Hủy án vì chưa hòa giải cơ sở

Theo tòa, tranh chấp này chưa qua hòa giải cơ sở nhưng TAND quận Bình Thạnh vẫn thụ lý giải quyết là sai luật.

Cuối năm 2006, bà Loan được Công ty Cấp nước Sài Gòn đề cử vào ban kiểm soát Công ty Cấp nước Gia Định (do Công ty Sài Gòn có 51% cổ phần tại Công ty Gia Định). Sau khi trúng cử, bà làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, hưởng thù lao 1,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, hằng năm đại hội cổ đông còn trích lập quỹ thưởng ban chấp hành (2% lợi nhuận sau thuế) để giành thưởng hội đồng quản trị và ban kiểm soát.

Tháng 7-2010, bà Loan sắp nghỉ việc tại Công ty Cấp nước Sài Gòn nên có đơn từ nhiệm gửi Công ty Cấp nước Gia Định. Hội đồng quản trị ra nghị quyết ghi nhận việc miễn nhiệm tư cách thành viên của bà Loan và thanh toán thù lao đến hết tháng 11-2010.

Bà Loan cho rằng khi đại hội đồng cổ đông chưa tổ chức và chưa miễn nhiệm bà thì quan hệ lao động giữa bà và Công ty Gia Định vẫn còn. Nhưng từ tháng 12-2010 bà không được trả thù lao hằng tháng mà không được giải thích lý do.

Tháng 3-2011, đại hội cổ đông ra nghị quyết chính thức miễn nhiệm bà. Bà yêu cầu công ty thanh toán thù lao và tiền thưởng, tổng cộng là 86 triệu đồng. Công ty không đồng ý nên bà kiện yêu cầu tòa giải quyết.

Xử sơ thẩm hồi tháng 8-2013, TAND quận Bình Thạnh nhận định: Khoản 5 Điều 28 Nghị định 09 năm 2009 quy định: Quỹ thưởng ban điều hành công ty được sử dụng để thưởng cho hội đồng quản trị, ban giám đốc công ty. Bà Loan với tư cách là thành viên ban kiểm soát không thuộc đối tượng được nhận tiền thưởng. Từ đó, tòa chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của bà Loan, buộc Công ty Gia Định phải trả cho bà thù lao bốn tháng đương nhiệm, tổng cộng 6 triệu đồng. Bà Loan đã kháng cáo.

Xử phúc thẩm, TAND TP.HCM nhận định đây là tranh chấp lao động cá nhân, bắt buộc phải qua hội đồng hòa giải lao động cơ sở. TAND quận Bình Thạnh thụ lý giải quyết khi hai bên chưa tiến hành hòa giải là vi phạm khoản 1 Điều 201 Bộ luật Lao động (tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết). Mặt khác, tranh chấp này cũng không thuộc trường hợp được miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng án phí như cấp sơ thẩm đã nhận định. Vì vậy, tòa đã tuyên hủy án sơ thẩm.

PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm