Huyện Đồng Phú (Bình Phước): Sẽ cưỡng chế hàng trăm hecta đất rừng

“Chúng tôi đã đối thoại với dân. Việc họp báo là nhằm công khai kế hoạch thực hiện thu hồi đất xâm canh, lấn chiếm trên địa bàn tỉnh” - ông Nguyễn Thành Chương (ảnh), Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú, nói.

Theo kế hoạch, đến tháng 7-2012, huyện sẽ tổ chức cưỡng chế, thu hồi gần 260 ha đất lâm nghiệp bị xâm canh, lấn chiếm. Cụ thể, tại lâm phần của BQL rừng kinh tế Suối Nhung để xảy ra 17 trường hợp lấn chiếm với tổng diện tích lên đến hơn 229 ha cần phải thu hồi. Tại lâm phần thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Bình Phước để xảy ra 96 trường hợp lấn chiếm với tổng diện tích đất hơn 171 ha. Tại diện tích đất trồng rừng xã Tân Hưng cũng để xảy ra nhiều vụ lấn chiếm với diện tích cần thu hồi hơn 8,3 ha.

Theo ông Chương, tổng diện tích đất công bị lấn chiếm trên địa bàn huyện là hơn 800 ha nhưng trong đó có nhiều diện tích đất rừng tự nhiên nên chỉ thực hiện cưỡng chế gần 260 ha.

Phóng viên các báo đặt nhiều câu hỏi cho chủ tịch UBND huyện Đồng Phú:

. Báo Pháp Luật TP.HCM: Vì sao huyện Đồng Phú để xảy ra hàng loạt vụ lấn chiếm đất công nhưng báo cáo không đề cập đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước? Huyện có biết tâm tư, nguyện vọng của người dân bị thu hồi đất và đánh giá thế nào về hiệu quả kinh tế-xã hội của những dự án thực hiện trên phần đất đã thu hồi?

Huyện Đồng Phú (Bình Phước): Sẽ cưỡng chế hàng trăm hecta đất rừng ảnh 1
+ Ông Nguyễn Thành Chương: Đất rừng rất dễ lấn chiếm. Công tác quản lý của địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Còn chuyện thu hồi đất, người dân có bức xúc nhưng đều đồng tình với các quyết định thu hồi đất. Đất sau khi thu hồi, phần lớn được chuyển giao cho Công ty Cao su Bình Phước và Công ty Cao su Sông Bé. Các báo có thể liên hệ với hai đơn vị này để tìm hiểu thêm về hiệu quả.

. Báo Kinh Tế Nông Thôn: Tại sao khi thu hồi đất, cây cao su, cây điều của người dân đã đến lúc thu hoạch cũng bị chặt bỏ. Sau đó đơn vị nhận đất thu hồi đi trồng lại cây điều, cây cao su! Đây có phải là việc làm gây lãng phí?

+ Cây trồng trên đất bất hợp pháp cũng được xem là cây bất hợp pháp nên không thể để tồn tại. Nếu để tồn tại, việc khai thác sẽ rất phức tạp.

. Báo Người Lao Động: Huyện xác định 18 hộ dân ở tiểu khu 360, 362 thuộc lâm phần của BQL rừng kinh tế Suối Nhung là lấn chiếm đất rừng. Tuy nhiên, vụ việc đang được TAND tỉnh thụ lý, chưa xét xử. Vậy căn cứ vào đâu để cho rằng người dân lấn chiếm đất?

+ Báo cáo của huyện là nêu kế hoạch cưỡng chế chung. Đối với 18 hộ dân, do họ không thực hiện đúng hợp đồng, làm mất rừng giao khoán nên đã bị thanh lý hợp đồng, vì thế cũng phải thu hồi đất.

Ngày 28-5, tỉnh Bình Phước đã yêu cầu: Đối với diện tích giao khoán cho 18 hộ dân ở rừng Suối Nhung, UBND huyện Đồng Phú chỉ đạo BQL rừng có văn bản kiến nghị thi hành án theo trình tự, thủ tục thi hành án.

Với trường hợp 18 hộ dân này, văn bản của Công an Bình Phước nêu: Khi giao đất rừng thực địa, cán bộ của BQL chỉ đi bên ngoài để đo và đóng cọc. Do đó không có cơ sở để xác định từ khi nhận giao khoán đến nay dân đã để thất thoát bao nhiêu hecta rừng.

TRUNG THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm