Huỳnh Thúc Kháng - Cả đời vì nước, thương dân ​

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo, gốc nông dân của huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, vùng đất địa linh nhân kiệt. Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã sớm hấp thu những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, quê hương, dân tộc.

Học hành đỗ đạt, lẫy lừng danh tiếng là một nhà đại khoa bảng (từng đỗ đầu kỳ thi Hương, đỗ tiến sĩ kỳ thi Hội) nhưng Huỳnh Thúc Kháng từ chối không ra làm quan, tiếp thu tư tưởng tiến bộ “Khai dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân sinh”, tích cực tham gia lãnh đạo phong trào Duy tân, nuôi chí canh tân đất nước.

Khi thực dân Pháp đàn áp phong trào chống sưu thuế, Cụ Huỳnh bị bắt, kết án tù chung thân và đày ra Côn Đảo suốt 13 năm. Nhưng Cụ vẫn một dạ sắt son, gan không núng, chí không sờn.

Ra tù, với tầm nhìn và tư duy sắc sảo, bản tính thẳng thắn, cương trực, trên cương vị Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ, Chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Tiếng Dân, Cụ Huỳnh đã mạnh mẽ đấu tranh đòi thực hiện dân chủ, dân quyền, vạch trần chính sách cai trị nô dịch, cướp bóc, đàn áp dã man của thực dân Pháp và sự mục nát của chế độ phong kiến.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, tuy đã ngoài 70 tuổi nhưng với tất cả nhiệt huyết của một chí sĩ yêu nước, Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã nhận lời tham gia Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu với cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Cụ còn là người sáng lập và là Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam, một trong những tổ chức tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay. Cụ nói: “Trong lúc phục hưng dân tộc, xây dựng nước nhà thì bất kỳ già, trẻ, trai, gái ai cũng phải ra sức phụng sự Tổ quốc”.

“Quyết đoán, bản lĩnh, trí tuệ và rất gần gũi với nhân dân, Huỳnh Thúc Kháng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đi công tác nước ngoài dài ngày, tin cậy giao trọng trách Quyền Chủ tịch nước, điều hành quốc sự. Bằng uy tín, tài năng và đức độ của mình, Cụ đã sát cánh cùng các chiến sĩ cộng sản và đồng bào cả nước chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, ngăn chặn, đập tan mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực phản động, góp phần bảo vệ nền độc lập và chính quyền cách mạng còn non trẻ trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” - Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại buổi lễ.

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử Huỳnh Thúc Kháng làm đặc phái viên của Chính phủ đi kinh lý miền Trung, chuẩn bị “toàn dân kháng chiến, toàn quốc kháng chiến".

Trên đường công tác, Cụ Huỳnh lâm bệnh nặng. Suốt cuộc đời vì nước, vì dân, hết lòng phụng sự Tổ quốc, Cụ ra đi thanh thản, để lại lời “chào vĩnh quyết” như một lời hiệu triệu, kêu gọi đồng bào đoàn kết, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Cả nước đau buồn, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định tổ chức quốc tang Cụ giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra ác liệt.

Tri ân và ghi nhận công lao, đóng góp to lớn của Cụ Huỳnh Thúc Kháng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng, Nhà nước đã truy tặng Cụ phần thưởng cao quý - huân chương Sao vàng.

“Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà trước đây Cụ đã bị bọn thực dân làm tội, đày ra Côn Đảo. Mười mấy năm trường gian nan cực khổ. Nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của Cụ Huỳnh chẳng những không sờn lại thêm kiên quyết. Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời Cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập” - Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh.

Trước đó, trong sáng sớm cùng ngày, Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Võ Văn Thưởng; Chủ nhiệm Tài chính ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng các lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và gia tộc họ Huỳnh đến dâng hương kỷ niệm 140 năm sinh Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng tại Nhà lưu niệm cụ Huỳnh ở xã Tiên Cảnh (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam).

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Huy Trường

Chủ tịch nước cùng các lãnh đạo viếng và dâng hương tại Nhà lưu niệm cụ Huỳnh. Ảnh: Huy Trường

 

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng trồng cây lưu niệm tại khuôn viên Nhà lưu niệm.

Tờ báo Tiếng Dân do Huỳnh Thúc Kháng làm chủ bút.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm