Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè “cõng” đường?

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè “cõng” đường? ảnh 1

Đường trên cao sẽ đi uốn lượn trên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - Ảnh: Thanh Đạm

Liệu một con đường trên cao như đề xuất có giá trị phát triển kinh tế và có làm xấu đi hình ảnh của dòng kênh NL-TN?

Nhà đầu tư xin... rút

Theo Sở GTVT TP, xây tuyến đường nói trên nhằm giải quyết nhu cầu giao thông ngày càng tăng ở thành phố. Từ năm 2000, Sở Giao thông công chánh TP (nay là Sở GTVT TP) đã kiến nghị thành phố đưa dự án đường trên cao dọc kênh NL-TN (từ đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình đến đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh, là trục đường Bắc Nam TP) vào danh mục đầu tư xây dựng.

Do không mời gọi được nhà đầu tư dự án, năm 2006 Sở GTVT TP tiếp tục đề nghị UBND TP xem xét phương án đầu tư từ nguồn phát hành trái phiếu công trình. Theo Sở GTVT TP, đầu tư tuyến đường này dễ thực hiện hơn so với việc đầu tư mở rộng các trục đường Bắc - Nam như đường Cách Mạng Tháng Tám, Lê Văn Sĩ.

 Cụ thể nếu mở rộng đường Cách Mạng Tháng Tám hoặc Lê Văn Sĩ thì tiền đền bù giải tỏa sẽ cao gấp nhiều lần so với vốn đầu tư tuyến đường trên cao NL-TN. Thế nhưng việc phát hành trái phiếu công trình đã không thực hiện được.

Đến cuối năm 2007, Tập đoàn GS E&C (Hàn Quốc) đã ký kết bản ghi nhớ với UBND TP về việc nghiên cứu đầu tư dự án đường trên cao kênh NL-TN (tuyến trên cao số 1). Sau hơn một năm nghiên cứu thiết kế, tập đoàn này cho biết tuyến đường trên cao sẽ được xây dài 8,5km, rộng 17,5m cho bốn làn ôtô lưu thông (không cho xe gắn máy lưu thông) với kinh phí đầu tư 340 triệu USD.

Đến tháng 6-2008, nhà đầu tư GS E&C đã đề nghị UBND TP cho điều chỉnh từ hình thức đầu tư BOT (đầu tư, kinh doanh và chuyển giao) được bổ sung hình thức BT (đầu tư và chuyển giao) vì thực hiện đầu tư theo hình thức BOT không đủ khả năng thu hồi vốn. Nhưng mới đây tập đoàn này đã rút khỏi dự án nói trên…

Không nên xây đường trên cao

Thạc sĩ Nguyễn Bích Thái Nguyên - chuyên gia quốc tế về môi trường VN - cho rằng không nên xây đường trên cao kênh NL-TN. Theo thạc sĩ Nguyên, dự án vệ sinh môi trường TP nhằm thu gom nước thải không cho xả xuống kênh và trả lại màu xanh, sạch đẹp cho con kênh. Một con đường trên cao chạy dọc kênh sẽ làm ảnh hưởng đến công suất dòng chảy của kênh và làm cảnh quan thành phố xấu đi.

Trước đó, tại hội thảo về dự án đường trên cao NL-TN do Tập đoàn GS E & C tổ chức, cũng có nhiều ý kiến không đồng tình về dự án này. Một cán bộ Sở GTVT TP cho biết ở Seoul (Hàn Quốc) từng lấp một con kênh để làm đường và sau mười năm sử dụng người ta phải đào bỏ đường để lấy lại dòng kênh.

Liệu có tái diễn việc xây đường trên cao NL-TN rồi phải phá bỏ? Có ý kiến khác cho rằng đường trên cao sẽ phá nát dòng kênh vì đường được thiết kế cho xe chạy với tốc độ 80 km/giờ nên có lúc đường nằm bên này bờ kênh và lúc nằm bên kia bờ kênh…

Mặc dù có nhiều ý kiến “bàn ra” nhưng một lãnh đạo Sở GTVT TP cho biết dự án đường trên cao NL-TN là một trong bốn tuyến đường trên cao ở thành phố đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt về quy hoạch.

Nên cân nhắc kỹ lưỡng

Trao đổi với PV, ông L.Fernando Requena, trưởng đoàn tư vấn thiết kế Công ty Tư vấn quốc tế Camp Dresser & Mekee International (gọi tắt là CDM-Hoa Kỳ, đơn vị đã thiết kế dự án vệ sinh môi trường TP - lưu vực NL-TN), cho biết:

- Dự án vệ sinh môi trường TP có mục tiêu lớn nhất là cải thiện điều kiện vệ sinh của kênh NL-TN nói riêng và cải thiện vẻ mỹ quan của TP.HCM nói chung.

Việc thu gom và tách dòng toàn bộ lưu lượng nước thải của lưu vực sẽ giúp con kênh trở nên sạch và xanh, đồng thời cùng với công tác tạo cảnh quan dọc hai bên bờ kênh sẽ giúp con kênh trở thành một địa điểm thu hút người dân đến vui chơi và giải trí.

* Ông lo ngại điều gì nếu xây đường trên cao kênh NL-TN?

- Chúng tôi rất quan ngại về dự án đường trên cao dọc kênh NL-TN với một số lý do sau: dọc kênh sẽ có vài chỗ uốn cong, nên theo thiết kế về tốc độ tối đa cho phép đối với xe cơ giới trên tuyến đường này (80km/giờ) là khó khả thi. Trên thực tế tốc độ an toàn cho phép tối đa chỉ nên 40km/giờ. Với tốc độ chậm như vậy, giá trị phát triển kinh tế của dự án đường trên cao này sẽ bị giảm.

Ngoài ra, mục tiêu cải tạo, làm sạch kênh cũng như mục tiêu cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường và tạo mỹ quan cho khu vực cũng sẽ bị vô hiệu một phần nếu làm đường trên cao. Một công trình kết cấu bêtông nhựa đường đồ sộ chạy phía trên dòng kênh sẽ gây ra tiếng ồn, khói bụi, thiếu ánh sáng và một số yếu tố ảnh hưởng khác…

Theo tôi, nên cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định thực hiện dự án nói trên và có thể nghiên cứu phương án sử dụng giao thông thủy từ thượng nguồn kênh NL-TN sau khi dự án vệ sinh môi trường TP hoàn thành.

Theo NGỌC ẨN (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm