Khẳng định xăng dỏm gây cháy xe

“Nguyên nhân gây cháy xe máy xuất phát từ việc sử dụng xăng pha methanol, ethanol kém chất lượng. Xăng dỏm phá hủy ống dẫn nhiên liệu, gây ra các vùng nóng cục bộ và làm tăng nguy cơ cháy. Ngoài ra, các yếu tố khách quan, chủ quan như chập điện; chủ xe để các vật dễ cháy vào cốp xe; bao nylon, vải… vướng vào ống pô cũng gây cháy xe”. Đó là kết quả nghiên cứu xác định nguyên nhân gây cháy xe máy do Sở KH&CN TP.HCM công bố chiều 15-5. Cuộc nghiên cứu do Trung tâm Nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu (RPTC) và Phòng Thí nghiệm trọng điểm động cơ đốt trong (đều thuộc ĐH Bách khoa TP.HCM) thực hiện.

Xăng dỏm phá ống dẫn nhiên liệu

Theo TS Nguyễn Ngọc Dũng (Phòng Thí nghiệm trọng điểm động cơ đốt trong), sử dụng xăng có chỉ số RON thấp hơn yêu cầu hoặc xăng có pha methanol, ethanol kém chất lượng sẽ khiến nhiệt độ cục bộ tại khu vực nhớt bôi trơn, thùng xe, khoang động cơ, thùng xăng… tăng 10-20 độ C so với sử dụng xăng đúng chuẩn. “Trong một số trường hợp, nhiệt độ ống xả khí thải tăng đến 450 độ C, nhiệt độ dây điện hay bộ sạc lên đến 70 độ C, thùng xe nóng 60-70 độ C. Điều này dễ khiến xe bốc cháy nếu gặp vật dễ cháy như pin, điện thoại di động, máy ảnh, nước hoa, keo xịt tóc… (thường để trong thùng xe) hay có sự rò rỉ xăng” - TS Dũng nói.

Ông Dũng cho biết thêm, các ống dẫn nhiên liệu bị lão hóa hoàn toàn, mất khả năng đàn hồi sau 10 ngày ngâm trong xăng dỏm. “Khi bị pha thêm 10% methanol, khả năng rò rỉ của xăng sẽ rất lớn do ống dẫn nhiên liệu dễ bị phá hủy. Nguồn xăng rò rỉ này chạm vào ống xả khói hoặc gặp tia điện thì xe sẽ bốc cháy” - ông Dũng nói.

Khẳng định xăng dỏm gây cháy xe ảnh 1

Một chiếc xe máy bốc cháy ngùn ngụt trên cầu Bình Triệu (TP.HCM) vào cuối năm 2011. Ảnh: MP

Khẳng định xăng dỏm gây cháy xe ảnh 2

Năm 2011, số xe cháy tăng 53% so với 2010. Năm 2012, số xe cháy dự kiến tăng 55% so với 2011 (sẽ lên đến hơn 300 xe) nếu không có biện pháp hạn chế. Tính đến tháng 4, đã có 79 xe bị cháy. Ảnh: NHÓM NGHIÊN CỨU CUNG CẤP

Cần cấm xăng A83, “siết” methanol

TS Huỳnh Quyền, Giám đốc RPTC, cho biết khả năng tăng RON của methanol, ethanol là rất cao nên việc pha thêm các loại hóa chất này vào xăng hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt là methanol. “Qua kiểm tra, có 35/154 mẫu xăng có chứa methanol. Hiện giá methanol chưa đến 10.000 đồng/lít, trong khi dùng 15% methanol pha vào xăng A83 là ra A95. Đây là món lợi khổng lồ nên nghi vấn pha methanol vào xăng để tăng lợi nhuận là có cơ sở” - ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH&CN, khẳng định.

Ông Huỳnh Quyền thông tin thêm, lượng methanol nhập khẩu vào Việt Nam trong năm 2010 và 2011 (lần lượt là hơn 90.000 tấn và hơn 80.500 tấn) tăng đột biến so với năm 2008, 2009 (gần 52.400 tấn và hơn 66.000 tấn). Theo ông Phan Minh Tân, hiện việc buôn bán, sử dụng methanol rất dễ dàng. Nhà nước cần siết chặt điều kiện nhập khẩu, sử dụng methanol và coi đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện.

“Ngoài việc kiểm soát đường đi của methanol, đề nghị chấm dứt lưu thông xăng A83 bởi loại xăng này dễ gây kích nổ, làm nóng động cơ, tăng nguy cơ cháy. Nếu còn xăng A83, các cây xăng càng có điều kiện pha trộn methanol vào, trong khi việc này khó quản lý và người dân hoàn toàn không thể phân biệt” - ông Tân kiến nghị.

Chủ xe máy tự bảo vệ như thế nào?

- Sử dụng xăng theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất, đặc biệt là chỉ số RON.

- Không dùng xăng có nguồn gốc bất hợp pháp hoặc chưa được cơ quan chức năng cho phép sử dụng.

- Thường xuyên kiểm tra định kỳ xe, đặc biệt là ống dẫn nhiên liệu trên động cơ, hệ thống điện. Nếu thay thế các chi tiết, nên đến các trung tâm bảo dưỡng của nhà sản xuất.

- Không gắn thêm các thiết bị phụ trợ khác khi nhà sản xuất chưa cho phép.

- Không chứa các vật liệu dễ cháy trong thùng đựng mũ bảo hiểm.

- Kiểm tra xe thường xuyên, tháo bỏ các vật dễ cháy như rác, vải, nylon… ở cổ ống xả.

TS NGUYỄN NGỌC DŨNG

Một số vụ cháy xe gần đây

- Tối 15-5, ô tô Honda Civic bốn chỗ cháy rụi trên đại lộ Võ Văn Kiệt (quận Bình Tân, TP.HCM).

- Chiều 9-3, trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, xe khách 29 chỗ của hãng Transinco đột nhiên bốc cháy trơ khung sắt.

- Ngày 7-3, một xe máy Attila cháy rụi khi đang lưu thông tại quận Thanh Khê, Đà Nẵng.

- Ngày 2-3, ô tô Lexus RX350 trị giá bạc tỉ khi đi qua khu vực Bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) bỗng bốc khói, nổi lửa từ dưới capo.

….

Trong những vụ cháy xe được ghi nhận trên cả nước, xe bị cháy khi đang chạy là phổ biến. Hầu như các hãng xe Honda, SYM, Yamaha, Piaggio từ xe số đến xe tay ga đều “góp mặt”. Tương tự, nhiều loại ô tô từ các hãng cao cấp như Lexus, BMW hay những loại xe hạng trung như Honda, Mazda cũng… từng bị cháy.

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm