Kẹt bồi thường, giải phóng mặt bằng tuyến vành đai 2, 3

Chiều 6-6, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM dẫn đầu đoàn giám sát của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP.HCM làm việc với UBND quận Thủ Đức, quận 9, quận 2 về tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 2; dự án Bồi thường giải phóng mặt bằng đường vành đai 3.

Phía quận 9 cho biết các khó khăn của các dự án trên địa bàn quận là hiện nay vẫn chưa có văn bản cụ thể của các Sở, ngành thống nhất các nội dung về việc thu hồi đất, thủ tục lập hồ sơ đầu tư công... cho các dự án cụ thể của quận. ẢNH: THANH TUYỀN. 

Các dự án ở quận 9 vẫn nằm chờ… văn bản

Về dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 2, đại diện UBND quận 9 cho biết từ khi có công văn của UBND TP.HCM về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng tuyến đường, Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng quận đã tiến hành khảo sát hiện trạng và có báo cáo thực địa.

Quận 9 sau đó cũng đã có công văn về việc giải trình gia hạn kế hoạch thu hồi đất các dự án điểm gửi Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị cho phép quận được đưa dự án vào danh mục dự án cần thu hồi năm 2018, nhưng trong Nghị quyết HĐND năm 2018 lại không có tên dự án.

Đến nay, theo Nghị quyết số 09/NĐ-HĐND ngày 26-8-2015 về danh mục dự án thu hồi đất đã quá thời hạn ba năm thì quận không thể tiếp tục tổ chức thực hiện công tác thu hồi đất đối với dự án. Vậy nên, phía quận 9 kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo với UBND TP.HCM thông qua HĐND TP.HCM bổ sung danh mục dự án cần thu hồi mặt bằng để có cơ sở pháp lý thực hiện công tác thu hồi đất.

Phía quận 9 cũng gặp khó khăn về việc lập hồ sơ đầu tư công. Đến nay, mẫu hồ sơ dự án đầu tư công chưa thống nhất nên quận chưa thể lập hồ sơ để trình duyệt theo chỉ đạo. Quận kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường sớm cùng các Sở, ngành thành phố thống nhất các nội dung và hướng dẫn thủ tục lập hồ sơ đầu tư công để nhanh chóng thực hiện.

Còn về dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng đường vành đai 3, UBND quận 9 kiến nghị HĐND và UBND TP.HCM sớm ban hành Nghị quyết và điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất để làm cơ sở triển khai dự án theo trình tự thủ tục quy định.

Quận Thủ Đức mong sớm tháo gỡ vướng mắc

Báo cáo tại buổi giám sát về các vấn đề liên quan đến dự án đầu tư xây dựng tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa- QL1 trên địa bàn quận Thủ Đức, đại diện Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng quận Thủ Đức cho biết quá trình thực hiện dự án còn nhiều khó khăn. Theo đó, số hộ dân không đồng ý nhận tiền bồi thường và có khiếu nại chiếm tỷ lệ lớn.

“Nguyên nhân chủ yếu là do người dân cho rằng đơn giá đất ở bồi thường hiện nay thấp hơn giá thị trường. Tại các buổi tiếp xúc cử tri với đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND thành phố, người dân luôn phản ứng gay gắt và dẫn chứng điều bất hợp lý vì sao giá đất nông nghiệp hiện nay bồi thường lại thấp hơn rất nhiều so với các dự án đã triển khai trước đây 10 năm”, đại diện Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng quận Thủ Đức nói.

Cũng theo vị đại diện, trong suốt quá trình thực hiện dự án, Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng đã nhận tất cả 169 lá đơn kiến nghị, phản ánh của người dân với nội dung tập trung vào các vấn đề: đề nghị xem xét lại ranh giải tỏa của dự án; không đồng ý đơn giá đất bồi thường; không đồng ý với phương thức bố trí tái định cư bằng căn hộ chung cư… Có trường hợp người dân không hợp tác, người dân viện dẫn nhiều lý do đến ranh mốc thu hồi đất không phù hợp với quy hoạch đã phê duyệt.

“Vấn đề này cho đến nay các sở, ngành vẫn chưa tham mưu cho UBND TP.HCM ban hành văn bản trả lời nên các hộ dân dựa vào đó không hợp tác”, vị đại diện này nói.  

Cũng trong dự án này, có 28 trường hợp liên quan đến phạm vi hành lang đường sắt tuyến Bắc-Nam, phía UBND quận Thủ Đức đã có nhiều văn bản gửi Cục quản lý đường sắt cho biết về pháp lý quy định hành lang đường sắt để áp dụng công tác bồi thường. Tuy nhiên, phía ngành đường sắt cũng không hỗ trợ kịp thời về thông tin pháp lý, không trả lời những vướng mắc, kiến nghị của UBND quận Thủ Đức nên chưa có cơ sở áp dụng chính sách bồi thường cho các trường hợp trên.

Đại diện Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng quận Thủ Đức nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án. ẢNH: THANH TUYỀN.

Từ đó, phía UBND quận Thủ Đức có kiến nghị thành phố xem lại đơn giá bồi thường, hỗ trợ về đất và có chính sách hỗ trợ bổ sung để giảm bớt thiệt hại cho người dân; chấp thuận cho UBND quận Thủ Đức sử dụng quỹ đất nền để phục vụ cho công tác tái định cư trong dự án. Quận cũng đề nghị UBND TP tập trung tháo gỡ những vướng mắc, kiến nghị của quận, huyện liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Phía quận Thủ Đức cũng đề nghị HĐND TP.HCM quan tâm chỉ đạo các cơ quan trả lời các kiến nghị của các cử tri trong các kỳ họp tiếp xúc nhất là liên quan đến đơn giá bồi thường, hỗ trợ tại thời điểm hiện tại để tạo sự đồng thuận của người dân trong các dự án tránh phát sinh khiếu nại, khiếu kiện…

Sau khi lắng nghe ý kiến của đại diện các quận, ông Triệu Đỗ Hồng Phước, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP.HCM cho biết sẽ có một buổi làm việc với các Sở, ban ngành liên quan để giải quyết những vướng mắc.   

Chủ trì buổi giám sát, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM đã yêu cầu đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư… tiếp nhận ý kiến và nhanh chóng phản hồi kiến nghị của các quận.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM chủ trì buổi giám sát đã yêu cầu đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư… tiếp nhận ý kiến và nhanh chóng phản hồi kiến nghị của các quận. ẢNH: THANH TUYỀN.

Bà cho biết sẽ ghi nhận lại những ý kiến của các quận, huyện và trao đổi lại với UBND TP.HCM để tháo gỡ những vướng mắc.

Nhấn mạnh quá trình thực hiện các dự án là một bài học kinh nghiệm về công tác dân vận, theo Chủ tịch HĐND TP, việc ban hành thực hiện một dự án mà không đồng bộ thì sẽ có rất nhiều rắc rối. Hơn thế nữa, làm sao để người dân hiểu, đồng thuận rồi thực hiện theo là vấn đề đáng quan tâm.

Bà cũng lưu ý rằng, một lời đã nói ra với dân thì phải thống nhất, không thể hôm nay như thế này mai lại như thế kia. “Phải làm sao để công khai với dân, để họ yên tâm. Mình đi tới đâu, làm tới đâu người dân đều biết, để họ an tâm mà xây nhà xây cửa, lo cho cuộc sống của mình, ổn định công việc của dân là vấn đề mà mỗi cán bộ đều phải lưu tâm”, bà nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm