗ Minh Tuấn gửi lời chúc Tết tới toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ tỉnh Thanh Hóa cộng đồng người Thanh Hóa ở nước ngoài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm